- Khâu kiểm dịch gia cầm tại các chợ vùng ven qua loa, gia cầm tươi sống bày bán tại các chợ đầu mối ở TP Huế thì con đóng dấu, con không. Người ăn gà, vịt mổ chui đang đùa với cúm.
Nơi kiểm dịch kỹ, nơi làm qua loa
Từ sáng sớm tại chợ An Lỗ, xã Phong Hiền, Phong Điền, nơi cung cấp một lượng lớn gia cầm cho TP Huế đã tấp nập kẻ bán người mua. Gia cầm bán ở đây chủ yếu được người dân nuôi nhỏ lẻ ở nhà, đến tuổi bán thì vịt, gà được mang ra chợ.
Một cái tem nhỏ đeo ở lồng, gà chưa qua kiểm dịch vô tư vào thành phố. Ảnh: Đăng Khoa
Cảnh đông đúc, chật chội của “chợ” gia cầm này bỗng thêm ồn ã khi tiếng xe tư thương tập kết về để thu mua gia cầm sống. Gà, vịt được nhồi, nhét chật ních những chiếc giỏ sắt, giỏ tre.
Thắc mắc về khâu kiểm dịch gia cầm ở chợ thì một người quản lý chợ chỉ tay về một góc, nơi một người ngồi trên xe máy, đặc điểm nhận ra đây là cán bộ kiểm dịch là chiếc bình bơm được buộc trên xe.
Tại đây, ông Thân Ngọc Thanh, Trưởng Thú y xã Phong Hiền được bố trí chốt trực kiểm dịch gia cầm tại chợ. Công việc kiểm dịch của ông Thanh cũng không lấy gì làm vất vả, mỗi ngày ông thực hiện một lần bơm, phun tiêu độc khử trùng cho khu bán gia cầm, còn gia cầm được vận chuyển ra vào chợ thì xem như không cần thiết phải phun khử trùng, tiêu độc!?
Chỉ đến lúc tư thương gom đủ số lượng thì ông Thanh kiểm tra sơ sơ rồi “cấp phép” cho vịt, gà liên thông lên phố. Đó là một mẫu giấy chứng nhận đã qua kiểm dịch được kẹp vào những chiếc giỏ gà, giỏ vịt để khi vận chuyển lên lên bán các chợ ở TP Huế được thuận buồm xuôi gió.
Tại chợ Hôm, xã Thuỷ Vân, huyện Hương Thuỷ, đông đúc kẻ bán người mua gia cầm. Xách trên tay
5 con gà, chị Lê Mai, xã Phú Mỹ không ngớt miệng khoe: “Gà nuôi ở nhà đó, đã chích ngừa rồi, mua về ăn đi, không có bị chi mô mà sợ”. Còn chuyện gà đã qua kiểm dịch chưa thì chị Mai thản nhiên nói: “Có thấy ai đi kiểm dịch gà, vịt mô nờ”.
Vào chợ chẳng ai hỏi! Ảnh: Đăng Khoa
Việc tại các chợ nhỏ ở các huyện Phú Vang, Hương Trà... buôn bán gia cầm không qua kiểm dịch là một thực trạng phổ biến.
Tại một điểm bán gia cầm sạch ở chợ Nọ, xã Phú Dương, Phú Vang thì ngược lại. Việc kiểm dịch gia cầm tại đây được thực hiện một cách kỹ lưỡng. Xã đã bố trí anh Lê Văn Huấn, trưởng thú y xã và 2 sinh viên thực tập để thực hiện việc kiểm dịch gia cầm.
Ở đây, gia cầm được các tư thương vận chuyển đến, cho dù đã có giấy chứng nhận đã qua kiểm dịch thì lực lượng vẫn tiến hành kiểm tra, phun tiêu độc, khử trùng và cấp lại giấy chứng nhận đã kiểm dịch mới được bán buôn tại đây.
…và gà, vịt giết mổ "chui"!
Ở các chợ đầu mối tiêu thụ gia cầm tươi trên địa bàn TP Huế, như Đông Ba, An Cựu, siêu thị Thuận Thành... gia cầm bày bán được giết mổ tại các điểm giết mổ tập trung được đóng dấu an toàn của lực lượng thú y. Cách làm này, đem đến sự an tâm cho người mua thì một lượng lớn gà, vịt được mổ “chui” bày bán công khai ở các chợ đầu mối.
Giết mổ ngay tại chợ, gia cầm cầm tươi sống chẳng được ai kiểm dịch, người tiêu dùng vẫn vô tư mua. Ảnh: Đăng Khoa
“Mục kích” chợ An Cựu sáng 6/3, dọc hành lang bên trong hàng thịt, cá là một dãy gần 10 điểm bán gia cầm tươi sống. Theo quy định của chợ này, gia cầm phải được đóng dấu kiểm dịch mới cho bày bán, và kiên quyết xử lý những những quầy bán gia cầm không qua kiểm dịch.
Thế nhưng, ngoài số vịt, gà đã được đóng dấu, gói túi ni lông cẩn thận, thì một lượng lớn gia cầm được người bán mổ ngay tại quầy. Lý giải việc gia cầm con có dấu, con không, một chủ quầy bán gia cầm kể khổ: “Em toàn bán gà đã qua kiểm dịch, đóng dấu. Mấy con chưa có dấu này là của họ đặt hàng, bí quá nên làm luôn tại đây”.
Tâm lý chung của những người mổ gia cầm chui là chỉ vì hám lợi nên đánh liều. Còn ở chợ Đông Ba, Tây Lộc... tình hình cũng diễn ra tương tự.
Gia cầm mổ chui được bán công khai, thế nhưng lực lượng chức năng kiểm tra xử lý thì không thấy bóng dáng. Thực trạng này khiến cho người tiêu dùng đang “đùa” với cúm!
-
Đăng Khoa