221
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
1052801
16 tỉnh thành "quay cuồng" với tiêu chảy cấp nguy hiểm
1
Article
null
16 tỉnh thành 'quay cuồng' với tiêu chảy cấp nguy hiểm
,

 - Các bệnh viện đông kín bệnh nhân, số tỉnh có người tiêu chảy cấp không ngừng tăng nhanh. Bộ Y tế đã phải tổ chức giao ban các địa phương có người tiêu chảy cấp để cùng tìm ra cách phòng chống hiệu quả.

Gần 1.000 ca tiêu chảy cấp nguy hiểm

“Bản đồ” địa phương mắc tiêu chảy cấp không ngừng mở rộng. Tính đến cuối ngày 9/4, đã có 16 địa phương có bệnh nhân tiêu chảy cấp nguy hiểm tại cả 3 miền Bắc, Trung, Nam.

Tổng số bệnh nhân mắc đã lên tới gần 1.000 ca. 16 tỉnh, thành có bệnh nhân tiêu chảy cấp nguy hiểm gồm Hà Nội, Hà Tây, Hải Phòng, Bắc Ninh, Thanh Hóa, Phú Thọ, Bắc Giang, Nam Định, Hà Nam, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Ninh Bình, Quảng Ninh, Thái Nguyên, TP.HCM và Thái Nguyên.

ccc
Hồ Linh Quang được "thay máu" đề ngăn chặn tiêu chảy cấp. 
Ảnh: Phạm Hải
Các địa phương “kêu” với Bộ

Tại buổi giao ban phòng chống dịch tiêu chảy cấp chiều 9/4, các địa phương đang nóng về dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm đã đưa ra những con số chóng mặt về số ca bệnh cùng với nguy cơ bùng phát của dịch.

Công điện mới nhất của Bộ Y tế ban hành ngày 8/4, yêu cầu các địa phương có dịch cử đoàn công tác xuống tận ổ dịch, khoanh vùng và vệ sinh môi trường, giám sát chặt bệnh nhân tại bệnh viện, tránh trường hợp trốn viện.

Tại khu vực có dịch, xử lý nhà tiêu bằng vôi bột và cloramin B. Các đơn vị có phòng xét nghiệm phẩy khuẩn tả, thực hiện nghiêm túc việc xử lý chất thải bảo đảm an toàn sinh học, tránh lây nhiễm ra cộng đồng.

Đại diện Sở Y tế Hải Phòng, địa phương đứng trong “top” những vùng có số bệnh nhân tiêu chảy cấp báo động, ông Trần Văn Thọ, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết cho biết, tính từ ca bệnh đầu tiên của đợt này đã có 60 ca tiêu chảy cấp thì đến 54 ca tả dương tính.

Tỷ lệ dương tính với phẩy khuẩn tả lên tới 90% cho thấy dịch Hải Phòng diễn ra khá nghiêm trọng. Ngày 9/4, Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng đã ra chỉ thị cấm bán rau sống, mắm tôm, gỏi. Thành phố liên tục thực hiện tổng vệ sinh thứ 6 hàng tuần cho đến khi hết dịch.

Tại Hà Tây, dịch xảy ra trên 25 xã ở 7 huyện với 48 ca tả, nhiều nhất là huyện Thường Tín. Điều rất đáng lo ngại nữa là dọc đoạn sông Nhuệ chảy qua huyện Thường Tín có khoảng 30 hộ gia đình có nhà vệ sinh xả trực tiếp ra sông. Kết quả xét nghiệm cho thấy, nước sông Nhuệ tại đây cũng đã nhiễm vi khuẩn tả. Thế nhưng, hàng ngày người dân vẫn lấy nước từ sông này tưới cho rau.

Đại diện Sở Y tế Thanh Hoá cũng cho tỏ ra lo lắng về nguồn nước, nước ao tại gia đình một số bệnh nhân đã cũng đã nhiễm tả. Cả tỉnh đã có 19 bệnh nhân tả trong số 67 bệnh nhân tiêu chảy xuất hiện từ 26/3 đến nay.

