- Nhiều doanh nghiệp sản xuất kinh doanh và phân phối dược phẩm trong nước lo ngại, với việc kìm hãm giá thuốc, trong khi không đủ ngoại tệ để thu mua nguồn nguyên liệu... thuốc sẽ thiếu cục bộ trong quý III/2008. Đồng thời thuốc giả, thuốc kém chất lượng sẽ xuất hiện.
Ngày 10/6, đoàn công tác liên bộ gồm, Bộ Y tế - Bộ Tài chính - Bộ Công thương và Đại biểu Quốc hội chuyên trách lĩnh vực y tế đã có buổi làm việc với khoảng 50 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và phân phối dược phẩm trong nước tại TP.HCM. Cuộc họp kéo dài từ 8g - 11g30.
Thuốc sẽ thiếu cục bộ trong quý III/2008. Ảnh: H.Cát
Thuốc thiếu! Thuốc giả xuất hiện!
Trong cuộc họp trên, nhiều doanh nghiệp dược cho biết, khủng hoảng thị trường nguyên liệu dược đã bắt đầu từ năm 2007 kéo dài cho đến nay, giá cả lên xuống rất thất thường. Trước đây, doanh nghiệp còn có thể dự báo hoạt động và dự trù cho cả năm, nhưng suốt thời gian qua, việc này không thể thực hiện được.
"Một số nguyên liệu tăng giá, như nguyên liệu vitamin C đã tăng gấp 5-6 lần so với năm trước. Bên cạnh đó, giá dầu thô tăng từ 30USD/thùng lên đến 139USD/thùng. Tất cả bao bì vật tư theo đó cũng tăng lên... Do đó, giá thành kê khai từ 3- 5 năm trước đã rất lỗi thời," ông Kiều Hữu - Giám đốc Cty Cổ phần Dược phẩm Trung ương - VIDIPHA, nói.
Trong khi đó, bà Trần Thị Đào - đại diện công ty IMEXPHARM nhấn mạnh, thiên tai, địch họa liên tiếp xảy ra, nhất là tại Ấn Độ và Trung Quốc, đã làm ảnh hưởng rất lớn đến thị trường cung cấp nguyên liệu do hai nước này cung ứng 40% nhóm nguyên liệu thuốc thiết yếu betalactam cho các nước khác. Đây là nhóm chủ yếu, chiếm 70% ngành sản xuất dược trong nước.
"Bình quân giá thành thuốc đã tăng 25 - 30%. Trong khi đó, do dược phẩm lại không được xem là một mặt hàng thiết yếu nên Ngân hàng Nhà nước không ưu tiên trong việc cung ứng ngoại tệ để nhập khẩu nguyên liệu. Bên cạnh đó, tỷ giá đồng USD tăng biến động từ 15 - 20%... Hơn thế nữa, lãi suất ngân hàng lại tăng, nhà nước lại không có chính sách hỗ trợ, nguồn vốn của các doanh nghiệp đang bế tắc," bà Đào phát biểu
Ông Đồng Việt Thắng - Chủ tịch Hiệp hội Sản xuất Kinh doanh Dược Việt Nam có đồng quan điểm với ông Trần Việt Trung, Phó Tổng Giám đốc Kinh doanh Công ty Dược Sài Gòn: "Dược phẩm là một trong những mặt hàng thiết yếu, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ của nhân dân. Nhu cầu nhập khẩu cả nguyên liệu cho sản xuất và thành phẩm có tỷ trọng lớn. Việc thiếu ngoại tệ hoặc mua được với tỷ giá thoả thuận cao sẽ ảnh hưởng đến nguồn cung và giá thuốc cho các bệnh viện," ông Thắng cho biết..
Cũng rheo ông Thắng, nếu doanh nghiệp thu hẹp sản xuất, thay đổi các chính sách bán hàng, giảm bán ra... thì thuốc sẽ thiếu cục bộ trong quý III/2008.
