- Theo số liệu khảo sát của Bệnh viện Chợ Rẫy, gần đây, số nạn nhân đi bộ và xe đạp điện bị TNGT gia tăng đột biến. Trong lúc đó, tình hình ùn tắc giao thông và TNGT tại TP.HCM vẫn diễn biến phức tạp.
Giải pháp chưa căn cơ
“Các giải pháp về kéo giảm ùn tắc giao thông và tai nạn giao thông (TNGT) chưa đem lại kết quả căn cơ, vững chắc. Nhìn chung, trong 3 tháng đầu năm, số vụ, số người chết do TNGT tăng cao so với năm ngoái. Về lâu dài, giải quyết vấn đề an toàn giao thông cho thành phố hết sức khó khăn vì ùn tắc, kẹt xe có thể xảy ra bất cứ lúc nào” - Thượng tá Phạm Văn Thịnh, Trưởng Phòng CSGT Đường bộ Công an TP.HCM nhìn nhận trong Hội nghị sơ kết bảo đảm trật tự an toàn giao thông được tổ chức sáng 21/3.
TIN LIÊN QUAN
Thượng tá Thịnh cho biết, theo kết quả khảo sát của Phòng CSGT, thành phố có 52 điểm đen thường xuyên xảy ra TNGT, 128 giao lộ phức tạp gây ùn tắc kẹt xe và trong 1.276 giao lộ có 256 chốt giao lộ có nguy cơ gây ùn tắc, kẹt xe.
Ở 5 quận, huyện cửa ngõ thành phố như Bình Chánh, Bình Tân, Thủ Đức, Củ Chi, Q.2, TNGT vẫn xảy ra ở mức cao. Xe dù vẫn lộng hành trên các tuyến quốc lộ, giành giật khách, gây bức xúc cho người đi đường và làm ùn tắc giao thông.
Trong khi đó, số lượng phương tiện tham gia giao thông tại thành phố không ngừng tăng cao. Chỉ trong 3 tháng đầu năm 2008, thành phố có gần 9.000 xe ô tô và trên 48.000 xe mô tô, gắn máy. Nếu tính theo tỉ lệ, bình quân, mỗi người dân TP.HCM sở hữu hai xe gắn máy.
Ông Lê Hoàng Quân, Chủ tịch UBND TP.HCM kiêm Trưởng Ban An toàn giao thông thành phố cho biết, so với diện tích mặt đường, mật độ ôtô, môtô, gắn máy tại thành phố quá cao có thể xếp kín mặt đường.
“Nếu tính bình quân, mỗi xe chỉ có 0,27cm đường để chạy. Tính ra, xe gắn máy hai bánh của 64 tỉnh, thành đều có mặt trên đường phố tại TP.HCM. Không có chính phủ nào có thể làm gì với mật độ xe cộ như vậy” - ông Quân nhận xét.
Đội MBH vẫn bị chấn thương sọ não
Thêm vào đó, nhiều đại biểu tỏ ra bức xúc vì các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông chiếm dụng gần hết diện tích mặt đường. Bên ngoài, người dân phải chen chúc nhau từng chút một để lưu thông trong khi bên trong không hề thấy nhà thầu triển khai thi công.
Con số được đại diện Bệnh viện Chợ Rẫy (nơi tiếp nhận phần lớn các ca bệnh liên quan đến TNGT) đưa ra khiến các đại biểu tại hội nghị phải “giật mình”.
Ùn tắc giao thông và TNGT tại TP.HCM hiện là vấn đề nan giải. (Ảnh: Trần Duy). |
Theo đó, thời gian gần đây, số vụ TNGT liên quan đến người đi bộ và người điều khiển xe đạp điện tăng đột biến (tăng 7%). “Phải trả lại lòng, lề đường cho người đi bộ và phải xem xét tính nghiêm túc, tính an toàn của loại xe đạp điện. Đồng thời phải kiểm soát chất lượng mũ bảo hiểm vì có nhiều trường hợp, nạn nhân đội mũ bảo hiểm vẫn bị chấn thương sọ não” - đại diện Bệnh viện Chợ Rẫy nói.
