- Tuy chưa xuất hiện dịch tiêu chảy cấp nhưng số bệnh nhân tiêu chảy (do nhiều nguyên nhân khác nhau) đưa vào điều trị tại BV Đà Nẵng đang tăng vọt.
Ăn uống những đồ hàng rong trên bãi biển như thế này rất dễ dẫn đến tiêu chảy cấp! (Ảnh: HC)
Ngày 11/4, bác sĩ Phạm Hùng Chiến, Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng cho hay, đến thời điểm này trên địa bàn TP chưa phát hiện ca bệnh nào dương tính với dịch tiêu chảy cấp, nhưng số bệnh nhân mắc bệnh tiêu chảy do nhiều nguyên nhân khác nhau đang có dấu hiệu tăng vọt.
Một tuần qua, trung bình mỗi ngày có 10 - 12 bệnh nhân phải nhập viện vì tiêu chảy , trong khi thời gian trước đó chỉ một vài ca/ngày.
Theo bác sĩ Phạm Hùng Chiến, tuy chưa xuất hiện dịch tiêu chảy cấp nhưng nguy cơ mắc bệnh này tại Đà Nẵng là rất lớn. Do TP nằm trên trục quốc lộ chính và đường sắt Bắc –
Để chủ động đối phó với dịch tiêu chảy cấp, Trung tâm Y tế dự phòng Đà Nẵng đã lập hai đoàn công tác chuyên trách phòng chống dịch cơ động với nhiệm vụ khoanh vùng lấy mẫu và xử lý chất thải, kiểm tra nồng độ hóa chất trong nguồn nước, đặc biệt là nước cuối nguồn để xử lý nếu phát hiện có những thông số bất thường. Hiện việc giám sát nguồn nước sinh hoạt trên địa bàn đã được tiến hành 1 tuần/lần thay vì 1 tháng/lần như trước đây.
Bác sĩ Trần Văn Nhật, Phó Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng cho biết đã chỉ đạo tất cả các bệnh viện, trung tâm y tế, cơ sở y tế trên địa bàn khi có trường hợp nhập viện nghi nhiễm tiêu chảy cấp phải thực hiện theo quy trình cách ly, giám sát chặt chẽ, lấy mẫu bệnh phẩm... để phát hiện kịp thời và xử lý hiệu quả ngay từ ca bệnh đầu tiên, không để dịch lây lan trên diện rộng.
Ngành y tế Đà Nẵng cũng dự trữ trên 500.000 viên Cloramine B và 1 tấn thuốc bột để sẵn sàng khoanh vùng dập dịch. Đồng thời, chuẩn bị trên 10.000 liều thuốc có thể cứu chữa kịp thời cho 5.000 người nếu dịch phát sinh. Bệnh viện Đà Nẵng đã bố trí sẵn 5 giường bệnh tại Khoa truyền nhiễm để tiếp nhận điều trị cho bệnh nhân. Trong trường hợp có đông bệnh nhân, bệnh viện sẽ bố trí thêm giường bệnh.
Đối với các ca mắc tiêu chảy cấp phát hiện tại địa phương thì tiến hành điều trị tại chỗ, nếu bệnh không giảm mới chuyển về Bệnh viện Đà Nẵng nhằm tránh lây lan và quá tải. Trong trường hợp cần thiết, Bệnh viện Đà Nẵng sẽ điều chuyển thiết bị, máy móc và tổ chức các đội điều trị cơ động để tham gia hỗ trợ về chuyên môn cho các bệnh viện tuyến quận, huyện.
-
Hải Châu