- Với cái "mác" công an, bọn lừa đảo đã khiến nhiều người phải ngoan ngoãn "dâng" tài sản của mình cho chúng để rồi sau đó mới té ngửa ra mình bị lừa.
Chặn xe, vu vạ, lừa tiền
16 giờ ngày 3/3, chị Đặng Thị Tèo (SN 1962), ở Vân Phúc, Phúc Thọ, Hà Tây đi xe máy trên đường Phạm Văn Đồng theo hướng Mai Di - Cầu Thăng Long. Khi đi qua ngã tư Cổ Nhuế khoảng 200m, có một thanh niên nam giới khoảng 40 tuổi đi xe Dream, mặc quần áo công an xã yêu cầu chị Tèo cho xem túi xách tay vì nghi chị buôn tiền giả và thuốc phiện.
Tên Vũ Xuân Thành. |
Vốn là người làm ăn chân chính, lại bị nghi ngờ là buôn tiền giả và thuốc phiện nên chị Tèo rất sợ hãi và sẵn sàng để cho anh "công an xã" này kiểm tra túi xách. Trong túi xách của chị Tèo lúc đó có 1.270 USD, 50.000 đồng và tất nhiên chẳng hề có tiền giả hay heroin gì cả. Trong khi giả vờ kiểm tra, lục lọi túi xách của chị Tèo, nhân lúc chị còn đang bối rối, sợ hãi, không đề phòng, anh "công an xã" đột nhiên phóng vù đi mất cùng chiếc túi có hơn một ngàn USD trong sự bàng hoàng, ngỡ ngàng của chị Tèo.
Sau giây lát định thần, biết mình bị lừa một cách trắng trợn, chị Tèo đành lủi thủi đến công an huyện Từ Liêm để trình báo. Tuy nhiên, một trong những mấu chốt quan trọng để tìm ra thủ phạm của vụ lừa đảo này là biển số xe của tên lừa đảo thì chị Tèo lại không nắm được. Mặc dù vậy, công an huyện Từ Liêm vẫn đang tích cực điều tra vụ án.
Cũng với chiêu lừa tương tự, chị Lâm Thị Thu, SN 1984, ở thị trấn Vạn Phúc, Thiệu Hóa, Thanh Hóa khi lên Hà Nội cũng bị một kẻ giả danh công an dọa nạt rồi lấy đi tài sản của chị. Vào khoảng 16 giờ ngày 26/2, khi chị Thu đang đi xe máy đến phố Hoàng Cầu, Hà Nội thì bị một nam thanh niên đuổi theo, chặn xe của chị Thu lại và nạt nộ: "Công an phường bắt dừng lại sao không dừng mà cứ đi?". Chưa kịp hiểu mô tê gì, chị Thu bị anh "công an" lạ mặt này "vu" luôn cho tội buôn bán tiền giả và yêu cầu chị Thu cho kiểm tra túi xách.
Nơi đất khách quê người, lại bị "công an" nạt nộ như vậy nên chị Thu tỏ ra sợ hãi và răm rắp tuân theo yêu cầu của tên lừa đảo. Tên này bắt chị Thu đưa ra giấy tờ, điện thoại để hắn kiểm tra... Chị Thu lóng ngóng đưa hết giấy tờ, điện thoại và cả túi xách có tiền trong đó cho tên lừa đảo. Chả nói chả rằng, tên này nhét tất cả vào một phong bì rồi thu chìa khóa xe máy, bắt chị Thu dắt bộ về phía Đê La Thành.
Theo thống kê của CA TP Hà Nội, trong năm 2007, có 10 vụ giả danh công an để hoạt động phạm tội bị phát hiện và xử lý. Mặc dù vậy, trên thực tế, số vụ giả danh công an lừa đảo xảy ra còn lớn hơn nhiều nhưng không được tố cáo, bởi nhiều người bị hại lại là những đối tượng hoạt động cờ bạc, lô đề, liên quan đến những hành vi phạm pháp khác hoặc do tâm lý ngại va chạm, sợ lộ chuyện làm ăn... nên đã không dám khai báo. |
Tưởng bị giải về đồn công an để làm việc, dù không làm gì sai nhưng do bị nạt nộ nên chị Thu sợ hãi lẽo đẽo dắt xe theo kẻ lừa đảo, kệ cho túi xách, giấy tờ tùy thân của chị cho tên lừa đảo "quản lý". Dắt xe như vậy đi được một đoạn, bỗng anh "công an" lên xe và phóng vù đi mất, bỏ lại chị Thu bơ vơ, ngơ ngác, cũng không thể lên xe đuổi theo vì chìa khóa xe tên lừa đảo đã giữ mất.
