- Trung bình mỗi ngày Viện Các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới quốc gia tiếp nhận trên 20 ca tiêu chảy cấp nguy hiểm. Tình trạng quá tải bệnh nhân lại xảy ra tại đây.
Bệnh nhân tiêu chảy cấp nằm ở sát cửa ra vào gần cầu thang. Ảnh: L.Hà |
Theo ghi nhận của phóng viên, chiều 1/4, có mặt tại Viện Các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới quốc gia có khá đông bệnh nhân mắc tiêu chảy cấp nguy hiểm phải nhập viện. Hành lang cũng trở thành... phòng điều trị của bệnh nhân. Bất cứ nơi nào thoáng mát đều có thể kê giường cho bệnh nhân.
Do một lượng lớn bệnh nhân cũ chưa ra viện, lại liên tiếp có bệnh nhân mới nhập viện, các bác sĩ ở đây phải quay cuồng thay nhau "trực chiến". BS Minh Hà, Viện Các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới quốc gia cho biết: "Suốt từ sáng đến giờ bệnh nhân quá đông, bác sĩ làm việc thông trưa không có thời gian nghỉ ngơi".
Hành lang cũng trở thành nơi kê giường bệnh. Ảnh: L.Hà |
Tính đến chiều 1/4, Viện đã trong tình trạng quá tải với khoảng gần 100 bệnh nhân nằm viện, một số bệnh nhân vẫn còn phải nằm điều trị ở ngoài hành lang buồng bệnh. Một bác sĩ cho biết, tại Viện này đông nhất vẫn là những ngày đầu tuần, do dịp cuối tuần nhiều người tham gia các buổi liên hoan, đám cưới nên lượng người mắc dấu hiệu tiêu chảy nhiều hơn. Cũng theo bác sĩ này, số người nhập viện thời điểm này không kém là bao so với thời gian bùng phát dịch năm ngoái.
Theo điều tra dịch tễ, hầu hết các bệnh nhân mắc tiêu chảy đều do ăn uống không đảm bảo vệ sinh, đặc biệt là ăn rau sống và thịt chó. Bệnh nhân chủ yếu đến từ các quận, huyện của Hà Nội, trong đó có cả những bệnh nhân từ quận Thanh Xuân và Hoàng Mai, những nơi đã được uống vaccine tả.
Hiện Viện Các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới quốc gia đã gửi các mẫu sang Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương để xét nghiệm.
Hà Nội đang là địa phương dẫn đầu về số ca mắc tiêu chảy cấp nguy hiểm. Ngày 1/4, ông Đỗ Lê Huấn, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, cho biết, đến ngày 1/4 đã có 200 ca tiêu chảy ghi nhận trong tháng 3. Con số 29 bệnh nhân dương tính với phẩy khuẩn tả ở Hà Nội được Bộ Y tế chính thức thông báo là chỉ tính đến ngày 24/3.
Các bệnh nhân tiêu chảy cấp nguy hiểm không chỉ còn khu trú ở quận Hoàng Mai và Thanh Xuân - từng là điểm nóng đợt dịch tả hồi tháng 11/2007 – mà đã lan ra 8 quận/huyện: Hoàng Mai (6 ca), Hai Bà Trưng (5 ca), Đống Đa (6 ca), Ba Đình (4 ca), Long Biên (2 ca), Hoàn Kiếm (4 ca), Cầu Giấy (1 ca), huyện Từ Liêm (1 ca)…
Nhiều Bệnh viện khác như Xanh Pôn, Thanh Nhàn, Bạch Mai cũng tiếp nhận các bệnh nhân tiêu chảy.
Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội đã lấy hơn 170 mẫu thịt chó, mắm tôm, rau sống, nước sinh hoạt, nước rửa tay tìm vi khuẩn tả. Hiện đã có một số mẫu nước bề mặt được xác định là có vi khuẩn tả.
Cấm sử dụng phân tươi bón rau
Trước diễn biến phức tạp của dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm, ngày 1/4, Thứ trưởng Bộ Y tế Trịnh Quân Huấn đã ký công điện khẩn gửi chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố đề nghị chỉ đạo ngành y tế và các ban, ngành liên quan ở địa phương khẩn cấp thực hiện các biện pháp đối phó với dịch bệnh trong mùa hè.
Quá tải bệnh nhân tiêu chảy cấp tại Viện Các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới quốc gia. Ảnh: L.Hà |
Các cơ sở điều trị chuẩn bị đủ dịch truyền, thuốc để điều trị cho bệnh nhân, tuyệt đối không để xảy ra trường hợp tử vong. Nghiêm cấm việc sử dụng phân tươi bón cho rau vì đây là nguồn nhiễm bẩn và là nguồn lây nhiễm phẩy khuẩn tả.
-
Lệ Hà