- Thị trường chứng khoán Việt Nam đang ảm đạm chưa từng thấy, nhà đầu tư than trời, công ty chứng khoán điêu đứng. Và một chiến dịch cắt giảm nhân sự chứng khoán mạnh mẽ nhất từ trước đến nay bắt đầu lan rộng khắp các doanh nghiệp tài chính, chứng khoán.
Mất thu, tìm mọi cách giảm chi
Thời hoàng kim của chứng khoán, chỉ riêng khoản thu phí môi giới (trên 400 triệu đồng mỗi ngày) cũng đã dư sức trả lương cho bộ máy nhân sự của công ty chứng khoán (CTCK). Tuy nhiên, giờ đây mọi khoản thu, nhất là phí môi giới gần như mất trắng. Đó là chưa kể một số CTCK đã cắt giảm một phần phí giao dịch để lôi kéo khách hàng. Mảng tự doanh cũng được coi là nguồn thu béo bở cho các CTCK, nhưng giờ họ cũng đang bị lỗ không kém các nhà đầu tư. Khó khăn càng thêm chồng chất khiến các công ty chứng khoán rơi vào cảnh điêu đứng.
Thị trường chứng khoán ảm đạm khiến nhiều CTCK lao đao và nhân viên chứng khoán cũng mất việc - Ảnh: Lê Anh Dũng |
Một thống kê gần đây cho thấy, chi phí trung bình ở một CTCK (gồm thuê văn phòng, nhân sự, đường truyền...) mất khoảng từ 500-700 triệu đồng/tháng. Như vậy, để có tiền trang trải chi tiêu hàng tháng, một CTCK phải có tổng số lệnh khớp trị giá 100 tỷ đồng, với mức phí trung bình 0,2% giá trị giao dịch. Nhưng với giá trị giao dịch trên cả hai sàn HoSE và HaSTC vừa qua, mỗi ngày chỉ vài chục tỷ, thì số tiền thu được chẳng thấm vào đâu. Nhiều công ty đã phải bán cổ phần cho đối tác ngoại để tồn tại.
Mới đây, Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán cũng đã gửi kiến nghị lên UBCKNN đề nghị giảm phí cho các CTCK từ mức 0,05% hiện nay xuống còn 0,01%-0,02% để hỗ trợ khó khăn với các CTCK.
Mặc dù vậy, kể ca khi nhận được sự hỗ trợ này, các CTCK vẫn phải tìm cách cầm hơi bằng đủ liệu pháp: hạn chế mọi chi phí không cần thiết, cắt giảm nhân sự, hạ lương, thưởng…
Chị Linh, nhân viên CTCK S. cho biết, công ty đang có kế hoạch cắt giảm các khoản chi phí phát sinh, theo đó mức lương cũng giảm đáng kể so với trước. Các bộ phận cũng có kế hoạch thuyên chuyển nhân viên. Bộ phận môi giới được coi là thừa nhân sự nhiều nhất cũng đã cắt giảm một số nhân viên kém năng lực, số khác được chuyển qua các bộ phận lưu ký, kế toán…
Anh Việt làm ở một CTCK G. mới được thành lập và hoạt động từ đầu năm cho biết, hiện tại số tài khoản đang hoạt động của công ty chỉ có chưa đầy ba chục tài khoản. Sau đợt tuyển dụng ồ ạt nhân viên môi giới đầu năm, hiện giờ công ty đã có chính sách bắt buộc các nhân viên này phải tìm kiếm khách hàng mở tài khoản theo định mức hàng tháng, nếu không hoàn thành sẽ cắt giảm lương.
Quả thật trong hoàn cảnh chứng khoán ế ẩm như hiện nay, những nhà đầu tư cũ cũng chẳng buồn chuyển tài khoản sang CTCK mới, trong khi những người mới thì chẳng dám bước chân vào CTCK thì lấy đâu ra khách hàng. Những nhân viên môi giới này nhanh chóng nhận ra hoàn cảnh của họ trong thời gian tới sẽ ra sao nên một số đã nộp hồ sơ tuyển dụng sang các ngành nghề khác. Cũng may cho công ty là các bộ phận khác chưa tuyển dụng nhiều nên hầu hết chỉ không được tăng lương như cam kết trong hợp đồng trước đó vài tháng. Tuy nhiên, việc công ty không giữ đúng lời hứa cũng tạo tâm lý chán nản và thất vọng cho không ít nhân viên tại đây.
Chuẩn bị cho khả năng xấu nhất
Ông Lưu Tường Bách, nguyên TGĐ một CTCK cho biết, hiện ông đang chuyển sang khai thác lĩnh vực tư vấn giải thể, sáp nhập và mua bán DN. Ông nói rằng, khoảng một vài tháng nữa, sẽ có những CTCK nhỏ sẽ phải giải thể hoặc sáp nhập lại với nhau.
Số lượng nhân lực trong các CTCK có khả năng sẽ giảm đến khoảng 1/3. Ảnh: Lê Anh Dũng. |
Theo ông Bách, con số công ty giải thể có thể không nhiều, nhưng các CTCK có thể sáp nhập lại với nhau nhiều hơn. Và theo ông, thậm chí các ngân hàng nhỏ cũng phải tính tới việc sáp nhập.
Và ông Bách cho biết, lác đác hiện nay nhân viên các CTCK đã bắt đầu rơi rụng. Một phần không đủ tiêu chuẩn đã phải nghỉ, một phần thấy tình hình không ổn, đã tự kiếm đường đi.
“Sắp tới đây, số lượng nhân lực trong các CTCK sẽ giảm đến khoảng 1/3”, ông Bách cho biết.
Tổng giám đốc công ty chứng khoán T. cho biết, giai đoạn này công ty ông làm ăn không có lãi nữa. Rất nhiều khoản chi phí bị cắt bỏ hoàn toàn hoặc giảm. Phương châm của ông vào thời điểm này chỉ đơn giản: “Cố cầm cự để nuôi quân và không bị thua lỗ để đến nỗi giải thể, chờ qua giai đoạn khó khăn này” .
Trước đây khi TTCK đang lên, một thời các công ty liên tục thành lập, vì quá cần nhân viên nên nhận nhân viên bất kể. Chị Linh làm ở CTCK Đ. chỉ có bằng Trung cấp kế toán, sau đó tham gia lớp đào tạo nhân viên môi giới do Ủy ban chứng khoán Nhà nước mở. Chỉ với tấm chứng chỉ ấy, chị đã được CTCK nhận vào làm việc với mức lương 4 triệu đồng. Còn bây giờ, khi CTCK giảm nhân viên, những người bằng cấp tạm thời như chị Linh sẽ bị giảm trước.
Không chỉ chị Linh, câu hỏi thường trực trong đầu nhiều nhân viên chứng khoán lúc này là: “Mình sẽ đi về đâu?”.
Bài 2: Nhân viên chứng khoán tìm đường thoát chạy
-
Nguyễn Quang - Đặng VỹÝ kiến độc giả