- Một cuộc hội thảo quốc gia về “Chống hàng giả và các biện pháp kiểm soát biên giới” đang diễn ra trong hai ngày 15-16/5 tại Hà Nội. Thông tin từ đây đã chỉ ra rằng tốc độ làm nhái, làm giả bây giờ nhanh hơn trước rất nhiều. Hiện trên thị trường đang có hai kênh: kênh từ nước ngoài đưa vào và kênh trong nước tự làm nhái của nhau.
Hội thảo này đã thu hút sự quan tâm của hải quan các nước trong khu vực và nhiều nước khác, trong đó có Hoa Kỳ. Nhiều năm qua, hàng giả không chỉ hoành hành trong nội địa mà có xu hướng thẩm thấu qua các thị trường quốc tế với nhiều hình thức tinh vi, khó phát hiện.
Trước đây, cần mất đến phải 8 tháng thì dân “chuyên nghiệp” mới làm nhái được sản phẩm mới của các hãng, nhưng bây giờ họ chỉ mất vỏn vẹn khoảng 1 tháng. Một sản phẩm có uy tín bị làm nhái từ nước ngoài, chỉ sau một tháng là tràn ngập thị trường Việt Nam. Tốc độ làm nhái, làm giả hiện đã nhanh hơn trước rất nhiều. Hiện trên thị trường đang có hai kênh làm hàng giả: kênh từ nước ngoài đưa vào và kênh trong nước tự làm nhái của nhau.
Tiến hành tiêu hủy hàng giả. Ảnh: Đ.M
Ông Lê Thế Bảo, Chủ tịch Hiệp hội chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam từng nói với báo giới rằng nạn làm hàng nhái, hàng giả ở Việt Nam đang diễn ra khá phổ biến. Nhiều sản phẩm trong nước làm nhái của nhau, nghiêm trọng hơn là tình trạng hàng nhái từ nước ngoài đang nhan nhản trên thị trường.
Tại cuộc hội thảo này, những nhận định trên được khẳng định khi Tổng Cục hải quan cho hay 4 tháng đầu năm bắt và xử lý 13 vụ hàng giả từ nước ngoài với số tiền phạt là 970 triệu đồng. Hàng hóa vi phạm chủ yếu là thiết bị điện thoại di động, túi xách tay, máy tính bỏ túi và thiết bị lưu trữ USB, linh kiện máy tính. Các vụ việc được phát hiện chủ yếu qua hải quan Hải Phòng, Quảng Ninh và TP. Hồ Chí Minh. Các nhãn hiệu bị vi phạm nhiều là Honda, Nokia, Nike, Channel...
Đại diện hải quan các nước cho rằng chống hàng giả và kiểm soát biên giới hiện nay là nhiệm vụ khó khăn của bất cứ quốc gia nào. Chia sẻ kinh nghiệm, họ đều cho rằng phải hoàn thiện khung pháp lý trong nước để xử lý triệt để khi phát hiện. Kế đó là sự phối hợp thông tin giữa hải quan các nước nhằm sớm thông tin cho nhau về thủ đoạn mới của những người làm hàng giả, hàng nhái để chủ động phát hiện, đấu tranh.
-
Đỗ Minh