221
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
1058799
Quán cơm bình dân lo tích gạo trong cơn sốt ảo!
1
Article
null
Quán cơm bình dân lo tích gạo trong cơn sốt ảo!
,

 - Giá gạo tăng đột biến đã gây ảnh hưởng tới các quán cơm bình dân tại Hà Nội. Trong khi các quán nhỏ bắt đầu mua gạo tích trữ thì các quán lớn, nhiều khách lại chấp nhận phương án “nước nổi, thuyền nổi”, bán cơm tùy theo giá gạo từng ngày.

Tích gạo nửa tháng

Bà Nguyễn Thị T. chủ quán cơm bình dân gần khu tập thể Bảo Việt, Mai Dịch chỉ tay về phía hơn chục bao tải loại 50kg được xếp ngay ngắn trên trên một kệ gỗ, nói: “Con tôi vừa bảo người quen chuyển số gạo này về từ tối qua, chỗ này đủ để bán được trong vòng nửa tháng”.

Mô tả ảnh.
Các quán "cơm bụi" nhỏ đã bắt đầu tích vào vì gạo tăng giá (Ảnh minh họa)

Bà T biết chuyện gạo tăng giá qua… mấy người hàng xóm. Sáng hôm trước thấy mấy bà hàng xóm í ới rủ nhau lên siêu thị Metro xếp hàng mua gạo, bà hỏi ra mới biết các loại gạo ăn gia đình như gạo Tám Thái, gạo Bắc Hương… đã tăng vọt một lúc lên 5-6 giá, hiện ở mức từ 18-20.000 đồng/kg.

Nghe thì phi lý vì bà là người chuyên bán cơm “bụi” mà lại không biết giá gạo tăng, nhưng thực tế là do cô con gái là người nhập gạo ở chỗ quen, bà chỉ chuyên phần bán hàng. Hơn nữa, loại gạo bán ở các quán cơm bụi được gọi là gạo tạp giao, giá cả có tăng nhưng không đến độ “phi mã” như gạo dùng trong gia đình, nhà hàng. Cụ thể, ba hôm trước giá loại gạo này là 9.000 đồng/kg, đến nay đã tăng thêm 1.000 đồng/kg.

“Trữ như thế này mỗi ngày tôi tiết kiệm được khoảng 40.000 đồng tiền gạo, trong vòng nửa tháng thì đỡ được 600.000 đồng, gọi là đỡ được đồng nào hay đồng ý. Nếu giá gạo còn lên nữa thì được thêm”- bà T tính toán.

Quán cơm bình dân của chị N, nằm gọn lỏn giữa một loạt các nhà hàng khu nhà K1, mặt đường Giảng Võ. Quán này chỉ bán riêng một buổi trưa, nhưng hiện lại đang đập ra để sửa chữa. Chị cho hay, mặc dù đang sửa chữa quán nhưng nghe tin gạo tăng giá chị đã mua vào, tích gần nửa tấn: “Sửa quán cũng chỉ mất dăm hôm, mình cứ mua tích để đấy, lỡ giá còn lên nữa”.

Theo kinh nghiệm nhiều năm bán cơm, chị N khẳng định, giá gạo đã nhích lên thì khó xuống, nếu có xuống cũng không đáng kể.

Chiêu “nước nổi, thuyền nổi”

Anh Đ sở hữu một lúc hai quán cơm xung quanh ký túc xá trường Đại học Giao thông Vận tải, một quán ở ngay mặt đường Nguyễn Chí Thanh và một quán nằm sâu trong ký túc, ngay bên cạnh nhà xe. Khách hàng ở đây chủ yếu là sinh viên của trường.

Khác với hai quán trên, quán anh Đ áp dụng chiêu “nước nổi, thuyền nổi”, nghĩa là ngày nào bán cơm thì tính tiền theo giá gạo ngày đó. Anh nêu lý do: “Tích gạo vào chủ yếu là các quán nhỏ, lượng khách vừa phải. Hai quán của tôi một ngày tiêu thụ gần hai tạ gạo, nếu chỉ cần tích khoảng hai tuần đã là 3 tấn, không đủ chỗ chứa”.

Hơn nữa, loại gạo tạp giao vốn được các quán cơm bình dân nhập từ các tỉnh Thái Bình, Nam Định (thông qua một đầu mối nằm sẵn ở Hà Nội) thường được đóng trong các bao tải dứa, không phải bịnh nilon hút chân không như các loại gạo ngon bày bán trong siêu thị, nên rất dễ bị mốc và bốc mùi hôi, vì vậy tích trữ quá nhiều đôi khi còn phản tác dụng.

“Buổi trưa chúng tôi bán được khoảng 300 suất, buổi chiều ít hơn một chút khoảng 200 suất. Sinh viên thường ăn giá từ 8-10.000 đồng/suất, trong đó tiền cơm thường chiếm khoảng 1/3, mình chỉ cần tăng giá thêm 500 đồng/suất là đủ. Tôi vẫn lấy gạo theo cách cũ là hai ngày gọi mối quen chở đến một lần, chưa thấy hiện tượng thiếu gạo, nhưng giá thì tăng rõ rệt” - anh Đ nói.

Anh Đ cho hay, nhiều người quen của anh hôm 27/4 cũng đã đổ xô đi mua gạo tại các siêu thị lớn, nhưng cũng chỉ mua khoảng 20- 30kg gạo ngon. Theo anh Đ, do siêu thị phải qua một quy trình nhất định mới niêm yết giá mới được nên không thể tăng giá nhanh như bên ngoài, nên giá gạo ở siêu thị mềm hơn so với các đại lý ở ngoài.

  • Đỗ Minh

    Ý kiến độc giả

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,