221
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
1065131
Rượu đế Gò Đen: Ai quen mới dám uống!
1
Article
null
Rượu đế Gò Đen: Ai quen mới dám uống!
,

- Gần đây, mỗi khi về miền Tây hay lên TP.HCM là bị mấy anh bạn nhậu “vỗ mặt”: Ê, đế Gò Đen “của mày” dạo này sao “dỏm” thế? (có lẽ nhà vợ ở Long An nên mấy anh bạn ghẹo tôi như thế).

Nhưng thú thật, khi “xâm nhập” vào làng rượu Gò Đen (gồm 3 xã: Mỹ Yên, Long Hiệp và Phước Lợi, huyện Bến Lức - Long An), tôi thấy chỉ có những ai “quen mối, quen mặt, quen uống” mới mua được rượu thật, mới biết được đâu là rượu thật - rượu giả. Bởi hiện nay, không ít điểm để bảng bán rượu Gò Đen (dọc theo QL1) nhưng “cái ruột” lại là thứ khác. Ngay những người sản xuất rượu lâu năm ở đây cũng thừa nhận: bây giờ có nhiều người “sản xuất” rượu giả, bán rượu giả. Đây thật sự là một thách thức đối với những ai quan tâm đến thương hiệu đế Gò Đen.

“Sốc” đế Gò Đen

Mới tuần rồi, có công chuyện nên lên TP.HCM, sẵn dịp, tôi mua mấy lít rượu đế Gò Đen để tặng ông anh. Nghĩ bụng, ông anh "ma men" này mà thấy tôi xách đế Gò Đen “chính hiệu” lên chắc là mừng lắm. Quả thật, khi thấy tôi xách cái can 10 lít thì ông quả quyết bên trong là đế Gò Đen. Và y như rằng, nửa tiếng sau khi tôi ghé nhà là ông anh bày ra một mâm rượu. Mồi nhắm toàn là những thứ “phục vụ” cho đế Gò Đen. Tất nhiên là ông không quên gọi thêm mấy “chiến hữu” của ông tới để thưởng thức.

Những bảng hiệu bán rượu đế Gò Đen dọc theo QL1 (khu vực Gò Đen, huyện Bến Lức)-liệu có mấy người bán rượu thật ?
Những bảng hiệu bán rượu đế Gò Đen dọc theo QL1 (khu vực Gò Đen, huyện Bến Lức) - liệu có mấy người bán rượu thật? Ảnh K.Văn

Nhưng khổ nỗi, sự thất vọng của nhiều người không giấu được trên khuôn mặt khi nếm thử rượu “gốc” Gò Đen mà tôi đem lên. Không hẹn mà gặp, ai cũng bảo “sao chú mày nói là rượu Gò Đen nhưng lại dở thế”. Nhìn nét mặt sượng sùng của ông anh trước những lời chê “khỏi sợ mích lòng ai” của mấy người bạn, làm tôi ái ngại vô cùng. Bởi trước đó tôi có “nổ” chút ít về đế Gò Đen, nhất là thùng rượu này tôi mua của một mối quen tại Bến Lức, lại có pha thêm vào đó một ít rượu thuốc “đặc hiệu”, nhưng nào ngờ… nó nhạt thếch, nồng mùi cồn.

Thế là ông anh “chữa cháy” bằng cách chạy qua hiệu buôn kế bên nhà mua mấy chai Vodka Hà Nội đem về uống cho… đỡ tức thằng “Gò Đen”.

Rượu đế Gò Đen - “quen” mới có rượu thiệt!

Bực mình về chuyện “mất mặt” ở nhà ông anh, tôi quyết định đi tìm hiểu thực hư về chuyện sản xuất rượu Gò Đen.

Tôi ghé vào lò rượu của chị  Thảo (ở ấp 2, xã Mỹ Yên, huyện Bến Lức) khoảng hơn 8 giờ sáng. Lúc này chị đang canh lửa cho 3 mẻ rượu đang nấu. Thấy khách lạ xuất hiện tại lò rượu (trên tay có cầm sổ, viết), chị tỏ ra lúng túng, định bỏ đi. Nhưng sau khi biết tôi đến tìm hiểu quy trình nấu rượu, cách thức pha chế,… chị mới cười oà: “Hổm rày nghe đồn mấy ông Nhà nước đi điều tra để thu thuế nấu rượu, thấy cậu, tui tưởng là mấy ông thuế nên định “lảng” chỗ khác”.

