- 16/44 bệnh nhân dương tính với phẩy khuẩn tả của Hà Nội được xác định đã uống vaccine tả nhưng vẫn mắc. Điều này không lạ bởi các chuyên gia đã khuyến cáo vaccine tả chỉ có hiệu quả 66%.
Tình trạng quá tải bệnh viện có xu hướng giảm. Ảnh: VNN |
Được biết, vaccine tả hiện Việt Nam đang sử dụng do cố GS-TSKH Đặng Đức Trạch nghiên cứu. Uống 2 liều, hiệu quả ngừa bệnh từ 3-5 năm. Vaccine được sản xuất bằng công nghệ lên men, có thể sản xuất 5-6 triệu liều/năm, bằng những trang thiết bị sẵn có và có giá thành rẻ.
Vaccine không cần bảo quản ở điều kiện lạnh đặc biệt và cách sử dụng thì đơn giản chỉ là uống. Hiện Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đang làm hồ sơ xin Bộ Y tế cho phép Viện sản xuất vaccine tả với công nghệ mới. Nếu đưa vào sử dụng, tỷ lệ được bảo vệ sẽ lên đến 90 - 95%. Loại vaccine tả mới này có bổ sung thêm công thức mới có hiệu quả cao hơn loại cũ.
TS Nguyễn Thu Vân nhấn mạnh ngay cả khi uống vaccine thì người dân vẫn cần thực hiện các biện pháp an toàn vệ sinh, ăn chín uống sôi, rửa tay sạch sau khi đi vệ sinh và trước khi ăn để phòng bệnh.
Hà Nội: Bệnh nhân tiêu chảy có xu hướng giảm
Tại Bệnh viện Xanh Pôn, theo báo cáo của Bệnh viện tính lũy từ ngày 21/3 đến nay, bệnh viện tiếp nhận 222 bệnh nhân tiêu chảy cấp nguy hiểm. Đa số bệnh nhân đã được điều trị khỏi. Hiện bệnh viện còn điều trị 61 bệnh nhân. Trong mấy ngày cuối tuần qua, số bệnh nhân vào viện có xu hướng giảm (ngày 13/4 chỉ có 2 bệnh nhân nhập viện).
Bà Nguyễn Thị Thanh Hằng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, sau khi kiểm tra, giám sát việc phòng chống dịch tiêu chảy cấp tại một số cơ sở đã yêu cầu lãnh đạo chính quyền các quận Ba Đình, Đống Đa nghiêm túc xử lý những trường hợp cố tình vi phạm vấn đề VSATTP và phải có hồi âm lại kết quả xử lý vi phạm cho UBND. Bà Hằng cũng yêu cầu Thành đoàn huy động lực lượng thanh niên tình nguyện phát tờ rơi tuyên truyền về công tác phòng chống bệnh tiêu chảy cấp đến tận các hộ dân chủ yếu là người nhập cư đang sống xung quanh 30 hồ bị ô nhiễm nặng trên địa bàn.
-
Lệ Hà