221
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
1074284
Bài 1: Cấm hàng rong, cửa sinh nhai... đóng sập?
1
Article
null
Bài 1: Cấm hàng rong, cửa sinh nhai... đóng sập?
,

 - 20 ngày nữa (từ 1/7), bộ mặt đô thị của Thủ đô có thể sẽ đẹp đẽ hơn khi trên 60 tuyến phố sẽ chính thức cấm để xe, buôn bán trên vỉa hè, lòng đường. Nhưng đó cũng là ngày nỗi lo cơm áo càng nặng thêm trên đôi vai của hàng vạn người "buôn thúng bán mẹt"!

Những cuộc đời "dưới đất"!

Hơn 10 năm nay, chị Sau (tổ 16, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy) đã quá quen với cảnh dọn từng chiếc mũ vải treo lên tường phố cạnh số nhà 300 đường Cầu Giấy. Mỗi tháng, chị đóng cho phường từ 50 - 70 ngàn để có một chỗ đặt "cần câu cơm" ấy, song thật khó để làm một phép tính cho ra con số diện tích vỉa hè mà chị "chiếm dụng"! Bởi hàng trăm chiếc mũ, thay vì bày tràn lan xuống vỉa vè thì chị lại treo theo chiều thẳng đứng ốp sát vào tường rào.

Mô tả ảnh.
Chị Sau và nỗi lo mang tên "vỉa hè"! (Ảnh: H.Lê)
Chị Sau kể, trước đây mỗi ngày cũng kiếm được đủ nuôi 2 miệng ăn, nhưng từ ngày bắt buộc đội mũ bảo hiểm, mũ vải ế, đã mấy lần chị tính "nhắm" một chỗ trong chợ Dịch Vọng mà đặt vài bó rau, quả cà nhưng chưa được. "Thời buổi đất có thổ công, sông có hà bá cả. Kiếm một chỗ ngồi buôn thúng bán mẹt, đâu có dễ", chị tâm sự.

Hôm rồi, cán bộ phường đến cắm biển cấm buôn bán trên vỉa hè, rồi hướng dẫn chị ký cam kết không bán hàng trên hè phố  từ 1/7, chị cũng có dạm hỏi "ký rồi có chỗ nào khác ngồi không?", nhưng họ chỉ nói là... chưa biết.

Giờ đây, chị Sau đang đếm ngược từng ngày và cố vớt vát bán thêm cho hết số hàng đã lấy, còn sau đó, làm gì để ăn chị cũng chưa nghĩ ra. Chị bảo, vốn liếng đó cả, bán cho đến ngày phạt, thêm được cái nào hay cái ấy. Chứ đến thời điểm chính thức phạt rồi, phải dọn thôi, vì bán cả ngày chắc gì đủ tiền cho một lần bị phạt!

Chẳng chiếm nổi nửa m2 vỉa hè, nhưng xem ra, cái triết lý "đất có thổ công" cũng đang ám ảnh ông Toàn (quê Đông Hưng, Thái Bình) từ dăm hôm nay, khi ông trông thấy tấm biển cấm 2 màu đỏ - trắng (ông không đọc được chữ) và nghe người ta "xếp" ông vào diện buôn bán trên vỉa hè. Ông Toàn chỉ "xin" đúng 1/2 viên gạch lát vỉa hè bên đường Xuân Thủy (quận Cầu Giấy) để đặt cái bơm xe! (đường kính chưa đến 10cm), mong mỗi ngày kiếm chục ngàn bạc lẻ từ việc bơm xe cho sinh viên mỗi sáng.

Nỗi lo lắng của ông Toàn còn tăng lên gấp đôi khi con gái ông, chị Thủy cũng là một người gánh cơm nắm đi bán rong.

Nghe đài truyền thanh phường, ông Toàn biết người ta không cấm con gái ông gánh hàng qua mấy con phố mà cô ấy vẫn hay dừng nghỉ chờ khách mua. Điều ông lo là lo cho con mỗi khi mỏi gánh, bởi có lần chị Thủy kể với ông rằng, chị chỉ dừng lại nghỉ một lát và trở đôi quang sang vai khác cho đỡ mỏi khi đang trên một "tuyến phố văn minh đô thị" thì lập tức bị trật tự viên ập đến và thu luôn. Vậy rồi đây, khi những tuyến phố này dài thêm thì những người như chị càng có lý để lo sợ bị trật tự viên phường "làm khó"!

