- Chỉ còn hơn 2 tháng, xe 3, 4 bánh tự chế sẽ hết hạn lưu thông. Thế nhưng, cho đến nay đề án chuyển đổi xe vẫn đang dở dang. Hàng chục ngàn hộ dân TP.HCM đang “hồi hộp” dõi theo giải pháp.
Hơn 611 tỷ đồng cho đề án
Đó là khoản kinh phí dự kiến “cần và đủ” để thay thế hơn 21.000 xe 3, 4 bánh tự chế các loại và chuyển đổi nghề cho hàng chục ngàn hộ dân tại TP.HCM. Trong đó, hơn 536 tỷ đồng ngân sách hỗ trợ cho người dân vay thay thế xe và 75 tỷ đồng là khoản kinh phí ngân sách hỗ trợ không hoàn lại.
Các loại xe 3, 4 bánh tự chế không có biển số đăng ký bao gồm xe lam, xe ba gác máy, xe xích lô máy, xe lôi, xe ba gác đạp, xe xích lô đạp, xe đẩy tay. Tuy nhiên, thời gian gần đây, sau lệnh cấm xe 3, 4 bánh tự chế lưu thông, tại TP.HCM xuất hiện tình trạng “biến tướng” xe chỉ còn 2 bánh hoặc có thêm bánh để trở thành xe 5 bánh. Theo Ban xây dựng đề án, nên xếp loại xe này vào nhóm xe 3, 4 bánh tự chế không có biển số đăng ký. Hiện nay, theo khảo sát của Sở Lao động Thương binh và Xã hội, số lượng người sử dụng loại xe có bánh tự chế không có biển số đăng ký là 15.457 người. |
Đúng như dự đoán, trung tuần tháng 4, ông Lê Hoàng Quân, Chủ tịch UBND TP.HCM đã bác dự thảo đề án lần thứ 4 vì cho rằng ngân sách TP không thể kham nổi như đề xuất. Theo UBND TP.HCM, huy động tất cả các quỹ như Quỹ quốc gia hỗ trợ việc làm, Ngân hàng Chính sách, lồng ghép vào các chương trình xóa đói giảm nghèo... thì ngân sách TP cũng chỉ hỗ trợ tối đa 40 tỷ đồng thực hiện đề án.
Có thể thấy hướng giải quyết đề cập trong dự thảo đề án lần thứ 4 “ưu ái” cho nhóm đối tượng xe 3, 4 bánh đang hoạt động thu gom rác, chất thải vệ sinh môi trường với mức kinh phí hỗ trợ lên đến trên 248 tỷ đồng, chiếm 1/3 tổng kinh phí của đề án.
Bên cạnh đó, nhóm đối tượng này còn được đề xuất vay nợ lãi suất 0%, trả chậm trong vòng 3 năm với mức vay không quá 120 triệu đồng đối với xe tải và không quá 1,4 tỷ đồng đối với xe ép rác, nhưng nhóm này chỉ gồm 2.938 phương tiện.
Trong khi đó đối tượng có cuộc sống bị đảo lộn nhiều nhất là nhóm người dân sử dụng xe 3, 4 bánh tự chế không có biển số đăng ký với 15.457 phương tiện cũng được phân bổ kinh phí hỗ trợ tương đương với nhóm nói trên.
Đối với sự vô lý này, UBND TP.HCM đã giao cho Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với UBND các quận, huyện hướng dẫn đầy đủ các quy định về loại xe, yêu cầu kỹ thuật môi trường đối với chủ phương tiện chuyển đổi xe vào mục đích sử dụng thu gom và vận chuyển rác. Theo đó, UBND TP.HCM chủ trương để cho chủ phương tiện tự đóng mới xe chuyển đổi. Ngân sách không bao cấp trong lĩnh vực này mà chủ yếu huy động các doanh nghiệp, tổ chức tài chính tham gia trên cơ sở tổ chức đầu tư tín dụng.
40 tỷ đồng - làm được gì?
Một thành viên trong ban soạn thảo, xây dựng đề án chuyển đổi nghề và thay thế xe 3, 4 bánh tự chế tiết lộ, với mức kinh phí hỗ trợ đã được “thiết kế” cho đề án, việc UBND TP.HCM chỉ chấp thuận mức hỗ trợ tối đa 40 tỷ đồng sẽ đẩy đề án đi vào thế “bí”. Vì chỉ tính riêng kinh phí hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề, học lấy giấy phép lái xe đã ngốn hết 40 tỷ đồng.
“Nếu chỉ đơn giản là hỗ trợ đào tạo cho người dân có phương tiện xe 3, 4 bánh bị cấm lưu hành thì không phải là giải pháp căn cơ”- thành viên này nói. “Mấu chốt của vấn đề ở chỗ phải tìm cách giúp cho người dân đã qua đào tạo có nghề nghiệp mới hoặc có phương tiện mới, hợp với quy định để tiếp tục lao động nuôi sống gia đình”.
Hàng chục ngàn người dân đang dõi theo giải pháp chuyển đổi xe 3, 4 bánh tự chế. (Ảnh: Trần Duy). |
Theo yêu cầu của UBND TP.HCM, Ban xây dựng đề án phải hoàn chỉnh xong đề án và trình UBND TP ban hành trước ngày 30/4. Tuy nhiên, đến nay, Sở Tài nguyên và Môi trường (một trong những thành viên của Ban xây dựng đề án) chưa thể tìm ra nguồn cung cấp phương tiện thay thế cho 2.938 xe thu gom rác cũ. Chưa kể, chủ phương tiện cần ít nhất 6 tháng để có thời gian học và thi lấy giấy phép lái xe.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Do đó, nếu không có gì thay đổi, vào cuối tháng 6/2008, khi thời gian gia hạn cho phép xe 3, 4 bánh lưu hành hết hiệu lực, lực lượng thu gom rác thải dân lập tại TP sẽ rơi vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan”.
Để đối phó với tình huống này, Ban xây dựng đề án đã yêu cầu Công ty Dịch vụ công ích TP tổ chức lực lượng nhân sự và trang thiết bị thu gom rác tại các khu vực bị trống. Tuy nhiên, dù có tung hết lực lượng thì công ty này cũng không thể nào kham nổi công việc thu gom rác tại các ngóc ngách tại TP.HCM. Nguy cơ TP ngập chìm trong rác thải là điều có khả năng xảy ra.
Nhiều ý kiến dự đoán đề án chuyển đổi nghề, thay thế xe 3, 4 bánh tự chế trên địa bàn TP.HCM khó có thể đưa ra giải pháp khả thi vào cuối tháng 4/2008 như yêu cầu của UBND TP. Và do không tìm ra giải pháp hợp lý cho vấn đề cấm xe 3, 4 bánh lưu thông nên nhiều khả năng thời hạn cấm sẽ tiếp tục được dời lại.
Điều này có lợi cho hàng chục ngàn người dân đang sinh sống nhờ xe 3, 4 bánh tự chế trong khi cơ quan quản lý nhà nước “đau đầu” tìm giải pháp.
-
Trần Duy
Ý kiến của bạn về việc chuyển đổi xe 3, 4 bánh?