- Chiều 31/3, TS Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng và Môi trường (Bộ Y tế) đã khẳng định với VietNamNet, ca tử vong tại Thanh Hóa không phải do tiêu chảy cấp.
Tiêu chảy cấp nguy hiểm do ăn uống mất vệ sinh. Ảnh: L.Hà |
Trao đổi qua điện thoại với phóng viên, ông Hà Đình Ngư, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh Thanh Hóa cũng khẳng định, đó là ông Hoàng Văn Lũy (67 tuổi, ở xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Lộc), bị tử vong vào ngày 26/3. Đoàn kiểm tra đã xuống tận địa phương xác minh tình hình. Theo đó, ngày 24/3 ông Lũy có ăn cưới ở gia đình ông Nguyễn Vĩnh Sơn. Tuy nhiên, khi gia đình phát hiện và đưa ông Lũy đi cấp cứu thì không có biểu hiện của tiêu chảy cấp.
Ông Hà Đình Ngư cho biết, nơi ông Lũy sinh sống là vùng đồi núi, xa xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Lộc. Nếu đi bộ vào nơi ông Lũy ở cũng mất 45 phút. Ngày 26/3, gia đình vào núi gọi ông Lũy về đám ma người thân thì thấy ông đang vật vã, đau đớn với biểu hiện của trụy tim mạch. Ngay lập tức gia đình đưa ông Lũy đến trạm y tế địa phương rồi chuyển về Bệnh viện huyện Vĩnh Lộc cấp cứu. Tuy nhiên, đến rạng sáng 27/3 ông Lũy đã tử vong.
’’Theo điều tra của Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh Thanh Hóa, bệnh nhân Lũy tử vong không liên quan đến tiêu chảy cấp nguy hiểm’’, ông Hà Đình Ngư khẳng định.
Tại Thanh Hóa, từ ngày 25/3, dịch tiêu chảy cấp đã xuất hiện ở Hoằng Hóa, Vĩnh Lộc, Hậu Lộc và TP Thanh Hóa với tổng số 51 bệnh nhân mắc tiêu chảy cấp nguy hiểm, trong đó 6 ca dương tính với phẩy khuẩn tả.
Tại Nam Định, bà Đặng Thị Minh, Giám đốc Sở Y tế Nam Định xác nhận tỉnh này có 3 bệnh nhân tiêu chảy cấp nguy hiểm, trong đó 2 người bị từ khi ở Hà Nội. Trường hợp mắc tại địa phương là bà Nguyễn Thị Yêu 50 tuổi. Theo điều tra dịch tễ, bà Yêu có ăn cà chua, cá khô, chân giò nấu giả cầy với mắm tôm nhưng không ăn rau sống. Hiện bệnh nhân Yêu đang điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Nam Định.
Bộ Y tế cũng xác nhận thêm Thanh Hóa, Phú Thọ, Nam Định, Bắc Giang có bệnh nhân tiêu chảy cấp nguy hiểm, nâng tổng số tỉnh thành có dịch từ đầu tháng 3 đến nay là 8 địa phương, bao gồm Hà Tây, Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Thanh Hóa, Phú Thọ, Bắc Giang, Nam Định. Hiện Hà Nội là địa phương có số ca mắc đông nhất với 60 ca, trong đó 29 trường hợp xét nghiệm dương tính với phẩy khuẩn tả.
Theo nhận định của Cục Y tế Dự phòng và Môi trường (Bộ Y tế) hiện vi khuẩn tả có trong nhiều mẫu nước bề mặt (sông, hồ, ao) ở Hà Nội, Hà Tây, Thanh Hóa, trong rau sống, trong nước rửa rau ở quán ăn...
Do đó, vào ngày 1/4, Bộ Y tế sẽ có công điện khẩn gửi các địa phương, đề nghị khẩn trương phòng chống dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm. Bên cạnh việc vệ sinh môi trường, yêu cầu người dân không dùng nước ao hồ rửa rau, rửa thực phẩm, tránh lây nhiễm vi khuẩn tả.
-
Lệ Hà