- Theo ước tính, cứ một trẻ mắc bệnh tay chân miệng có biến chứng nặng thì khoảng 400 trẻ khác đã mắc bệnh ở ngoài cộng đồng, đường lây lan là rất lớn và dữ dội. Ở TP.HCM, so với cùng kỳ năm ngoái, bệnh đã tăng hơn 20%. Trẻ dưới 2 tuổi thường bị nhiều biến chứng nặng. Về lý thuyết, enterovirus 71, siêu vi gây bệnh tay chân miệng, đang thay thế vi-rút gây bại liệt.
Với bệnh tay chân miệng, những nốt hồng ban có đường kính vài mm nổi bất thường hoặc cộm trên da ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối hoặc mông. Ảnh: H.Cát
Ngày 12/5, BS.Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm BV Nhi Đồng I, đã cho biết như trên khi trao đổi với PV VietNamNet về diễn biến của bệnh tay chân miệng.
Siêu vi gây bệnh tay chân miệng đang thay thế vi-rút gây bại liệt?
Về lý thuyết, các chuyên gia vi-rút học cho biết, Enterovirus 71 (EV71), thường gây những biến chứng nặng thậm chí tử vong ở bệnh nhi tay chân miệng, đang dần thay thế vi-rút gây bệnh bại liệt. Bởi vì các loại vi-rút cạnh tranh với nhau. Khi chúng ta tiêu diệt một con vi-rút này, thì một con khác sẽ trội lên.
EV71 đã xuất hiện khá lâu, từ những năm của thập niên 1960, nhưng chỉ gây ra một vài ca lẻ tẻ. Lần đầu tiên, người ta phát hiện ở Mỹ. Sau đó, nó xuất hiện ở châu Âu, rải rác ở châu Á. Đợt địch do EV71 gây ra làm tử vong trên 70 trẻ xảy ra ở Đài Loan vào năm 1998. EV71 còn xuất hiện ở Malaysia, Singapore... Và cho đến ngày 9/5/2008, đã có khoảng 25.000 trẻ em Trung Quốc mắc bệnh tay chân miệng, với ít nhất 34 ca tử vong.
Còn tại Việt Nam, bệnh tay chân miệng bắt đầu xuất hiện vào năm 2002, với một vài ca. Rồi tới 3 tháng đầu năm 2003, hơn 20 trẻ bị tay chân miệng đã tử vong tại BV Nhi Đồng 1. Mãi tới năm 2007, bệnh tay chân miệng mới bắt đầu được các BV khác như BV Nhi Đồng 2, BV Bệnh Nhiệt đới chú ý tới.
Với tình hình bệnh tay chân miệng xuất hiện ở nhiều nơi, chắc chắn, nhiều tổ chức sẽ nghiên cứu và bào chế ra vắc-xin để phòng ngừa nó. Đài Loan, một trong những quốc gia có nhiều kinh nghiệm về bệnh tay chân miệng, đã bắt tay vào nghiên cứu vắc-xin, tuy nhiên, đến khoảng 2012 - 2016 mới có kết quả.
Năm nay, diễn tiến bệnh tay chân miệng ở TP.HCM có gì khác?
Bệnh tay chân miệng: Trẻ sốt, loét miệng, nổi hồng ban có bóng nước ở bàn tay, bàn chân, gối hoặc mông. Việc theo dõi trẻ phải kéo dài từ 7 - 10 ngày. Khi có một trong những triệu chứng sau cần nghĩ đến bệnh tay chân miệng nặng và phải đưa trẻ đến bệnh viện ngay: sốt cao, quấy khóc liên tục, khó ngủ hoặc ngủ li bì, giật mình, hốt hoảng, chới với, run giật tay chân, co giật, nôn ói nhiều, bỏ bú, yếu liệt tay chân, da nổi bông.
- Mùa bệnh tay chân miệng ở TP.HCM cũng như các tỉnh phía Nam năm nay vào hơi trễ so với các năm trước. Mọi năm, đỉnh dịch vào tháng 4. Tuy nhiên, điều đó cũng bình thường, vì đỉnh dịch có thể giao động giữa tháng tư và tháng năm. Sau đó, bệnh tay chân miệng đi xuống, và bùng phát trở lại vào tháng 9-12. Tuy nhiên, số ca của đỉnh đầu thường chỉ bằng 1/3 đỉnh sau.
Từ đầu năm đến nay, BV Nhi Đồng 1 đã điều trị cho hơn 1.000 ca tay chân miệng. 50% các ca là từ các tỉnh chuyển lên.
Ngay trong ngày 12/5, khoa Nhiễm - BV Nhi Đồng 1 có khoảng 60 trẻ điều trị bệnh tay chân miệng với 3 trường hợp nặng đều dưới 2 tuổi. Một ca 14 tháng tuổi chuyển từ Tây Ninh lên phải thở máy.
Còn tại các tỉnh phía Nam, trong vài năm tới, bệnh sẽ bắt đầu xuất hiện nhiều, không phải vì bệnh xuất hiện nhiều hơn. Nguyên nhân là do người ta bắt đầu chú ý đến, đặc biệt sau khi Bộ Y tế ban hành phác đồ điều trị, phải theo dõi và phát hiện ca sớm.
Được biết, theo một nghiên cứu kết hợp giữa BV Nhi Đồng 1, Viện Pasteur TP.HCM và một số tổ chức quốc tế khác, các chuyên gia đã phát hiện một nhóm mới của loại vi-rút EV71?