1
 Chị Thảo canh lửa và lấy rượu đang chưng cất từ 3 lò rượu của gia đình -  Ảnh: K.Văn

Nói là vậy, nhưng khi nghe tôi hỏi cách thức nấu rượu, số lượng, rồi bán ở đâu, lời lỗ ra sao…  thì chị đâm nghi, hỏi vặn: sao hỏi nhiều thứ dữ vậy? Có phải nhà báo thật không, hay là giả bộ đi điều tra để về thu thuế? Lại phải thanh minh một hồi, chị mới tin tôi.

Theo chị Thảo, gia đình chị nấu rượu lâu nay ở đây (tính từ bà ngoại đến cha mẹ rồi đến chị, cộng dồn khoảng hơn 70 năm). Cách thức nấu rượu lâu nay vẫn vậy: nếp hoặc gạo bỏ vào nồi nấu thành cơm (tuỳ nồi, nhưng trung bình từ 10-15 lít/nồi), sau đó bới ra nia, để nguội (còn âm ấm). Kế tiếp là rắc men lên sau đó cho vào thùng nhựa hoặc hũ sành đậy nắp lại ủ khoảng 3 ngày 3 đêm rồi cho nước sạch vào (nước mưa hoặc nước giếng bơm), để 2-3 ngày sau (khi lên men) thì đưa vào lò chưng cất.

Lúc trước nấu bằng trấu nên phải mất cả ngày trời mới xong một mẻ rượu, nay nấu bằng than đá nên nhanh hơn, chỉ cần khoảng 4 tiếng đồng hồ là xong (một tiếng đun sôi, 3 tiếng chưng cất rượu).

Nhờ rút ngắn được thời gian nên mỗi ngày 3 lò rượu của chị nấu được mấy mẻ, cho ra khoảng 120 lít rượu. Số rượu này, chị để lại một ít bán lẻ tại chỗ (phía trước nhà, QL1), số còn lại bỏ mối ở TP.HCM, với giá: rượu nếp từ 10-12 ngàn đồng/lít; rượu gạo từ 5-6 ngàn đồng/lít (giá bán tại lò cũng vậy)…

Mấy ngày gần đây, giá gạo, nếp có tăng lên nên giá rượu cũng tăng theo, nhưng tính ra, sau khi trừ chi phí, một lít rượu lời khoảng 200 đến 300 đồng. Chỉ những người mua đi bán lại ở đây mới lời nhiều (?) Chị nói ở đây ai cũng vậy. Nấu rượu chủ yếu là lời hèm để nuôi heo, chứ nấu rượu không thì có lời bao nhiêu (trong nhà chị lúc nào cũng nuôi khoảng 40 con heo thịt, mỗi năm kiếm cũng được vài chục triệu. Vừa rồi heo có giá nên chị kiếm lời cả trăm triệu).

Theo chị Thảo, anh Hùng (Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Yên, một trong những gia đình có truyền thống nấu rượu lâu năm ở đây) và nhiều người dân nấu rượu lâu năm ở Gò Đen, cho biết: để nấu ra một lít rượu nếp, chi phí bỏ ra khoảng 10 ngàn đồng (nếp lức nấu rượu giá từ 5-6 ngàn đồng/kg, cộng với tiền men, than đá…), còn chi phí cho 1 lít rượu gạo khoảng 4-5 ngàn đồng (tính theo giá gạo, nếp lúc chưa lên giá). Nên bán ra với cái giá như trên là không có lời nhiều. Còn những người mua đi bán lại (phần đông bán rượu lẻ dọc theo QL1, khu vực Gò Đen), họ lời nhiều hơn là nhờ sau khi mua rượu gốc (rượu thật) tại lò đem về “chế biến” lại để có số lượng rượu nhiều hơn, bán với giá chênh lệch lớn hơn.

