Dự án Luật Giao thông đường bộ (GTĐB) sửa đổi đang được lấy ý kiến và sẽ được trình Quốc hội thông qua vào cuối năm nay. Trong đó có đưa ra vấn đề mới là cấm hoàn toàn việc sử dụng rượu và các chất kích thích khác trước và trong khi điều khiển xe.
Có mùi rượu là phạt!
Theo thượng tá Phạm Văn Thịnh, Trưởng phòng CSGT đường bộ, Công an TP.HCM, tùy theo cơ địa, thể trạng của từng người ở từng thời điểm mà lượng rượu, bia được tiếp nhận vào trong người nhiều hay ít có thể dẫn đến say xỉn, mất tỉnh táo.
Chỉ cần ra khỏi quán bia trên xe máy, bạn có thể sẽ bị phạt. Ảnh: Pháp luật TPHCM |
Máy đo nồng độ rượu không chính xác
Theo Luật GTĐB, cấm người lái xe đang điều khiển xe trên đường mà trong máu có nồng độ cồn vượt quá 80 mg/100 ml máu hoặc 40 mg/lít khí thở.
Quy định này có nhiều bất cập khi thực hiện. Thiếu tá Đặng Thế Trung, Phó Trưởng phòng CSGT đường bộ, Công an tỉnh Đồng Nai, cho biết các loại máy, giấy quỳ dùng để đo nồng độ rượu rất bất tiện và không cho ra chỉ số chính xác.
Nhiều trường hợp đo được nồng độ rượu trong hơi thở người lái xe chưa vượt quá 40 mg/lít khí thở theo quy định của Luật GTĐB nên CSGT không thể xử phạt được dù người lái xe đã say mèm.
Theo thiếu tá Phạm Văn Xị, Đội trưởng Đội CSGT số 4 (TP.HCM), khi tuần tra trên đường, không thể có bác sĩ, kỹ thuật viên y khoa đi cùng để thử máu người lái xe. Việc đưa người lái xe vào bệnh viện kiểm tra rất nhiêu khê và mất thời gian. Vì vậy, cách dựa vào mùi để phát hiện người lái xe uống rượu, bia sẽ giúp CSGT thuận lợi hơn trong xử phạt người vi phạm.
Trừ điểm bằng lái xe?
Dự luật đưa ra vấn đề phải quản lý người vi phạm luật giao thông, trong đó có người say. Đây là vấn đề hoàn toàn mới nên có nhiều ý kiến khác nhau. Có ý kiến cho rằng không thể quản lý người vi phạm vì nó không phù hợp với Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính.
Người vi phạm đã thi hành xong quyết định xử phạt mà không tái phạm trong một năm thì được coi như là chưa vi phạm. Mặt khác, nếu quản lý theo cách trên thì CSGT các tỉnh, thành phố phải thống kê, theo dõi người vi phạm, nhất là các lái xe khách và chia sẻ thông tin cho nhau mới có thể thực hiện được.
Thượng tá Thịnh đề xuất quản lý người lái xe say rượu bằng cách xây dựng thang điểm cho các loại bằng lái xe và nối mạng CSGT trên toàn quốc. Khi người lái xe vi phạm ở tỉnh nào thì chỉ cần vào mạng xem anh ta đã vi phạm ở đâu chưa, đã bị trừ bao nhiêu điểm. Trong thang điểm, sẽ có từng “nấc” điểm bị trừ xuống bao nhiêu thì bị tạm giữ bằng lái 30, 60, 90 ngày hoặc thu bằng lái xe vĩnh viễn.
(Theo Pháp luật TPHCM)