- Nguyên liệu của ngành dược hiện nay tăng gấp 1,5-2 lần so với đầu năm, nhiều doanh nghiệp ước tính sẽ tăng giá một số mặt hàng thuốc từ 60-70% theo giá nguyên liệu?
Hạn chế sản xuất
Giá một số mặt hàng thuốc sẽ tăng từ 60-70% theo giá nguyên liệu hay tăng 5-10% so với giá tân dược hiện hành? Ảnh: H.Cát
Công ty TNHH một thành viên Dược phẩm và Sinh học y tế (MEBIPHAR) hiện đang sản xuất cầm chừng một số mặt hàng thuốc có khả năng chịu đựng giá như thuốc hạ nhiệt, giảm đau, sổ mũi, cảm cúm. Đó là một số thuốc được sản xuất độc quyền và nhượng quyền.
Cho đến giờ này, nhiều nhà cung cấp đã đề nghị tăng giá, nhất là các mặt hàng có liên quan đến dầu mỏ như nhôm, loại nhựa PVC... thậm chí giá cả của bao bì giấy cũng không ngoại lệ. Hơn thế nữa, thuốc của Việt Nam chủ yếu là hóa dược, lại càng phụ thuộc vào ngành hóa dầu.
"Những mặt hàng có giá thành nhảy cao quá vì đầu vào, công ty đã ngừng mua nguyên liệu. Ngoài ra, công ty cũng chỉ sản xuất cầm chừng, và làm gia công một số mặt hàng do khách hàng đưa nguyên liệu đến như nhóm kháng sinh thế hệ mới," DS. Trương Trọng Tuân - Phó Giám đốc MEBIPHAR cho biết.
Thuốc sản xuất trong nước hiện nay đáp ứng được khoảng 51% nhu cầu cả nước, nhưng chủ yếu vẫn là các loại thuốc thông thường. Còn những dạng thuốc đặc trị, thuốc dạng bào chế đặc biệt, hoặc thuốc còn trong thời hạn bản quyền đều phải nhập khẩu. Mặt khác, 90% nguyên liệu để sản xuất thuốc trong nước cũng phải nhập từ nước ngoài. Chính vì vậy khi có biến động giá trên thị trường thế giới, ngành dược Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng tức thời.
Nhóm hàng sản xuất trong nước tăng giá chủ yếu vẫn là kháng sinh, vì phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu. Tháng 4/2008, giá nguyên liệu kháng sinh nhập từ Ấn Độ đều tăng giá xấp xỉ 15% so với tháng 3. Các nguồn nguyên liệu nhóm Amox tăng khoảng 62 USD/kg, cao gấp 3 lần so với giá bình thường. Còn nhóm Cefalexin thì tăng đến 70USD, trong khi giá thông thường chỉ từ 30-40 USD/kg. Riêng Vitamin C tăng 16,92% , nguyên liệu thuốc hạ nhiệt giá cũng tăng thêm 7,83%.
Dự báo, sau tháng 7, giá nguyên liệu sản xuất dược phẩm còn có thể tăng thêm từ 10-15%. Trong khi đó, số liệu nhập khẩu cả năm 2007 và 4 tháng đầu năm 2008, thị trường nhập khẩu thuốc và nguyên liệu sản xuất thuốc mỗi tháng đã chi khoảng 70 triệu USD.
Sở dĩ các doanh nghiệp khó có thể dự trữ nguyên liệu dược suốt một thời gian vì nhiều lý do. Muốn dự trữ nguyên liệu suốt một năm đòi hỏi các doanh nghiệp phải có một số vốn vô cùng lớn. Đồng thời, hạn nguyên liệu chỉ khoảng 3 năm. Hàng nguyên liệu nằm sẽ đốt hết một năm đó một cách uổng phí.
Nhiều doanh nghiệp đã thu hẹp sản xuất, tái xuất để tránh lỗ. Trong ảnh: kho dự trữ nguyên liệu của Công ty Dược Sài Gòn - Sapharco (Ảnh: H.Cát)
Một khó khăn khác, các doanh nghiệp phải mua USD từ các ngân hàng thương mại theo giá thỏa thuận, cao hơn nhiều so với tỷ giá được Ngân hàng Nhà nước công bố để thanh toán cho những hợp đồng nhập khẩu nguyên liệu, thành phẩm thuốc. Lượng ngoại tệ cần được thanh toán thường phải chia nhỏ.