Chuyển từ trạng thái sợ hãi, sang ngạc nhiên, rồi cuối cùng chị Thu cũng vỡ lẽ ra mình bị lừa nên đã đến công an trình báo. Nhưng giống như chị Tèo, chị Thu không nắm được biển số xe của tên lừa đảo nên rất khó cho cơ quan điều tra trong việc tìm ra kẻ lừa đảo. Công an quận Đống Đa vẫn đang tích cực điều tra, tìm ra đối tượng lừa đảo.
Tổng kết của cơ quan công an cho thấy, trong những vụ án giả danh công an lừa đảo thì bọn lừa đảo thường chọn "con mồi" là những người phụ nữ, đặc biệt là những phụ nữ đi xe máy có BKS ngoại tỉnh để dễ nạt nộ, uy hiếp họ làm theo mệnh lệnh của bọn chúng, rồi sau đó chiếm đoạt tài sản của người bị hại.
Quái chiêu của công an rởm
Ở "đẳng cấp" cao hơn, cũng với chiêu giả "mác" công an, tên Vũ Xuân Thành (SN 1982 quê ở Hà Trung, Thanh Hoá) đã khiến nhiều cô gái phải... trao thân, gửi tài sản cho hắn. Biết chị Hoàng Thị M. A (SN 1986 quê ở Chương Mỹ, Hà Tây), bán hàng ở Cổ Nhuế, Từ Liêm, Hà Nội mắc bệnh hen đang tìm thầy chữa bệnh, Thành bèn tìm cách làm quen. Thành tự nhận mình là CSHS, quen nhiều người trong Nam ngoài Bắc nên có thể tìm thầy thuốc giỏi chữa bệnh cho M.A.
Tên Nguyễn Văn Hùng. |
Tin vào "mác" công an của Thành, chị M. A vội gom tiền chờ ngày đi bốc thuốc. Đến sáng 12/9/2007, M.A giao xe máy cho Thành chở đi Bắc Ninh để bốc thuốc. Nhưng mới đến ngõ 105 Thụy Khuê thì cô đã bị anh "CSHS" này đem... "bỏ chợ", còn anh ta thì "cao chạy xa bay" cùng toàn bộ giấy tờ, 3 triệu đồng và chiếc xe máy.
Nạn nhân thứ hai của Thành là Lê Thị H (SN 1988 quê Lạng Giang, Bắc Giang), đang theo học một trường trung cấp ở Hà Nội. Vẫn với chiêu "giả danh công an lòe gái", Thành khoe mình là cảnh sát “chìm”, đang thực hiện một chuyên án lớn và có thể “giúp” H thi đỗ vào các trường ĐH. Tin lời anh "công an chìm", H đồng ý để Thành dẫn đi gặp thầy để "chạy" vào trường đại học.
Tin tưởng trao tay lái cho Thành, H bị kẻ lừa đảo bỏ rơi ở ngõ 105 Thụy Khuê, còn hắn thì "lặn mất tăm" cùng chiếc xe máy mà bố mẹ cô mới tậu cho.
Biết Thế Anh, một đối tượng chậm tiến ở phường Tương Mai thường bị chính quyền gọi lên răn đe, giáo dục, đầu tháng 10/2007, Hùng đã nhiều lần chặn đường Thế Anh, tự xưng là cảnh sát hình sự được giao nhiệm vụ “cảm hóa” đối tượng chậm tiến trong đó có Thế Anh. Vừa chân ướt chân ráo từ trại giáo dưỡng trở về, Thế Anh cũng muốn có được lời nhận xét tốt để đi xin việc nên nhiệt tình mời anh “cảnh sát hình sự” này đi uống nước. Lần cuối cùng bị Hùng “xin” 4 triệu đồng, Thế Anh đã không thể chịu nổi nên đã báo chính quyền. Lúc này, bộ mặt thật của anh CSHS “rởm” mới bị lộ tẩy. Và Thế Anh mới té ngửa ra người vòi tiền của mình cũng từng là một kẻ nghiện ngập, tên là Nguyễn Văn Hùng, SN 1981 ở tập thể Tân Mai, quận Hoàng Mai.
-
T.N