Không chỉ thế, doanh nghiệp dược sẽ lỗ nặng từ 15 - 20%, dẫn đến tình trạng nhiều nơi làm thuốc giả hay thuốc kém chất lượng vì không phải tốn nhiều tiền, mà vẫn bán có lời. Điều đó đã được TS. Trương Quốc Cường minh họa bằng một trường hợp vi phạm của một công ty sản xuất dược tại Tiền Giang: nhiều loại thuốc đông dược có pha thêm paracetamol...
Các doanh nghiệp đều xin điều chỉnh tăng giá
Các doanh nghiệp đều kiến nghị Cục Quản lý Dược cho phép được điều chỉnh giá hợp lý theo cơ chế thị trường. Các doanh nghiệp yêu cầu được bắt đầu nộp hồ sơ xin điều chỉnh tăng giá thuốc ngay từ bây giờ. Trong khi, vào ngày 3/4, Bộ Y tế đã có công văn yêu cầu tạm ngừng xem xét đơn xin tăng giá thuốc của các doanh nghiệp đến hết ngày 30/6.
Việc thiếu ngoại tệ hoặc mua được với tỷ giá thoả thuận cao sẽ ảnh hưởng đến nguồn cung và giá thuốc cho các bệnh viện. Ảnh: H.Cát
Có doanh nghiệp cho rằng, giá thuốc có thể được điều chỉnh tăng 50% giá đầu ra so với giá đầu vào. Có doanh nghiệp kiến nghị có thể điều chỉnh tăng 5% - 10% so với giá thuốc hiện nay...
Theo các doanh nghiệp dược, giá nguyên liệu đầu vào tăng đột biến bất thường, trong khi kiểm soát giá thuốc lại quá nghiêm ngặt sẽ khiến các doanh nghiệp trong nước không sản xuất đủ thuốc, nước ngoài và tư thương sẽ nhân đó tạo nên sự lũng đoạn trong thị trường thuốc. Vì vậy, việc quản lý quota nhập khẩu thuốc phải có định hướng để nhập khẩu các nhóm thuốc thiết yếu là rất cần thiết.
Theo đại diện của công ty DOMEXCO, ngay cả giá đầu thầu thuốc tại các bệnh viện cũng cần phải được điều chỉnh lại. Đa số bệnh viện đều tổ chức đấu thầu một năm. Giá thầu được đưa ra vào tháng 2/2007 đến nay đã quá thấp - từ 20 - 35% so với giá cả hiện tại.
Từ đây đến cuối năm, nếu bệnh viện xin gia hạn thầu thì doanh nghiệp sẽ thua lỗ. Mặt khác, bệnh viện lại nợ tiền thuốc và các vật tư y tế khác không chỉ có 1 tháng, thậm chí có bệnh viện nợ tiền từ 3 - 12 tháng. Đó cũng là một trong những khó khăn của doanh nghiệp khi đồng vốn không được xoay vòng.
Cục trưởng Quản lý Dược Trương Quốc Cường cho biết đến cuối quý III/2008, Cục có thể tổ chức đấu thầu quốc gia một số mặt hàng để giảm bớt gánh nặng trong việc chi phí lập hồ sơ xin đầu thấu cho các doanh nghiệp.
Tuy nhiên, theo PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, các cơ quan quản lý sẽ hỗ trợ cho các doanh nghiệp dược, kể cả việc Sở Y tế TP.HCM vẫn bắt đầu tiếp nhận và xem xét hồ sơ xin kê khai lại giá.
"Đấu thầu là một cuộc chơi mà các doanh nghiệp buộc phải chấp nhận các luật lệ của nó, vì nếu giá thành sản phẩm hạ thì doanh nghiệp vẫn bán cho bệnh viện với giá như trong hồ sơ thầu" - bà Lan bày tỏ quan điểm.
Điều chỉnh giá thuốc hợp lý là một việc sống còn của các doanh nghiệp dược và người dân sẽ là người gánh chịu.
-
Hương Cát