221
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
1057581
Lại nhức nhối dịch sốt xuất huyết ở ĐBSCL
1
Article
null
Lại nhức nhối dịch sốt xuất huyết ở ĐBSCL
,

 - Giữa lúc dịch cúm gia cầm, heo tai xanh còn âm ỉ thì các tỉnh ĐBSCL lại đối diện với nguy cơ bùng phát dịch sốt xuất huyết (SXH). Theo thống kê của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cả nước đã có hơn 4.000 ca SXH, tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm 2007.

SXH khắp nơi

Mô tả ảnh.
Phun thuốc diệt muỗi.
Năm nay ngành y tế các tỉnh ĐBSCL toát mồ hôi vì chỉ trong 3 tháng đầu năm mỗi địa phương đã có hàng trăm ca bệnh SXH nhập viện.

Theo bác sĩ Dương Ân Hận, Phó Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng (TTYTDP) tỉnh Đồng Tháp, thì đây là điều bất thường rất đáng lo ngại.

“Thông thường bệnh SXH bắt đầu lây lan, bùng phát từ tháng 5 (đầu mùa mưa, muỗi có điều kiện sinh sôi nảy nở) nhưng năm nay, bệnh xuất hiện nhiều vào thời điểm khô hạn là trái quy luật.  Năm nay, SXH sẽ rất phức tạp, nguy cơ bùng phát dịch trên diện rộng là rất lớn”, bác sĩ Hận nói.

Năm 2007, Đồng Tháp là tỉnh bị dịch SXH hoành hành nặng nhất khu vực ĐBSCL với hơn 12.000 ca bệnh nhập viện, tử vong 9 ca. Năm nay chỉ trong 3 tháng đầu năm, toàn tỉnh đã có hơn 300 ca bệnh SXH nhập viện điều trị, nhiều nhất ở các huyện Lấp Vò, Châu Thành.

Ông Phạm Văn Thành, Phó trưởng Khoa dịch tễ, TTYTDP (tỉnh Bến Tre) cho biết, SXH đang quay trở lại ở mức độ rất đáng lo ngại. Từ đầu năm đến nay toàn tỉnh có hơn 350 ca bệnh SXH được phát hiện và hiện nay trung bình mỗi tuần có hơn 20 ca nhập viện điều trị.

Năm 2007, Bến Tre có gần 7.000 ca bệnh SXH, là một trong những địa phương bị SXH nhiều nhất ở ĐBSCL.

Trong khi đó tại Tiền Giang đến cuối tháng 3/2008 toàn tỉnh có hơn 560 ca SXH nhập viện, số ca bệnh xảy ra nhiều nhất ở hai huyện Cai Lậy và Chợ Gạo. Tuy chưa có trường hợp nào tử vong nhưng theo nhận định của một bác sĩ nhi khoa ở Bệnh viện đa khoa Tiền Giang, thì số ca SXH tăng cao bất thường trong mùa khô, là dấu hiệu cho thấy có nhiều khả năng năm nay bệnh SXH lại bùng phát thành dịch trên địa bàn.

Ở vùng bán đảo Cà Mau, bệnh SXH cũng gia tăng ở mức độ đáng lo ngại. Tỉnh Cà Mau TTYTDP cho biết từ đầu năm đến nay đã phát hiện hơn 300 ca bệnh SXH, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2007. 

Dân tự lo, ngành y tế làm… theo phong trào

Mô tả ảnh.
Chăm sóc trẻ bị sốt xuất huyết.
Theo ngành y tế dự phòng các tỉnh ĐBSCL, hiện tại công tác phun hóa chất dập từng ổ dịch nhỏ đang được thực hiện tại các địa phương nhằm khống chế dịch bệnh. Tuy nhiên đã thành căn bệnh trầm kha, mỗi khi SXH bùng phát thì các cán bộ y tế lại hát “bài ca muôn thuở”: do người dân chủ quan không chịu phòng bệnh.

Bác sĩ Hận ở Đồng Tháp nói, hiện nay, mầm bệnh SXH lưu hành quanh năm ở ĐBSCL nên không thể tiêu diệt tận gốc, chỉ có giải pháp duy nhất phòng bệnh hiệu quả là từng hộ gia đình phải chủ động diệt muỗi và lăng quăng. Thế nhưng, dù ngành y tế đã tuyên truyền vận động nhiều nhưng người dân vẫn rất thờ ơ, chủ quan trước bệnh SXH, không chịu dọp dẹp vệ sinh xung quanh nhà ở.

"Mới đây, kiểm tra 100 hộ dân thì cán bộ y tế phát hiện 50 hộ nhà cửa âm u, đầy các vật chứa nước tạo điều kiện cho muỗi vằn sinh sản, phát triển”, bác sĩ Hận cho biết.

Trong khi đó, ông Phạm Văn Thành - TTYTDP Bến Tre cho biết, dù tỉnh đã hạn chế được tình trạng quăng gáo dừa bừa bãi làm nơi trú ẩn, sinh sản của muỗi, nhưng SXH vẫn không giảm do người dân có thói quen trữ nước trong lu, vại để sử dụng vào mùa khô nên muỗi và lăng quăng có điều kiện sinh sản, phát triển.

Công bằng mà nói, việc người dân chủ quan đối với bệnh SXH, không chịu dọn dẹp vệ sinh môi trường sống xảy ra ở nhiều nơi là có thật nhưng về phía ngành y tế, công tác phòng chống SXH cũng còn nhiều bất cập.

Khi số ca SXH tăng cao, lập tức các tỉnh rầm rộ tổ chức lễ ra quân diệt muỗi, diệt lăng quăng, xe hoa cổ động chạy ngược chạy xuôi, thanh niên xung kích và cán bộ y tế xông vô từng nhà đổ lu nước, dọn vệ sinh… để quay phim, chụp ảnh lấy khí thế rồi sau đó mọi chuyện lại chìm lắng.

Nhiều địa phương, dù biết muỗi vằn chỉ khu trú trong nhà, nơi ẩm thấp và không hoạt động ban đêm nhưng đêm đêm vẫn cho xe phun hóa chất khơi khơi ngoài đường, hết sức lãng phí. Một giải pháp khá hữu hiệu để phòng ngừa SXH là mua cá bảy màu cấp cho dân thả vào lu chứa nước diệt lăng quăng nhưng cho đến nay các tỉnh đều để dân “tự thân vận động”.

Ở Đồng Tháp năm 2008, UBND tỉnh cấp cho ngành y tế hơn 1 tỉ đồng để phòng chống SXH nhưng không có khoản kinh phí mua cá diệt lăng quăng cấp cho dân.

Tại Bến Tre, kinh phí phòng chống SXH năm 2008 được tỉnh cấp 450 triệu đồng. Số tiền này chỉ đủ mua hóa chất, dịch truyền và thuê người phun hóa chất diệt lăng quăng. “Chúng tôi không có kinh phí để mua cá bảy màu cấp cho dân, nhưng nếu có tiền cũng không có nguồn cá để mua”, ông Thành thừa nhận.

Trong khi đó, tại Tiền Giang sau lễ phát động toàn dân diệt lăng quăng phòng chống SXH được tỉnh tổ chức rầm rộ hồi đầu tháng 4/2008 với nhiều cờ hoa, xe cổ động chạy đầy đường thì đến nay người dân chỉ được cán bộ y tế cộng đồng phát một tờ bướm tuyên truyền phòng chống SXH rồi… thôi. 

  • Minh Hạ - Trung An
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,