- Chánh Văn phòng UBND TP. Hà Nội Nguyễn Thịnh Thành cho biết, thành phố và các cấp, ngành đã sẵn sàng cho ngày ra quân lập lại trật tự vỉa hè, lòng đường trên 62 tuyến phố, kể từ ngày 1/7. Theo đó, sẽ không có chuyện "đánh trống bỏ dùi"!
Từ 7h sáng 1/7, UBND TP Hà Nội sẽ chỉ đạo các lực lượng chức năng công an, giao thông vận tải, công thương, văn hóa thông tin, các quận, phường... ra quân xử phạt việc lập lại trật tự đô thị: cấm kinh doanh, để xe dưới lòng đường, trên vỉa hè, bán hàng rong trên 62 tuyến phố.
Chiều 30/6 Văn phòng UBND TP Hà Nội cùng đại diện các sở, ngành của thành phố đã trao đổi với báo chí về vấn đề này trước giờ "xuất quân"!
Kiên quyết nhưng “mềm dẻo”!
Ông Thành cho hay, tinh thần chỉ đạo của lãnh đạo UBND TP Hà Nội là làm kiên quyết nhưng mềm dẻo. “Đây là một cuộc vận động để thay đổi nếp sống, thói quen của một bộ phận người dân Hà Nội và người ngoại tỉnh vào Hà Nội buôn bán. Sẽ là cuộc vận động lâu dài, phải làm kiên trì, bền bỉ, cương quyết nhưng cũng phải mềm dẻo" - ông Thành nói.
Theo ông Thành, ví dụ như trong ngày ra quân (1/7), có thể có những hộ vi phạm chỉ bị nhắc nhở nhưng phải lập biên bản và kí cam kết không tái phạm. Sai phạm này sẽ được "ghi nhớ", nếu lần 2 họ vi phạm sẽ bị xử phạt tiền, lần ba sẽ bị phạt mức cao nhất trong khung hình phạt.
Bà Nguyễn Thị Như Mai (Ảnh: C.H)
Đại diện Sở Công thương, bà Nguyễn Thị Như Mai, Phó Giám đốc sở bổ sung: Hà Nội hiện có tới hơn 670 tuyến phố, việc cấm 62 tuyến phố (chỉ bằng 1/10 số tuyến phố) là một giải pháp để những người bán hàng rong vẫn còn nơi để mưu sinh. Tiếp đó ta sẽ làm thêm dần dần sau khi có thêm chợ, quy hoạch bãi để xe.
Bà Mai cũng cho biết, có hơn 80% trong số trên 10.000 người bán hàng rong là người ngoại tỉnh. Mỗi sáng, các gánh hàng rong thường tập trung tại các chợ đầu mối lấy hàng rồi tỏa ra khắp phố. Bởi vậy, phải tiếp tục chú ý tuyên truyền, vận động, phối hợp với ban quản lý các chợ này thì hiệu quả chắc chắc sẽ cao hơn.
Giải đáp thắc mắc của một số báo cho rằng có thông tin quận Hoàn Kiếm sẽ "quét sạch" hàng rong chứ không chỉ trên hơn một chục tuyến phố, bà Mai cho biết, có nghe tâm tư của lãnh đạo quận là thế vì Hoàn Kiếm là quận trung tâm, cần giữ bộ mặt. Tuy nhiên, đến giờ này chưa hề có một văn bản đề nghị nào từ phía quận về cấm toàn bộ hàng rong trên địa bàn.
Quan trọng là phải duy trì!
Ông Phạm Chí Công, Phó Chánh văn phòng UBND TP khẳng định, để việc lập lại trật tự vỉa hè, lòng đường không lâm vào tình trạng bắt cóc bỏ đĩa, thành phố đã huy động không chỉ các lực lượng chức năng xử phạt tuyên truyền mà đã huy động cả hệ thống chính trị.
Thành phố đã chỉ đạo các quận, phường phải quán triệt xuống tận tổ dân phố, lập các tổ tự quản tại từng địa bàn thì mới mong đạt kết quả.
Các phường, quận cũng phải xây dựng, thành lập các tổ chức, lực lượng chuyên trách chỉ giám sát và thực hiện chức năng quản lý lòng đường, hè phố.
Từ 1/7, khu vực quận Hoàn Kiếm sẽ không còn cảnh hàng ăn vỉa hè lộn xộn như thế này? Ảnh: Đời sống PL
Ông Công cho rằng, việc thực hiện các "tuyến phố văn minh" trước đây không đạt hiệu quả là do chỉ thực hiện trong khung giờ nhất định. Cứ sau 17h là lại cất hết biển báo "tuyến phố văn minh" nên "đâu lại vào đấy"! Vì vậy, lần này thành phố chủ trương huy động các lực lượng thay nhau tuần tra kiểm soát 24/24 giờ, hay ít nhất cũng phải đến 23h để tạo lập thói quen của người dân như thời gian đầu thực hiện bắt buộc đội mũ bảo hiểm vậy.
Bà Nguyễn Thị Như Mai, Phó giám đốc Sở Công thương thì cho rằng, để việc duy trì có hiệu quả, Sở Công thương cũng tiếp tục đẩy nhanh xây dựng các chợ, nhất là các chợ dân sinh để đáp ứng thêm nhu cầu kinh doanh buôn bán của người dân.
Song, bà Mai cho biết, cái khó là khung giá kinh doanh lại theo quy định chung của thành phố, nên thành phố cũng cần phải có điều chỉnh để ưu tiên những hộ bị ảnh hưởng bởi quy định này, nếu họ có nhu cầu vào chợ kinh doanh tập trung.
Ông Nguyễn Hoàng Linh (Ảnh: C.H)
Theo đại diện của Sở GTVT, ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Giám đốc sở, toàn bộ các điểm kinh doanh, trông giữ xe ô tô, xe máy, xe đạp có và không có phép đã được Thanh tra sở này rà soát. Như Ba Đình có 39 điểm, Hoàn Kiếm có 28 điểm trông giữ ô tô, xe máy có phép...
Vì vậy, chủ trương này được duy trì, có hiệu quả thì công tác quy hoạch, sắp xếp thêm bãi trông giữ xe sẽ được sở tiếp tục phối hợp với chính quyền cơ sở bổ sung, cấp phép.
Theo Nghị định 146/NĐ-CP của Chính phủ, Phạt tiền từ 50.000 đồng đến 100.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây: a) Để vật liệu, phế thải, vật chướng ngại trên đường bộ; b) Để vật che khuất biển báo, đèn tín hiệu giao thông; c) Xây, đặt bục bệ trái phép trên hè phố hoặc lòng đường; d) Chiếm dụng hè phố, lòng đường để đặt biển hiệu, buôn bán vặt, sửa chữa xe đạp, mô tô, xe gắn máy, làm mái che, các hoạt động dịch vụ khác gây cản trở giao thông hoặc làm mất mỹ quan đường phố. |
-
Chí HiếuÝ kiến của bạn?
Họ và tên: Địa chỉ: E-mail: Tiêu đề: File gửi kèm:
(Max 100KB) File gửi kèm:
(Max 100KB) File gửi kèm:
(Max 100KB) Nội dung: