- Dù theo phương án nào thì việc thực hiện đề án chuyển đổi xe 3, 4 bánh tự chế trên địa bàn TP.HCM cũng gây khó khăn cho người nghèo.
Hỗ trợ 5 triệu đồng/hộ nghèo
Theo nội dung đề án chuyển đổi xe 3, 4 bánh tự chế mà Sở GTCC vừa trình UBND TP.HCM thông qua, với cơ chế đề xuất chỉ hỗ trợ lãi suất khi các đối tượng chuyển đổi thay thế xe, cho dù có hỗ trợ thêm chi phí học lái xe, đào tạo nghề, chắc chắn, người dân sẽ rất khó khăn khi vay được tiền của các tổ chức tín dụng. Vì phần lớn đối tượng sử dụng xe 3, 4 bánh tự chế đều là người có thu nhập thấp, không có tài sản thế chấp, không có vốn đối ứng theo điều kiện cho vay phổ biến của các tổ chức tín dụng hiện nay.
Chính sách hỗ trợ của UBND TP.HCM trong việc chuyển đổi xe 3, 4 bánh tự chế có "đẩy" được cuộc sống người dân khá hơn? (Ảnh: Trần Duy)
Khác với lần trình đề án trước, lần này, Sở GTCC TP.HCM đã cắt giảm đáng kể kinh phí trong việc sử dụng nguồn vốn ngân sách.
Đối với phương án 1, dự kiến tổng kinh phí sử dụng cho công tác chuyển đổi trong ba năm (từ 2008 đến 2010) là 49,8 tỷ đồng.
TIN LIÊN QUAN
Theo phương án này, người dân sử dụng xe 3, 4 bánh tự chế trong hoạt động thu gom rác, chất thải vệ sinh và người dân sử dụng xe cơ giới ba bánh có đăng ký biển số nhưng không có giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật bảo vệ môi trường được hỗ trợ lãi vay 6%/năm trong vòng ba năm khi vay tín dụng thương mại.
Các hộ nghèo sử dụng xe 3, 4 bánh tự chế tham gia giao thông sẽ được hỗ trợ 5 triệu đồng; hỗ trợ học lái xe, đào tạo nghề 3 triệu đồng/người/lớp...
Ban soạn thảo đề án cũng đề xuất UBND TP.HCM mua tặng 100 hộ nghèo phương tiện xe gắn máy có giá trị 15 triệu đồng/xe. Đối tượng nghèo theo quan điểm của TP.HCM là những hộ gia đình có thu nhập dưới 5 triệu đồng/người/năm.
Phương án 2 được tính toán dựa trên phương án 1 và có thêm cơ chế hỗ trợ lãi vay theo nguyên tắc: ngân sách thành phố hỗ trợ 4%/năm trên số dư nợ thực tế khi các đối tượng trong đề án vay nợ từ quỹ 140, quỹ 71 và các quỹ của Ngân hàng Chính sách xã hội TP.HCM. Tuy nhiên, phần chêch lệch với lãi suất thực vay, hộ gia đình phải tự trả...
Dự kiến, tổng kinh phí sử dụng cho công tác chuyển đổi xe 3, 4 bánh tự chế theo phương án này là khoảng 83 tỷ đồng.
Ai sẽ thanh lý xe 3, 4 bánh tự chế?
Trước đó, ban soạn thảo đề án từng đề xuất tổng kinh phí thực hiện cho công tác chuyển đổi xe 3, 4 bánh tự chế trên địa bàn thành phố vào khoảng 600 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước.
Thế nhưng, Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân đã yêu cầu ban đề án tính toán lại theo hướng ngân sách thành phố chỉ hỗ trợ tối đa 40 tỷ đồng cho công tác này.
Lo ngại về “hậu” chuyển đổi xe 3, 4 bánh tự chế, theo ông Dương Hồng Thanh, Phó Giám đốc Sở GTCC, (thành viên của ban soạn thảo đề án chuyển đổi xe 3, 4 bánh tự chế), công tác quản lý và thực hiện việc thanh lý các xe 3, 4 bánh thu hồi sau khi chuyển đổi thay thế xe, chưa có cơ quan chức năng nào đảm nhiệm.
TP.HCM hiện có hàng chục ngàn xe 3, 4 bánh tự chế các loại. (Ảnh: Trần Duy)
Ban đề án đã đề xuất việc thanh lý này nên giao cho UBND các quận, huyện đảm nhận. Tuy nhiên, tính đến hiện tại, UBND TP.HCM chưa có ý kiến gì.
Về nguyên tắc soạn thảo đề án trình UBND TP.HCM thông qua lần này, theo ông Thanh, ban soạn thảo đề án vận dụng các cơ chế đã được UBND TP.HCM chấp thuận.
Cụ thể chú trọng đến các đối tượng thuộc chủ trương chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong lĩnh vực nông nghiệp và khả năng “chịu đựng” của nguồn vốn ngân sách thành phố.
Ngoài ra, ban soạn thảo đã xem xét yếu tố tiết kiệm chi; chống lạm phát để đề xuất cơ chế hỗ trợ hợp lý cho hàng chục ngàn người dân buộc phải chuyển đổi xe 3, 4 bánh tự chế tại TP.HCM.
- Trần Duy