Công thức pha chế của những người bán lẻ “có lương tâm” là “2 lít rượu gốc+ 3 lít nước+1 lít cồn” (rượu gạo hay rượu nếp cũng đều pha chế như vậy). Nhưng cũng có một số người, công thức pha chế của họ “ác nhơn” hơn, là “1 lít rượu gốc + 4 lít nước + 3 lít cồn”. Với “công thức” này, cứ tạo ra 10 lít rượu mới (hay còn gọi là rượu giả) họ lời được từ 5 tới 7 lít.

Đó là chưa kể phần lời thêm từ chênh lệch giá bán gốc với giá bán lại từ 6 đến 8 ngàn đồng/lít (rượu nếp gốc bán tại lò giá 10 đến 12 ngàn đồng/lít, sau khi đem về chế biến bán lại với giá 16 đến 18 ngàn đồng/lít; rượu gạo cũng thế, giá tại lò 6 đến 8 ngàn đồng/lít, bán lại từ 10 đến 12 ngàn đồng/lít). Còn mùi vị thì họ thêm mắm dặm muối, nên “tay ngang” khó mà biết để phân biệt được đâu là rượu giả, đâu là rượu thật.

Đàn heo của chị Thảo mỗi năm đem về cho gia đình chị hàng chục triệu đồng tiền lời
Đàn heo của chị Thảo mỗi năm đem về cho gia đình chị hàng chục triệu đồng tiền lời - Ảnh K.Văn

Sau mấy ngày đi thực tế tại mấy lò nấu rượu ở làng rượu Gò Đen, tôi mới biết can rượu tôi mua hôm ấy là rượu giả. Và rượu Gò Đen chỉ có “quen mối, quen mặt, quen uống” mới mua được rượu thật, mới biết được đâu là rượu thật - rượu giả, bởi hiện nay, không ít điểm để bảng bán rượu Gò Đen (dọc theo QL1) nhưng “cái ruột” lại là thứ khác.

“Kẻ lừa đảo” và những hậu quả gây ra…

Thời gian qua, không ít người bức xúc khi mua nhầm phải rượu đế Gò Đen giả. Theo họ, ngoài chuyện tốn một khoản tiền để mua rượu với giá cao, họ còn phải chịu “tổn thất” nhiều thứ về mặt tinh thần, uy tín, hậu quả để lại khó mà tính hết.

Ông T giám đốc một doanh nghiệp ở Cần Thơ, trong một lần “trà dư tửu hậu” mới kể một câu chuyện “thương tâm” đã xảy ra cách đây không lâu có liên quan đến “gã” Gò Đen giả. Một lần, sau chuyến công tác ở Hà Nội về (đi bằng xe ôtô), ông ghé Đắk Lắk mua được 4 cái bao tử nhím tươi, về tới Long An ông mua thêm 10 lít Gò Đen để về ngâm rượu.

Sau một thời gian dài, nhân tiện nhà ông thông gia (ông sui) có tiệc, ông lấy hũ rượu bao tử nhím sang tặng ông sui đãi khách. Nào ngờ, khi mở nắp hũ rượu ra “nó thúi dậy cả xóm”, làm cho chủ khách một phen “xanh mặt”.

Tuy ông sui không nói gì, nhưng ông cảm thấy vô cùng “có lỗi”. Sau sự cố đó, ông hạn chế qua lại với ông sui như lúc trước. Theo ông T, nguyên nhân là do gặp phải rượu Gò Đen dỏm, kém chất lượng, không đủ độ (45 độ trở lên) để ngâm rượu thuốc nên làm cho 4 cái bao tử nhím sình lên, thối rữa. Bây giờ, mỗi khi nhắc lại là ông thấy “ứa gan” cho cái “gã” Gò Đen dỏm. Ông thề sẽ không bao giờ “rớ” tới rượu đế Gò Đen.

