221
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
1051177
Dân điêu đứng, tư thương vẫn kiếm lợi
1
Article
null
Dịch "tai xanh" ở Hà Tĩnh:
Dân điêu đứng, tư thương vẫn kiếm lợi
,

 - Sau 6 ngày công bố, dịch lợn tai xanh không những được ngăn chặn mà còn bùng phát mạnh mẽ trên địa bàn Hà Tĩnh. Trong khi những người nông dân dang điêu đứng vì nạn dịch thì các lái thương vẫn tiếp tục lộng hành kiếm lợi, còn chính quyền cơ sở vẫn chưa đủ quyết liệt để ngăn chặn dịch bệnh.

 

 Dân cầu cho dịch bệnh qua mau

 

Tính đến ngày 4/4, tại Hà Tĩnh đã có trên 16 xã (Cẩm Xuyên, Thạch Hà và thành phố Hà Tĩnh) có đàn lợn bị nhiễm dịch tai xanh. Bên cạnh những hố tiêu huỷ gia súc, hàng trăm người nông dân đáng thương không kìm được nước mắt. Bao nhiêu công sức và hy vọng của họ đã bị chôn vùi cùng nạn dịch.Trong khi đó, chính sách hỗ trợ cũng không thấm tháp gì so với những thiệt hại to lớn của người dân.

 

Mô tả ảnh.
Tiêu huỷ số lợn dịch đã bắt giữ trong đêm 3/4.
Chị Nguyễn Thị Hoa (Xóm Trung Trạm - Cẩm Bình - Cẩm Xuyên) kể với chúng tôi trong nỗi xót xa "33 con lợn của tôi trị giá 40 triệu đồng phút chốc tan biến thì thử hỏi sao mà chịu nổi. Ba đứa con đang ở tuổi ăn học và mọi chi tiêu đều trông chờ vào cả đó. Sau đợt rét hạn, gia đình tôi đã mất 6 sào ruộng. Bây giờ thì lại mất luôn đàn lợn. Giá cả thì cứ leo thang, trong nhà cũng không còn tiền để mua phân đạm. Lợn chết hết rồi nên cũng không có phân chuồng mà bón ruộng. Tiền vay ngân hàng gần 30 triệu chưa trả được đồng nào nên muốn vay thêm để nuôi con cái học hành cũng chịu".

 

Mô tả ảnh.
Chị vận bên đứa con gái tội nghiệp.
Đáng thương hơn là trường hợp của chị Nguyễn Thị Vận (xóm Đông Thái, Cẩm Bình). Khi chúng tôi đến thì cũng là lúc chị vừa "đưa tiễn" con lợn mạ nặng 3,2 tạ đi tiêu huỷ về.

 

Nghẹn ngào trong nước mắt chị kể: "Tôi không có chồng, được một đứa con gái thì không may bị u não, mờ cả hai mắt. Tôi đã vay mượn để chữa trị cho cháu nhiều nơi, hết 60 triệu rồi nhưng vẫn không ăn thua gì. Tất cả trông vào đàn lợn để có thể tiếp tục chữa trị cho cháu nhưng rồi "tai hoạ" ập đến. Toàn bộ đàn lợn trị giá khoảng 20 triệu mất rồi, giờ chỉ còn trắng tay...".

 

Với mức hỗ trợ 10.000đồng/kg thịt hơi trong khi giá thị trường là gần 40.000đồng/kg, nhiều gia đình đã trở thành tay trắng vì số tiền đó cũng chỉ đủ cho họ trả bớt một phần vay nợ để đầu tư vào chăn nuôi.

 

Không ít gia đình do lợn chết trước khi công bố dịch nên phải chấp nhận không được đền bù. 

 

Ông Nguyễn Đình Thành (Xóm Đông Thái, Cẩm Bình), cho biết: "Gia đình tôi có 10 con lợn chết trước khi công bố dịch nên cũng đành chịu mất trắng. Tôi hoàn toàn tự nguyện để cho kiểm dịch tiêu huỷ đàn lợn bệnh và cầu trời cầu đất cho dịch lợn chóng qua, để gia đình lại có thể tái chăn nuôi để kiếm thêm thu nhập!".

 

Mô tả ảnh.
Đau đớn tự tay mình dí điện cho lợn chết để tiêu huỷ.
Và cũng không ít người dân do không đành lòng tiêu huỷ số tài sản lớn nên bất chấp lén lút bán lơn tạo điều kiện cho tư thương hoành hành, bệnh dịch lây lan.