Điều đó càng làm ảnh hưởng đến việc thực hiện nhập khẩu, và đặc biệt làm cho giá thành phẩm, nguyên liệu quy ra tiền Việt tăng lên. Do vậy, nhiều doanh nghiệp đã thu hẹp sản xuất, thay đổi chính sách bán hàng, giảm bán hàng, tái xuất để tránh lỗ.
Giá thuốc đã được tự "điều chỉnh tăng"
Ngày 20/6/2008, Bộ trưởng Bộ Y tế đã kiến nghị cho phép Bộ Y tế phối hợp với Tổ điều hành thị trường trong nước xem xét việc điều chỉnh tăng giá của các mặt hàng thuốc, trên cơ sở đảm bảo tăng một cách hợp lý, tăng có lộ trình, không để tăng giá đồng loạt và đột biến để đảm bảo cung ứng thuốc đầy đủ, kịp thời cho nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân.
Nhưng trước đó, thông tin từ Hiệp hội Sản xuất kinh doanh Dược Việt Nam cho thấy, tình hình thị trường dược phẩm từ 20/03/2008 đến 20/04/2008 đã có một số mặt hàng thuốc tăng giá. Tại khu vực Hà Nội, qua khảo sát 10.018 lượt mặt hàng thuốc tân dược tại các trung tâm buôn bán thuốc thuộc nội thành và các vùng lân cận, Công ty Dược phẩm Trung ương I, trong đó có 126 lượt mặt hàng tăng giá từ 2%-18,75%.
Còn khảo sát 1.000 mặt hàng tại các trung tâm dược phẩm miền Trung, có 5 mặt hàng của Công ty Medipharco tăng giá (11,11-33,33%), do chi phí vận chuyển tăng.
Qua khảo sát gần 1.940 mặt hàng tân dược tại các trung tâm dược phẩm ở khu vực TP.HCM, 24 mặt hàng tăng giá chiếm 1,24%. Có mặt hàng tăng khoảng 1 hoặc 2% nhưng cũng có mặt hàng đã tăng đến 23,8%. Riêng một số mặt hàng trước nhập của Calipharco nay gia công tại Imexpharrm giá có tăng lên, giá một số mặt hàng của Hậu Giang cũng tăng ít khoảng 5%, còn một số mặt hàng của các công ty khác cũng tăng không đáng kể 1-2%.
Qua khảo sát các mặt hàng thuốc tân dược ngoại nhập trên thị trường cả nước, giá cả có biến động không nhiều. Hà Nội có 9896 lượt mặt hàng được khảo sát, 40 mặt hàng tăng giá chiếm 0,40%. Miền trung khảo sát 1.000 mặt hàng, có 11 mặt hàng tăng giá chiếm 1,10%. Tại TP.HCM, 1.932 lượt mặt hàng được khảo sát, có 31 mặt hàng tăng giá chiếm 1,60%.
Giá thuốc trên thị trường đã được tự điều chỉnh tăng, dù rằng, trong công văn số 2255/BYT-QLD ngày 3/4, Cục Quản lý Dược Việt Nam yêu cầu, từ nay đến hết 30/6/2008, các cơ sở sản xuất, kinh doanh dược phẩm tạm dừng việc đề nghị điều chỉnh tăng giá thuốc và hạn chế đến mức thấp nhất việc điều chỉnh tăng giá thuốc bán ra trong trường hợp giá bán ra này đang thấp hơn giá đã kê khai.
Chỉ đến thời hạn 30/6, các công ty dược sẽ được xem xét và cho phép điều chỉnh tăng giá đồng loạt. Đến lúc đó, không biết giá thuốc sẽ được điều chỉnh hợp lý như thế nào? Tăng 5-10% so với giá tân dược hiện hành, hay tăng từ 60-70% theo giá nguyên liệu nhập vào!?
Ngày 26/6, TS Nguyễn Quốc Triệu, Bộ trưởng Bộ Y tế đã có công văn số 4368/BYT- QLD đề xuất Thủ tướng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước xem xét, ưu tiên cho các doanh nghiệp kinh doanh dược phẩm trong lĩnh vực sản xuất và nhập khẩu thuốc được mua đủ ngoại tệ theo tỷ giá niêm yết, để đảm bảo đủ nguồn ngoại tệ, đáp ứng việc nhập khẩu thuốc thành phẩm và nguyên liệu. Lệ Hà |
-
Hương Cát