Còn ông chủ tịch của một huyện ở vùng Đồng Tháp Mười thì “dính" vào hũ rượu “hà nàm nai”. Ông được ông bạn Campuchia đem qua cho một hũ rượu “hà nàm nai” (mới ngâm). Ông sợ rượu bên kia không ngon, nên sai “thằng lính ruột” lên Gò Đen rinh về một bình rượu 10 lít đổ vào ngâm. Hơn 4 tháng sau, tới ngày giỗ ông già nên ông đem ra uống. Khi chủ khách đồng loạt đổ trọn ly rượu “hiếm” vào miệng thì mạnh ai nấy phun, có người “ói ra mật xanh”. Tức mình, vừa tiếc vừa giận, ông chửi “thằng lính ruột” một trận bởi cái tội mua phải thứ rượu giả Gò Đen.

Vấn đề ở đây là làm sao nhận dạng được “kẻ lừa đảo”, để “cảnh báo” mọi người khi mua rượu đế Gò Đen biết được đâu là rượu thật, đâu là rượu giả?

Ông Nguyễn Văn Trị (nhà ở xã Long Hiệp, nấu rượu từ năm 1952 tới nay), cùng nhiều “già làng” nấu rượu ở Gò Đen, mách nước: Có thể căn cứ vào rượu và giá bán (chênh lệch giá như đã nói ở trên). Về rượu, tuy nồng độ của rượu nếp và rượu gạo không khác nhau (lúc nấu, trời nắng độ của rượu thường đạt 42-45 độ, lúc mưa xuống còn 35-37 độ), nhưng đặc trưng của rượu nếp là có mùi thơm nồng nguyên thuỷ, khi uống vào, hậu có vị béo (rượu đầm dễ uống), rượu gạo thì không thơm bằng, hậu có vị nhân nhẩn (đắng - có thể do nấu bằng tấm hoặc gạo xấu) nhưng cũng dễ uống…

Còn rượu đã qua pha chế: rượu có mùi nồng, gắt (pha nhiều cồn hoặc nấu bằng men Trung Quốc), khi uống vào, hậu có vị nhân nhẩn nhưng nhạt (rượu pha ít cồn, nhiều nước), hoặc rượu có vị ngọt (bỏ đường tây vào, người bán thường nói là rượu nếp than)… Một điểm khác biệt nữa là khi đã uống “quắc cần câu”, lúc tỉnh lại thấy đầu nặng, đau đầu như búa bổ là rượu giả (chi tiết này để nhớ mua rượu ở đâu lần sau có mua mà tránh).

Thương hiệu đế Gò Đen - “trâu chậm uống nước đục”

Những ngày “xâm nhập” làng rượu Gò Đen, khi trò chuyện với người dân nấu rượu ở đây, ai cũng muốn thương hiệu rượu đế Gò Đen được đăng ký độc quyền nhãn hiệu. Bởi theo họ, nếu chậm trễ sẽ có cùng chung số phận với thương hiệu gạo nàng thơm Chợ Đào: bị người ta đăng ký mất thương hiệu độc quyền trên thị trường. Nhưng ai sẽ làm chuyện này, một câu hỏi đặt ra làm cho không ít những cán bộ lãnh đạo ở địa phương tỏ ra lúng túng.

Theo con số thống kê ban đầu của các địa phương (gồm xã Mỹ Yên, Phước Lợi và Long Hiệp): hiện nay có khoảng hơn 400 hộ dân nấu rượu ở Gò Đen (nơi tiếp giáp của 3 xã). Đây là những hộ nấu rượu truyền thống từ đời này sang đời khác, nhưng nấu với quy mô nhỏ lẻ, mang tính gia đình, theo dạng “tự sản tự tiêu”. Nhưng nếu tập hợp lại thì số lượng không nhỏ, đặc biệt rượu ở đây nấu thơm ngon nổi tiếng khắp Nam kỳ lục tỉnh trước đây, nay trong Nam ngoài Bắc ai cũng biết.

Nếu tính bình quân mỗi hộ sản xuất 20 lít rượu mỗi ngày (theo kiểu truyền thống), thì một năm, làng rượu Gò Đen có thể sản xuất gần 3 triệu lít rượu. Chỉ tính giá trung bình 12 ngàn đồng/lít, mỗi năm làng rượu này thu về trên 2 triệu USD. Con số này quả là không nhỏ. Đó là chưa kể khoản thu nhập nuôi heo từ hèm của những hộ nấu rượu và hàng ngàn người có việc làm “ăn theo” từ nấu rượu.