 

Ngang tàng những tay lái lợn

 

Trong khi người dân đang khốn đốn vì dịch bệnh, nhiều tư thương đã lợi dụng sự hoang mang của người dân và sự thiếu quyết liệt của chính quyền cơ sở để thu gom lợn trong vùng có dịch tẩu tán ra ngoài.

23h ngày 1/4, lực lượng thú y huyện Cẩm Xuyên và nhân dân xã Cẩm Bình phát hiện và đuổi bắt chiếc xe tải mang biển kiểm soát Lào do Tạ Công Minh ở Quảng Bình điều khiển chở 37 con lợn. Theo đối tượng Tạ Công Minh, số lợn trên được mua ở xã Thạch Hội (huyện Thạch Hà)- xã đang xảy ra dịch bệnh tai xanh ở lợn.

Sự việc xảy ra nhưng các chốt kiểm dịch tại Thạch Hà vẫn không hay biết. Lãnh đạo huyện Thạch Hà vẫn không công nhận đó là số lợn chuyển đi từ địa phương mình cho đến lúc Minh khai rõ sự việc trước cơ quan điều tra.

20h ngày 3/4, ô tô mang biển số 38H-9762 chở 31 con lợn từ vùng có dịch lợn tai xanh, tổng trọng lượng khoảng hơn 2 tấn, đã lao thẳng vào lực lượng kiểm tra liên ngành tại chốt chặn Cẩm Minh, huyện Cẩm Xuyên, để thoát sang vùng không có dịch.

Lực lượng liên ngành đã tiến hành truy đuổi. Biết không thể thoát khỏi sự truy đuổi của lực lượng chức năng nên chủ xe chạy về nhà, phóng thả đàn lợn vào chuồng để tẩu tán dấu vết và tập trung rất đông thanh niên trong xóm cản trở, đe dọa, thậm chí đòi hành hung một cảnh sát trong tổ liên ngành. 

Theo lời khai của chủ hàng Ngô Văn Tường (Xóm 7, Kỳ Phong, Kỳ Anh) thì chuyến hàng trên đã được mua từ thời điểm 23/3 tại Thạch Lưu, Thạch Hà và bây giờ đang tìm cách tiêu thụ. Những con lợn trên đã rong ruổi một lần sang đến Quảng Bình nhưng bị lực lượng kiểm dịch Quảng Bình xử lý và bắt quay trở lại. Sau đó chúng lại tiếp tục cuộc hành trình ra Bắc để đưa sang Trung Quốc nhưng giữa đường phải quay về do xe chưa có giấy tờ (?).

Mô tả ảnh.
Người dân tự nguyện đem lợn đi tiêu huỷ.
Nếu lời khai trên là đúng sự thật thì chiếc xe trên đã đi qua hai vùng dịch LMLM ở Kỳ Anh và Lợn tai xanh ở Cẩm Xuyên và vượt qua nhiều trạm, chốt kiểm dịch tại Hà Tĩnh (!?)

Được biết, với một tờ giấy chứng nhận kiểm dịch động vật chuyển ra ngoài tỉnh cho 45 con lợn mua tại Thạch Hà, cấp từ ngày 29/3, thời hạn đến ngày 30/3 (chủ hàng tự ý chữa lại thành ngày 31/3), lái thương Ngô Văn Tường đã thanh minh là mình muốn bán số lợn trên để cứu vốn (?).

Điều đáng nói, chiếc xe chở gia súc lưu hành trên 2 vùng dịch đó lại không cánh mà bay sau khi xảy ra sự việc. Được hỏi về vụ việc này, ông Lê Văn Lương - Trưởng đoàn liên ngành của huyện thì "đổ" cho tỉnh có trách nhiệm giữ xe, còn huyện và xã chỉ được giữ gia súc. Trong khi đó, theo quy định của UBND tỉnh thì mọi phương tiện phục vụ việc vận chuyển đều buộc phải thu giữ chờ xử lý vì đây là phương tiện vi phạm và là một nguồn lây nhiễm bệnh.

Sự tắc trách, thiếu chặt chẽ nghiêm túc của các chốt kiểm dịch đã tiếp tay cho thương lái lộng hành. Cộng thêm tâm lý của nhiều người dân muốn cứu vốn đã lén lút bán tháo gia súc càng làm cho tình hình dịch bệnh trở nên khó kiểm soát.

