Thống kê chưa đầy đủ của Công ty TNHH xử lý chất thải Hòa Bình (đơn vị hợp pháp duy nhất tiếp nhận xử lý chất thải hầm cầu tại thành phố) cho thấy, gần 90% tài xế xe rút hầm cầu không tập trung đổ tại nhà máy tiếp nhận.
Xử lý chất thải hầm cầu tại TP.HCM. (Ảnh: Trần Duy). |
Thay vào đó, tài xế dùng mọi “xảo thuật” như thiết kế loại xe bố trí vòi xả dưới gầm xe để xả chất thải hầm cầu vào hệ thống cống thoát nước, kênh rạch và ao rau muống. Điều này đặc biệt nguy hiểm vì tại một số địa phương trên cả nước, đang bùng phát dịch tiêu chảy cấp.
Trước đây, Trung tâm Y tế dự phòng (TT YTDP) TP.HCM đã nhiều lần cảnh báo việc các xe chuyên chở phân hầm cầu tuôn đổ xuống ao cá, sông rạch, ao rau muống có khả năng làm phát tán mầm bệnh gây dịch nguy hiểm cho cộng đồng dân cư thành phố.
TT YTDP cho biết chất thải hầm cầu là một loại chất thải đặc biệt chứa nhiều mầm bệnh (tiêu chảy, tả, lị, trực khuẩn, thương hàn, viêm gan siêu vi, bại liệt và kí sinh trùng đường ruột). Tuy nhiên, số vụ bắt quả tang xe rút hầm cầu đổ bậy khá hiếm hoi.
TIN LIÊN QUAN
Trong khi đó, Nhà máy Hòa Bình - nơi tiếp nhận chất thải hầm cầu với công suất 500 m3/ngày đảm bảo xử lý tất cả bùn hầm cầu cho toàn thành phố thải ra hàng ngày lại đang “ế”.
Trước đó, ngay khi vừa đưa nhà máy vào hoạt động, để khuyến khích lái xe rút hầm cầu có ý thức về việc đổ bùn hầm cầu tại nhà máy, Công ty Hòa Bình đã không thu tiền xử lý chất thải hầm cầu. Công ty Hòa Bình cũng cam kết cố gắng tiếp tục duy trì việc không thu tiền xử lý thêm một thời gian dài nữa tuy nhiên lượng xe rút hầm cầu vào bãi chỉ chừng 20-25 xe/ngày.
Qua tìm hiểu, PV VietNamNet được biết, sở dĩ cánh lái xe rút hầm cầu không đánh xe vào bãi tiếp nhận mà đổ bậy ngoài đường vì quãng đường đến bãi rác Đa Phước (huyện Bình Chánh) nằm xa trung tâm thành phố. Vì muốn tiết kiệm chi phí xăng dầu, lái xe không ngần ngại trút bỏ chất thải hầm cầu bất cứ nơi đâu có thể.
Ông Lê Tiến Dũng, Giám đốc Công ty Hòa Bình cho biết, để quản lý các xe rút hầm cầu tránh tình trạng đổ bậy, sắp tới, sau khi xe rút hầm cầu đổ bùn tại nhà máy xong, công ty sẽ bấm niêm chì (có logo, mã số vạch, số thứ tự) vào ngăn nắp xả ở đuôi xe.
Nếu các xe bị bứt niêm phong chì, tức là xe đổ bậy chất thải ra môi trường. Lúc đó, công ty sẽ thanh lý hợp đồng chuyển giao chất thải. “Tuy nhiên, phải có sự hỗ trợ của cơ quan chức năng, cụ thể là Sở Tài nguyên Môi trường, nếu không một mình công ty chúng tôi làm không nổi”- ông Dũng nói.
-
Trần Duy