Một vấn đề đáng quan tâm hiện nay là có nhiều người lợi dụng sự nổi tiếng của rượu đế Gò Đen để trục lợi, bằng hành vi bất chính: làm rượu giả, (rượu pha cồn, kém chất lượng so với rượu gốc nấu bằng phương pháp truyền thống của người dân nơi đây) nhưng bán với giá cao, làm ảnh hưởng không nhỏ đến thương hiệu nổi tiếng vốn có xưa nay của nó.

Mặt khác, sự “lai tạp” theo ý của người nấu rượu đế Gò Đen hiện nay cũng là vấn đề đáng quan ngại. Nhiều người nấu rượu đã sử dụng men Trung Quốc để nấu, nên cũng làm ảnh hưởng đến cái chất của rượu được nấu bằng men truyền thống lâu nay. Đây cũng là một trong những nguyên nhân góp phần làm giảm uy tín “thương hiệu” rượu đế Gò Đen.

Ông Trị nhóm lửa nấu mẻ rượu mới và chiết rượu mới nấu để “kiểm tra chất lượng”
Ông Trị nhóm lửa nấu mẻ rượu mới và chiết rượu mới nấu để “kiểm tra chất lượng” - Ảnh K.Văn

Theo ông Trị (được xem là người duy nhất còn giữ cách nấu rượu truyền thống bằng nồi nhỏ, tát nước khi chưng cất) và nhiều người nấu rượu lâu năm ở đây, cho biết: Không biết trong men Trung Quốc (xay nhuyễn) có chất gì mà nấu rượu thì đặng hơn men ta (men cục, dẹp bằng viên chè trôi nước). Như một giạ nếp (30kg) nấu men ta cho ra 20 lít rượu, trong khi đó men Trung Quốc thì cho ra tới 25 lít. Có điều, rượu nấu từ men Trung Quốc khó uống, do hậu gắt, uống hay nhức đầu…

Anh Cao Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Yên (xã có 173 hộ nấu rượu hiện nay), băn khoăn: “Tình hình lộn xộn thật - giả của rượu đế Gò Đen lâu nay, nếu không kịp chấn chỉnh thì cái tên của nó sẽ bị xấu đi. Nếu được đăng ký độc quyền nhãn hiệu tập thể rượu đế Gò Đen, thì sẽ dẹp được mấy cái bảng hiệu kiểu “treo đầu dê bán thịt chó” hiện nay. Và khi đã đăng ký được nhãn hiệu độc quyền rượu đế Gò Đen thì công tác khôi phục, phát triển men truyền thống của địa phương sẽ được thuận lợi, việc kêu gọi người dân sử dụng men truyền thống để nấu rượu (không sử dụng men Trung Quốc) để giữ cái chất thuần, cái gốc của rượu Gò Đen vốn nổi tiếng thơm ngon xưa nay là không khó".

Không riêng gì anh Hùng, những hộ dân nấu rượu ở Gò Đen mà tôi gặp đều có mong muốn như thế. Họ muốn sử dụng chung một thương hiệu rượu đế Gò Đen. Mong muốn này xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của người dân. Cho nên, việc đăng ký nhãn hiệu độc quyền để bảo vệ thương hiệu rượu đế Gò Đen là một  tất yếu trong xu thế phát triển của thế giới hội nhập ngày nay, nhất là khi Việt Nam đã gia nhập WTO.

Tuy nhiên, nhiều người cũng quan ngại, liệu có nên cổ suý, phát triển thêm làng nấu rượu đế Gò Đen (tập hợp lại sản xuất theo quy mô công nghiệp), vì trong thực tế hiện nay rượu - bia đã tràn lan khắp mọi nơi? Trong thời gian qua, chính rượu bia cũng đã gián tiếp gây ra không biết bao nhiêu hậu quả, hệ luỵ: chồng chém vợ, con giết cha, bạn bè giết nhau… do bị say xỉn.

  • Kiến Văn

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,