Bắt tạm giam 3 bị can ở Nông trường Sông Hậu
Cập nhật lúc 07:19, Thứ Sáu, 04/07/2008 (GMT+7)
Sáng 3/7, cơ quan điều tra Công an Thành phố Cần Thơ đã thực hiện Quyết định số 03- CSĐT Công an Thành phố Cần Thơ bổ sung Quyết định khởi tố vụ án hình sự Cố ý làm trái, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng ở Nông trường sông Hậu, tiến hành bắt tạm giam 4 tháng đối với 3 bị can.
Bắt tạm giam 3 cán bộ Nông trường Sông Hậu. Ảnh: TTXVN |
Lệnh bắt và khám xét nơi ở, nơi làm việc của 3 bị can được tiến hành công khai, đúng pháp luật. Chiều cùng ngày, cơ quan cảnh sát điều tra đã di lý các bị can về trại tạm giam, để tiếp tục làm rõ những sai phạm của từng cá nhân.
Cũng trong chiều 3/7, Đại tá Lê Việt Hùng, Thủ trưởng cơ quan điều tra - Công an Thành phố Cần Thơ đã họp báo công bố kết quả điều tra sau 3 tháng, khi cơ quan điều tra tiến hành khởi tố vụ án cố ý làm trái, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng tại Nông trường sông Hậu. Theo kết quả điều tra, đã có đủ cơ sở xác định Ban giám đốc Nông trường sông Hậu vi phạm 6 vấn đề lớn.
Lãnh đạo Nông trường Sông Hậu buông lỏng công tác quản lý, làm ăn thua lỗ kéo dài nhiều năm, hiện nay số tiền nợ các ngân hàng là 230 tỷ đồng, chưa tính lãi. Số nợ này được xác định là khó trả được, vì Nông trường không có nguồn nào để trả. Lúc khởi tố vụ án, quỹ của Nông trường còn 300 triệu đồng, hiện nay là không đồng.
Việc khoán đất của Nông trường theo thanh tra kết luận, Nông trường để ngoài 1.600 ha để làm quỹ và khoán thêm (điều kiện thu thêm 1.000kg lúa/ha), bình thường chỉ 800kg lúa/ha, nhưng đã được thu thêm và kéo dài nhiều năm, gây thiệt hại 33 tỷ đồng. Nếu đúng, thì số tiền này phải nộp ngân sách nhưng nông trường lại để ngoài sổ và tự thu, tự chi, quá trình đó chứng từ của nông trường bị hủy để đối phó với thanh tra. Trách nhiệm của cơ quan điều tra phải làm rõ để xử lý đúng pháp luật.
Từ năm 2002 đến 2005, lãnh đạo nông trường sông Hậu đã ký 20 hợp đồng với các đối tác, trong đó ký 7 hợp dồng với 7 công ty và 2 cá nhân gây thất thoát 5,5 tỷ đồng. Khi thực hiện hợp đồng, đối tác chưa thanh toán xong, nông trường vẫn tiếp tục giao hàng, đây là việc làm trái với quy định, gây thất thoát tài sản không thu hồi được.
Ban Giám đốc nông trường dùng tiền của nông trường (9 tỷ đồng) mua 39 miếng đất giao cho cá nhân đứng tên sử dụng trái với quy định, trong đó có 7 miếng đất không đưa vào sổ, không báo cáo cho cán bộ công nhân viên biết, việc này chỉ có Ban Giám đốc biết (đứng tên Ban Giám đốc, một số cán bộ và giám đốc).
Nông trường còn tùy tiện xóa nợ cho nhiều người, gây thiệt hại số tiền là 7,631 tỷ đồng. Trong đó nghiêm trọng là xóa nợ cho 2 Việt kiều ở Ba Lan và Đức gây thiệt hại 2,5 tỷ đồng và 14 ngàn USD.
Trong quá trình điều tra, cơ quan điều tra đã phát hiện thêm một số sai phạm nghiêm trọng khác, ngoài hồ sơ của thanh tra thành phố chuyển sang, đó là việc lập quỹ đen trái phép với số tiền là 29 tỷ đồng; trong đó, từ năm 1994 - 2000 thiệt hại 20 tỷ đồng do ông Trần Ngọc Hoằng làm Giám đốc, bà Trần Ngọc Sương làm Phó giám đốc. Và thiệt hại 9 tỷ đồng do lập quỹ trái phép từ năm 2000 - 2007 do bà Trần Ngọc Sương làm Giám đốc. Trong số 9 tỷ đồng này dùng để mua sắm và làm quà biếu cho nhiều cá nhân.
(Theo TTXVN)
,