Mô tả ảnh.
Những người bơm xe này cũng không biết rồi đây họ còn có chỗ để được phép đặt một cái bơm bên trên vỉa hè như thế này?! (Ảnh: H.Lê) 

Sẽ có những con phố "lạnh"?!

Hàng chục con phố trung tâm của Hà Nội thuộc diện sẽ bị cấm buôn bán trên vỉa hè từ ngày 1/7 tới có vỉa hè không quá 1m như Lương Văn Can, Sơn Tây, Nhà Chung... Nếu chiếu theo Quyết định 2053 về cấm để xe trên vỉa hè, lòng đường thì người mua hàng phải gửi xe ở... một con phố khác!

Mô tả ảnh.
"Nếu không linh hoạt cho từng tuyến phố, thì rất dễ làm dân phải linh  hoạt đối phó hoặc hên xui chịu phạt"! (Ảnh:H.L)
Chủ cửa hàng kính Thành Hiếu trên phố Lương Văn Can (quận Hoàn Kiếm) lo lắng: "Đây là trung tâm buôn bán của Thủ đô. Người đến mua hàng cũng từ khắp nơi, dừng lại mà ghé vào, chứ không phải đều đặn mỗi ngày đi bộ từ nhà hàng xóm sang mua bó rau rồi về. Giờ không cho để xe thì khách đi thẳng chứ ai đời đi gửi xe ở bãi xe 16 Lê Thái Tổ (cách đó 300m) rồi quay lại!"

Tuy nhiên, không phải con phố nào cũng may mắn có được một bãi để xe của tuyến phố kế cận cách xa đôi ba trăm mét như vậy. Đến phố "Hàng mọc" Đê La Thành, rất khó để tìm được một vài tuyến đường xương cá có thể bố trí vài bãi để xe. Trong khi, con phố này gần như không có vỉa hè, mọi hoạt động kinh doanh buôn bán, để xe đều nhờ cả vào lòng đường.

Vậy nên, chị Hải Anh, chủ cửa hàng đồ gỗ Hải Anh khẳng định như đinh đóng cột rằng, Đê La Thành mà cấm thì hoạt động kinh doanh ở đây chỉ có nước làm liều chịu phạt, hoặc là đóng cửa!

Hơn một chục cửa hàng bán bò nướng mới mọc lên trên phố Cát Linh (quận Đống Đa) gần 1 năm nay cũng không kém phần lo lắng.

Những hàng quán cóc này, dù kinh doanh trên vỉa hè nhưng chỉ mở quán sau 18h và chỉ kinh doanh đến trước 23h đêm.

Theo các hộ này, họ chỉ mới "nghe qua" về quyết định cấm, theo đó, quyết định lần này sẽ cấm 24/24 giờ. Điều đó cũng có nghĩa là cả một đoạn phố này về đêm sẽ lặng lẽ hơn.

Tuy nhiên, các hộ dân cũng bày tỏ nguyện vọng được chính quyền cấp phép kinh doanh trên vỉa hè có điều kiện, linh hoạt đối với đặc điểm từng tuyến phố khác nhau. Chẳng hạn như có quy định rõ về địa điểm, thời gian, đủ diện tích, có chỗ để xe... nhất là với các tuyến phố có vỉa hè rộng, trên 3m, vừa đủ cho kinh doanh, lại không gây ùn tắc giao thông và đảm bảo đủ hè đường cho người đi bộ. 

Khi ấy, hoạt động kinh doanh, buôn bán trên vỉa hè sẽ được siết chặt; bộ mặt đô thị vẫn đẹp mà cửa kiếm kế sinh nhai của người dân không bị... đóng sầm lại.

Mô tả ảnh.
Với những tuyến phố có vỉa hè như thế này, nếu cấm để xe thì các cửa hàng này sẽ bán cho ai? (Ảnh:H.L)

  • Chí Hiếu

    Bài 2: Chính quyền cũng lúng túng với "tuyến phố văn minh"
     
    Ý kiến độc giả
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,
;