Các đại biểu cũng quan ngại vì tình trạng biến tướng của mũ bảo hiểm trong thời gian gần đây. Nhiều ý kiến tại hội nghị cho rằng trong thời gian tới, CSGT phải nhắc nhở và xử lý nghiêm những trường hợp đội mũ bảo hiểm không đúng chủng loại, sai quy cách, đầy màu sắc, “hoa hòe, hoa sói”.
Đi xe đạp điện phải đội MBH?
Thượng tá Ngô Minh Châu, Phó Giám đốc Công an TP.HCM cho rằng, CSGT vẫn chưa xử lý hết các lỗi vi phạm an toàn giao thông. Nhiều lỗi diễn ra nhưng chưa được CSGT phát hiện…
Thượng tá Châu cho biết, công an thành phố đã chỉ đạo CSGT tăng chỉ tiêu số vụ lập biên bản lên 30%. Đặc biệt, chú trọng đến các lỗi là nguyên nhân trực tiếp gây ra TNGT như người bộ hành leo qua dãy phân cách, người điều khiển phương tiện giao thông uống bia rượu, lấn tuyến…
“Những vụ TNGT nghiêm trọng nếu xét thấy có yếu tố hình sự phải cương quyết xử lý” - Thượng tá Châu khẳng định. Cũng theo ông Châu, công an thành phố sẽ bổ sung thêm 100 camera và tăng cường biện pháp xử phạt qua hình ảnh để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật giao thông của người dân.
Theo thông tin từ công an thành phố, trong tháng 4, lực lượng dân quân tự vệ sẽ cùng với lực lượng thanh niên xung phong và CSGT tham gia điều phối giao thông tại các giao lộ. Trước mắt, mỗi ngày, dân quân tự vệ sẽ làm việc 331 ca tại 141 chốt. Lực lượng này sẽ rải đều trên địa bàn 21 quận, huyện, phối hợp với CSGT để điều phối giao thông. Tuy nhiên, lực lượng này không được mang súng và không có quyền xử phạt đối với người vi phạm giao thông.
Chủ trì cuộc họp, ông Lê Hoàng Quân yêu cầu xem xét trách nhiệm của trưởng trạm, ban lãnh đạo trạm, chiến sĩ CSGT để xảy ra TNGT trên các cung đường huyết mạch. Đối với những quận, huyện để xảy ra nhiều vụ TNGT, ông Quân nói phải cắt thi đua, khen thưởng.
“Sở Khoa học công nghệ, Sở Thương mại phải thường xuyên kiểm tra chất lượng mũ bảo hiểm. Các cơ quan chức năng nên xem xét và đề xuất với UBND thành phố có nên bắt buộc người sử dụng xe đạp điện đội mũ bảo hiểm hay không” - ông Quân chỉ đạo.
Bên lề cuộc họp sơ kết công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông, ông Lê Hoàng Quân, Chủ tịch UBND TP.HCM yêu cầu Công an TP.HCM phải xử lý nghiêm vụ TNGT nghiêm trọng do ca sĩ Trí Hải gây ra làm chết 2 người và bị thương một số người khác. “Dù là ca sĩ hay làm gì đi chăng nữa cũng phải xử lý” - ông Quân nói.
Đồng thời, ông Quân cũng chỉ đạo Công an TP.HCM nhanh chóng xác minh làm rõ chủ nhân chiếc xe Mercedes CLS 500 gắn biển số của UBND TP.HCM diễu hành “giật le” trên các con đường trung tâm thành phố. Ông Quân khẳng định, UBND TP.HCM chưa bao giờ sở hữu chiếc xe trị giá hàng tỉ đồng như chiếc Mercedes CLS 500 nói trên. Theo ông Quân, hành vi mạo danh bằng cách gắn biển số xanh xe UBND TP.HCM để “giật le” của chủ nhân chiếc CLS 500 làm ảnh hưởng đến uy tín của UBND thành phố và cần phải được xử lý nghiêm khắc. |
- Trần Duy