- Ngày 16/5, Bộ Y tế đã ban hành phác đồ mới về hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh tay chân miệng.
Bệnh chân tay miệng có thể bùng phát nếu không cẩn thận. Ảnh: VNN |
Giai đoạn ủ bệnh: 3-7 ngày. Giai đoạn khởi phát từ 1-2 ngày với các triệu chứng như sốt nhẹ, mệt mỏi, đau họng, biếng ăn, tiêu chảy vài lần trong ngày. Giai đoạn toàn phát có thể kéo dài 3-10 ngày với các triệu chứng điển hình của bệnh như loét miệng: vết loét đỏ hay phỏng nước đường kính 2-3 mm ở niêm mạc miệng, lợi, lưỡi. Phát ban dạng phỏng nước ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, gối, mông; tồn tại trong thời gian ngắn (dưới 7 ngày) sau đó để lại vết thâm, sốt nhẹ.
Đây là bệnh truyền nhiễm lây từ người sang người, dễ gây thành dịch do virus đường ruột gây ra. Hai nhóm tác nhân gây bệnh thường gặp là Coxsackie virus A16 và Enterovirus 71 (EV71).
Với phác đồ mới điều trị bệnh chân tay miệng mà Bộ Y tế ban hành, có thể áp dụng điều trị ngoại trú hoặc theo dõi tại y tế cơ sở. Tuy nhiên, cần cho trẻ dinh dưỡng đầy đủ theo tuổi. Vệ sinh răng miệng, nghỉ ngơi, tránh kích thích. Tái khám mỗi 1-2 ngày trong 5-10 ngày đầu của bệnh. Cha mẹ cần cho trẻ nhập viện khi có biến chứng thần kinh, tim mạch, hô hấp, sốt cao ≥ 39oC, nôn nhiều.
Để đề phòng bệnh cần áp dụng các biện pháp phòng bệnh đối với bệnh lây qua đường tiêu hoá, đặc biệt chú ý tiếp xúc trực tiếp với nguồn lây. Cách ly trẻ bệnh tại nhà trong tuần đầu tiên của bệnh.
Hiện bệnh chân tay miệng tập trung chủ yếu ở các tỉnh phía Nam và đang có nguy cơ lây lan rộng.
-
Lệ Hà