- Lần đầu tiên, chúng tôi đã phát hiện ra nhóm C5 của EV71 lưu hành tại miền Nam Việt Nam. Năm 2003, kết hợp với Viện Pasteur TP.HCM, chúng tôi đã nuôi cấy và phát hiện được 2 ca do nhóm C5 này gây ra. Năm 2005, tiếp tục mở rộng nghiên cứu trên gần 800 trẻ mắc bệnh tay chân miệng, kết quả trong 6 tháng đầu năm 2005, 3 nhóm C1, C4 và C5 cùng lưu hành. Còn 6 tháng cuối năm, thời gian EV 71 hoạt động mạnh, chủ yếu là nhóm C5.
Hiện nay, điều trị đặc hiệu đối với bệnh tay chân miệng không có. Chủ yếu vẫn là điều trị các triệu chứng của bệnh bằng các phương pháp điều trị hỗ trợ, giúp tử vong tối thiểu. Quan trọng nhất vẫn là theo dõi sát, phát hiện sớm các biến chứng và can thiệp kịp thời. Ngoài ra, chúng ta có loại dịch truyền gọi là Immunoglobulin - IVIG. Nhưng IVIG có chi phí khá đắt nên chỉ được chỉ định trong những trường hợp nhất định. Bên cạnh đó, chúng tôi hỗ trợ hô hấp sớm... Tuy nhiên, những trẻ dù có những triệu chứng nặng đến mấy, đã được cứu sống, thì hoàn toàn không có di chứng.
Đặc điểm lâm sàng của bệnh?
Ngày 12/5, bé Nguyễn Thị T.M. (14 tháng tuổi, ởTây Ninh) đang phải thở máy do biến chứng của bệnh tay chân miệng tại khoa Nhiễm - BV Nhi Đồng 1. Ảnh: H.Cát
- Bệnh thường xảy ra trên những trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, đặc biệt tập trung ở trẻ từ 3 tuổi trở xuống. Trẻ nhỏ dưới 2 tuổi thường có nhiều biến chứng nặng khi mắc phải căn bệnh này như: viêm não - màng não, co giật, viêm cơ tim, hôn mê... thậm chí dẫn đến tử vong nếu không được xử trí kịp thời. Hệ miễn dịch của trẻ nhỏ thường chưa có kháng thể.
Một năm có hai mùa tay chân miệng. Mùa sau bao giờ cũng cao hơn mùa trước. Bởi vì mùa sau, tỷ lệ EV71 xuất hiện nhiều hơn. Điều này chưa được lý giải và chúng tôi chỉ dựa vào kinh nghiệm điều trị.
Thông thường bệnh kéo dài từ 7-10 ngày. Bệnh này thường không có sốt, hoặc chỉ sốt nhẹ. Sau một hoặc hai ngày, những nốt hồng ban có đường kính vài mm nổi bất thường hoặc cộm trên da ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối hoặc mông.
Ngoài ra, em bé có triệu chứng khóc, đau miệng, chảy nước miếng. Lúc đó, trong miệng trẻ đã xuất hiện những vết loét, ở trên lưỡi, vòm miệng, hoặc ở lợi...
Đa số bệnh do tác nhân coxsackievirus A16 đều tự khỏi. Tuy nhiên, nếu gặp EV71, trẻ thường gặp những biến chứng. Những biến chứng này nếu chú ý cũng dễ nhận biết. Trẻ thường bứt rứt, khó ngủ, quấy suốt đêm. Hoặc nếu ngủ thì trẻ sẽ ngủ li bì. Đặc biệt, trẻ hay giật mình và giơ hai tay lên. Những cơn giật mình này thường xuất hiện khi trẻ thiu thiu ngủ hoặc đang ngồi chơi.
Hai triệu chứng này rất quan trọng để đưa trẻ vào bệnh viện, giấc ngủ và sự giật mình. Nếu để trễ từ 6 - 12 tiếng đồng hồ, trẻ có thể bị co giật, hôn mê, thở khó...
Làm thế nào để phòng ngừa bệnh?
- Siêu vi gây bệnh tay chân miệng chủ yếu lây lan qua đường tiêu hóa. Tuy nhiên, siêu vi có thể bám vào các vật dụng sinh hoạt, đồ chơi, bàn tay người lớn. Siêu vi này có thể tồn tại ở những nơi đó từ 7 - 10 ngày. Hoặc những đứa trẻ trong khi nói chuyện, nước miếng văng ra cũng mang theo siêu vi. Do đó, đường lây rất lớn và dữ dội. Ước tính, cứ một trẻ có biến chứng nặng thì khoảng 400 trẻ đã mắc bệnh tay chân miệng ở ngoài cộng đồng.
Hiện nay chưa có vắc-xin phòng ngừa bệnh. Ngoài ăn chín uống sôi, chúng ta còn phải đảm bảo vệ sinh cho các dụng cụ sinh hoạt (bàn ghế, sàn nhà...), đồ chơi của trẻ, và người lớn phải rửa sạch tay sạch sẽ, nhất là sau khi đi vệ sinh, thay tã hoặc dọn dẹp các vật dụng có dính phân của trẻ.
Khi trẻ có bệnh, nên cho trẻ ăn thức ăn lỏng, chia thành nhiều bữa. Cho trẻ ăn những thức ăn vừa đủ nguội, và phải cho trẻ uống nhiều nước.
Xin cảm ơn bác sĩ.
-
Hương Cát