Diễn biến dịch phức tạp hơn mọi lần

TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, trên 319 mẫu rau, thực phẩm được xét nghiệm có 4 mẫu rau sống, rau thơm, rau dền và thịt chó chín nhiễm vi khuẩn tả. Trong 148 mẫu mắm tôm được kiểm tra, tuy không phát hiện vi khuẩn tả nhưng 100% mẫu có Coliforrm và nhiều vi khuẩn khác, không đủ tiêu chuẩn vệ sinh. Tại nhiều ao, hồ, sông, mương, chậu rửa tay... cũng phát hiện vi khuẩn tả.

tieuchay.jpg
Và những ngày gần đây, hình ảnh quá tải bệnh nhân tiêu chảy cấp diễn ra ở hầu hết các bệnh viện Hà Nội. Ảnh: Phạm Hải.


TS Nguyễn Trần Hiển nhận định, tại các vụ dịch xảy ra trong các năm trước bệnh nhân mắc đều từ một vùng nhưng lần này không chỉ một vùng mà từ nhiều nơi, dịch lan nhanh. Chủng vi khuẩn tả xuất hiện trong 3 đợt dịch từ cuối năm 2007 đến nay phân lập được đều là V.Cholerae O1.

Trong khi đó, chủng vi khuẩn ở các vụ dịch năm 2000, 2002, 2004 tại phía Bắc đều là typ El Tor, typ huyết thanh Inaba. Do đó, nhiều khả năng, vi khuẩn tả hiện nay là do xâm nhập từ bên ngoài. Do đó, Bộ Y tế đã đề nghị Tổ chức Y tế Thế giới cung cấp thông tin về các typ vi khuẩn tả xuất hiện tại một số quốc gia láng giềng để VN đối chiếu, tìm ra nguồn.

Một lần nữa, PGS.TS Trần Đáng, Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm lại lên tiếng về thực phẩm mất vệ sinh và thói quen ăn uống khiến dịch bệnh lây lan nhanh: ‘’Hiện chúng ta chưa quản lý được nguồn chứa vi khuẩn tả, chưa xử lý triệt để nguồn phân và chất thải của bệnh nhân.; chưa loại bỏ được thói quen sử dụng phân tươi tưới rau tại nhiều địa phương miền bắc và sử dụng nước hồ, cống, rãnh để vẩy rau cho tươi. Sẽ cực kỳ khó lường nếu nguồn phân, nước đó đã nhiễm vi khuẩn tả".

Kết thúc buổi giao ban, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu nhận định, dịch tiêu chảy cấp đang diễn biến phức tạp. Các địa phương cần phải huy động cả hệ thống vào cuộc để nhanh chóng dập được dịch. Đẩy mạnh việc tuyên truyền cho người dân về an toàn vệ sinh thực phẩm và vệ sinh môi trường.

"Đối với các ổ dịch cần phải được khoanh vùng, xử lý triệt để bằng hoá chất. Không được tiếc hoá chất phòng chống dịch, tốn kém cũng phải làm, phải xử lý cho sạch vi khuẩn tả" - Bộ trưởng Triệu chỉ đạo.

Ngày 9/4, chủ trì Hội nghị toàn quốc về vệ sinh an toàn thực phẩm lần II, phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu các tỉnh/thành phố cần nhanh chóng bao vây, dập tắt dịch tiêu chảy cấp, đặc biệt là tuyên truyền người dân những biện pháp phòng chống tả đơn giản nhưng hiệu quả "Ăn chín, uống sôi, rửa tay sạch sẽ".

 

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, dịch tiêu chảy cấp đang có chiều hướng tăng nhanh. Các ngành chức năng phải giám sát chặt chẽ dịch bệnh, sẵn sàng cấp cứu, không để xảy ra tử vong do tiêu chảy cấp nguy hiểm. 16 tỉnh thành đang có dịch tiêu chảy cấp phải sử dụng tất cả các biện pháp cần thiết để chống dich, coi đây là việc quan trọng nhất trong giai đoạn này.

 

Liên quan đến vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, sau khi đưa ra những chỉ đạo cụ thể cho từng ngành, Phó Thủ tướng chỉ đạo tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm đã xảy ra nhiều và ngày càng trầm trọng. Thời gian qua, xử lý các vụ việc vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm còn nhẹ, chưa kiến quyết. Do đó, nếu cần thiết cần xử lý trách nhiệm hình sự liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm.

  • Lệ Hà
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,
,
,
,