Trao đổi với chúng tôi, ông Pham Thanh Bình - Quyền Chi Cục trưởng Cục Thú y Hà Tĩnh cho biết: “Đây là một dịch bệnh nguy hiểm, sức bùng phát hết sức mạnh mẽ nên mặc dù chúng tôi đã cố gắng hết sức nhưng vẫn không tài nào khống chế được dịch bệnh".

 

Mặc dù dịch "tai xanh" ở Hà Tĩnh được công bố chậm tới cả tháng trời, nhưng theo ông Bình: "Với chức năng là cơ quan tham mưu cho Sở Nông nghiệp và UBND tỉnh, Chi Cục thú y đã hoàn thành tốt nhiệm vụ. Còn việc dịch bệnh thường xuyên bùng phát trên địa bàn của tỉnh là do ý thức của ngườu dân quá kém và trình độ của cán bộ thú y huyện và xã là chưa đạt yêu cầu. Sắp tới chúng tôi sẽ có kiến nghị yêu cầu xử lí những cán bộ thiếu tinh thần trách nhiệm trong chuyện này”.

Ông Bình nói thêm: "Cục thú y đã có công văn chỉ đạo đây là loại dịch bệnh loại mạnh nên không chữa trị mà cần tiêu huỷ ngay. Tuy nhiên, hiện nay theo thông tin mà chúng tôi nhận được có một số công ty thuốc thú y đã tự động mở hội thảo và trực tiếp liên hệ với nhiều hộ có dịch bệnh để bán thuốc và nhiều gia đình đã rơi vào tình trạng tiền mất tật mang”.

 "Sẽ xem xét và xử lý các cá nhân, đơn vị thiếu trách nhiệm!" 

Để tìm hiểu rõ hơn tình hình dịch bệnh, PV VietNamNet đã có buổi tiếp xúc với ông Trần Minh Kỳ - Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh.

- Thưa ông, tỉnh Hà Tĩnh đã tiến hành triển khai công tác phòng chống dịch như thế nào?

- Ông Trần Minh KỲ: UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương thành lập các chốt kiểm dịch, khoanh vùng dịch, tiến hành các biện pháp tiêu độc khử trùng, tiêu huỷ các đàn gia súc bị bệnh, tuyên truyền cho người dân tính chất nguy hiểm của dịch bệnh. Chúng tôi kiên quyết xử lý các đối tượng cố tình vận chuyển gia súc ra khỏi vùng dịch, tịch thu tang vật và phương tiện để xử lý.

Mô tả ảnh.
Người dân đang bán tháo lợn ở Cẩm Bình, Cẩm Xuyên.
- Theo ông, mức hỗ trợ cho người dân như thế đã thoả đáng chưa khi giá cả thị trường đang tăng đột biến?

- UBND tỉnh hiểu được những thắc mắc, lo lắng của người dân nhưng ngân sách tỉnh vẫn chưa đủ để hỗ trợ thêm nên tiếp tục hỗ trợ theo mức quy định của Chính phủ theo Quyết định Số 1037/QĐ-CP. Tỉnh sẽ xem xét và trình Chính phủ xem xét mức hỗ trợ thêm cho bà con.

- Bao giờ Hà Tĩnh có thể khống chế được dịch bệnh?

- Hiện các cấp các ngành liên quan đang có gắng bao vây dịch bệnh và theo quy định thì trong 21 ngày sẽ cố gắng không để dịch không lây lan thêm. Thời điểm khống chế dịch thì không thể nói trước được vì đây là một dịch bệnh mới, phức tạp, đội ngũ cán bộ thực hiện phòng chống dịch vẫn chưa hiểu nhiều về dịch.

- UBND tỉnh có biện pháp xử lý như thế nào đối với các địa phương báo dịch chậm trễ, để người dân phát tán dịch và hệ thống ngành thú y tại cơ sở?

- Trước mắt, UBND tỉnh chỉ đạo việc khống chế dịch bệnh là ưu tiên hàng đầu. Sau đó, sẽ tiến hành xem xét trách nhiệm của UBND các xã, huyện, và hệ thống thú y tại cơ sở để đưa ra hình thức kỷ luật. Hiện phải cần cần nhiều cán bộ để tiến hành khống chế dịch nên việc truy cứu trách nhiệm đành để xem xét sau.

- Xin cảm ơn ông!

Bài và ảnh: Song Tuấn - Hà Vy
Ý kiến độc giả

 
 

 

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,
;