- Ngày 25/6, TS Trương Quốc Cường, Cục trưởng Cục quản lý dược (Bộ Y tế) khẳng định, việc một số bệnh viện thiếu nhiều loại thuốc điều trị cho bệnh nhân là do các công ty nhập khẩu thuốc về chưa kịp, chứ không có tình trạng thiếu thuốc cung cấp cho các bệnh viện.
Thị trường tân dược trước giờ G. |
Sở dĩ Cục trưởng Trương Quốc Cường khẳng định như trên do tuần trước, tại buổi làm việc giữa 3 doanh nghiệp tham gia đề án dự trữ, lưu thông thuốc với Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế), Cục Quản lý Giá, Cục Dự trữ Quốc gia (Bộ Tài chính), đại diện 2 Công ty dược phẩm Trung ương 1 và 2 cho biết, vừa qua một số bệnh viện xảy ra tình trạng thiếu thuốc điều trị. Lý do là yếu tố đầu vào tăng, một số doanh nghiệp cung cấp trúng thầu từ chối... cung cấp cho bệnh viện và chịu phạt hợp đồng. Còn 2 công ty dược phẩm này đã cung ứng với giá thấp hơn thị trường nên phải bù lỗ.
Tại đây, đại diện của các Công ty dược vẫn khẳng định vẫn cung ứng thuốc đầy đủ. Công ty Dược phẩm Trung ương 1 cho biết, giá các thuốc dự trữ, lưu thông trong thời gian qua ổn định điều đó thể hiện vai trò của dự trữ, lưu thông thuốc nhưng cần đẩy mạnh hơn công tác dự trữ lưu thông.
Còn theo đại diện Công ty Dược phẩm Trung ương 2, hầu hết các thuốc do Công ty dự trữ, lưu thông giá ổn định. Phía công ty cũng đưa ra ý kiến: danh mục thuốc tham gia dự trữ, lưu thông thuốc chưa phù hợp nên công ty mới dự trữ 63/204 (tương ứng 30,88%) hoạt chất.
Nguyên do trong danh mục thuốc dự trữ, lưu thông tập trung các thuốc độc, thuốc gây nghiện là những mặt hàng ít biến động về giá. Thuốc chuyên khoa đặc trị có tần suất sử dụng ít dẫn đến tồn kho, hết hạn nên doanh nghiệp ngại nhập - điều này có thể gây thiếu thuốc cục bộ.
Một số thuốc thuộc danh mục dự trữ lưu thông không có lợi nhuận, ít doanh nghiệp cung ứng nhưng khó khăn khi tham gia đấu thầu, tuy có ưu thế về giá nhưng bị nhiều bệnh viện loại bằng việc trừ điểm kỹ thuật với lý do thuốc mới lưu hành tại thị trường Việt Nam.
TS Trương Quốc Cường cho biết thêm, đến thời điểm này không có tình trạng thiếu thuốc cung cấp cho các bệnh viện. Các bệnh viện vẫn có thuốc dự trữ hoặc đã tìm loại thuốc khác có cùng tác dụng dược lý để thay thế. Bộ Y tế đã yêu cầu các bệnh viện, sở y tế các tỉnh, thành phố và các đơn vị nhập khẩu thuốc báo cáo cụ thể tình hình cung ứng thuốc, nếu khó khăn thì có biện pháp tháo gỡ.
Doanh nghiệp sẽ được điều chỉnh giá bán?
Đứng trước tình hình tăng giá của nhiều mặt hàng, để giúp các doanh nghiệp tháo gỡ bài toán khó hiện nay, TS Cường đã đưa hướng giải quyết trong thời gian tới.
Cục trưởng Trương Quốc Cường cho biết, các Bộ Y tế, Công thương, Tài chính, Tổ điều hành thị trường trong nước sẽ họp bàn triển khai kết luận của Thủ tướng Chính phủ về điều hành kinh doanh xăng dầu và một số mặt hàng thiết yếu khác, trong đó có dược phẩm.
Theo đó, các doanh nghiệp được điều chỉnh giá bán ở mức hợp lý, phù hợp với quy định hiện hành, sau khi đã áp dụng các biện pháp tiết giảm chi phí để giảm thiểu tác động bất lợi trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Trên cơ sở tính hợp lý của đơn đề nghị điều chỉnh giá thuốc, cơ quan chức năng sẽ đưa ra quyết định có hay không cho doanh nghiệp điều chỉnh giá thuốc. Tuy nhiên, việc điều chỉnh giá vẫn phải bảo đảm quyền lợi cho bệnh nhân cũng như tính kinh tế của doanh nghiệp, không làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Theo thông tin từ các bệnh viện thì một số công ty dược đã rục rịch tăng giá thuốc như giá một số loại thuốc điều trị như Secnol; Utrogestan 100mg; Utrogestan 200mg; Festimon…
Còn trên thị trường giá tân dược đã tăng có những loại thuốc Ấn Độ, Canada, Tây Ban Nha, Pháp… giá đã tăng từ 5- 50%. Một số thuốc giá tăng như : Glyburid lọ 500 viên (thuốc tiểu đường) tăng từ 115.000 đồng lên 135.000 đồng/lọ, Cacinol (Ấn Độ) tăng từ 28.000- 36.000 đồng/lọ, Licapril 4 (huyết áp): từ 165.000 đồng lên 175.000 đồng; Neo-Tergynan (Pháp) từ 78.000 đồng lên 89.000 đồng…
-
Lệ Hà