- Bãi đậu xe ngầm Công viên Lê Văn Tám đã được thống nhất về chủ trương đầu tư. Tuy nhiên, hàng loạt vụ sập tầng hầm gần đây khiến nhiều chuyên gia lo ngại về tính khả thi của bãi đậu xe ngầm đầu tiên này.
Nỗi lo kẹt xe
“Không thể làm chuyện có hại rồi hối hận thì không kịp nhất là trong tình trạng thi công công trình ngầm” - ông Trần Trọng Tân, nguyên Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM đưa ra lời cảnh báo trong buổi hội thảo lấy ý kiến về dự án đầu tư xây dựng và khai thác tầng ngầm làm làm bãi đậu xe và dịch vụ công cộng tại Công viên Lê Văm Tám (Q.1) được Mặt trận Tổ quốc VN TP.HCM tổ chức sáng 29/2.
Theo ông Tân, chủ đầu tư công trình (Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Không gian ngầm - IUS) cần làm rõ lý do chọn công viên này làm nơi triển khai dự án. “Đừng để như chợ Văn Thánh 2, làm rồi mới biết không được phép” - ông Tân nói.
Ông Tăng Cẩm Vinh, Phó trưởng ban Văn hóa Xã hội HĐND TP.HCM: HĐND đã từng bác ý kiến về công trình xây dựng nhà cao tầng phá đi mảng xanh của thành phố. (Ảnh: Trần Duy) |
Ông Tân cho rằng địa điểm dùng để xây dựng bãi đậu xe ngầm cách xa với khu vực trung tâm nên không thuận tiện cho người gửi xe. Ngoài ra, khi triển khai dự án này, chủ đầu tư chưa đưa ra dự báo số lượng xe ô tô, xe buýt, xe gắn máy đến 2020 nhất là trong tương lai, sẽ có thêm hệ thống metro đi qua đô thị mới Thủ Thiêm, những con đường trên kênh Nhiêu Lộc...
Ông Lê Văn Hoàng, thành viên MTTQ TP.HCM băn khoăn về mục tiêu của dự án. Ông Hoàng cho biết bãi đậu xe ngầm dự kiến xây dựng cách xa khu vực trung tâm như bảo tàng, chợ, khu vực lễ hội trung tâm… do vậy không đáp ứng nhu cầu gửi xe của người dân.
Để có thể nhanh chóng thu hồi vốn, chủ đầu tư kiến nghị được phép sử dụng 30% công trình vào mục đích làm dịch vụ. Điều này khiến nhiều ý kiến tỏ ý lo ngại về khả năng ùn tắc nghiêm trọng trên ba trục đường chính vây quanh Công viên Lê Văn Tám là đường Điện Biên Phủ, Võ Thị Sáu, Hai Bà Trưng.
Ông Võ Kim Cương, Hội Quy hoạch phát triển thành phố thẳng thắn bày tỏ: “Bãi đậu xe chỉ nên dành làm bãi đậu xe, không nên làm nhiều về dịch vụ”. Ông Cương khẳng định cho phép chủ đầu tư làm thêm dịch vụ đồng nghĩa với việc một phần của bãi đậu xe sẽ phục phục cho người đến hưởng dịch vụ. Điều đó làm cho mục đích của dự án bị “phai nhạt”.
Cháy chạy đâu?
Ông Tăng Cẩm Vinh, Phó trưởng ban Văn hóa Xã hội HĐND TP.HCM cho biết rất tán thành khai thác đất ngầm để phục vụ cho mục đích xây dựng bãi đậu xe. Nhưng ông lưu ý rằng không phải tất cả công viên đều được khai thác vô tội vạ mà không để ý đến cây xanh, “lá phổi thành phố”. Ông Vinh cho biết trước đây, HĐND TP.HCM đã bác bỏ một dự án xây dựng tòa nhà cao tầng ở Công viên 23/9 vì xâm hại mảng xanh.
Mô hình dự án bãi đậu xe ngầm Công viên Lê Văn Tám. (Ảnh: IUS) |
Mặc dù, phía công ty IUS có đề cập đến việc tái tạo mảng xanh bằng cách sau khi hoàn thành công trình, sẽ trồng lại cây xanh trên tầng ngầm. Thế nhưng nhiều ý kiến tỏ ý nghi ngại vì lớp đất mặt trên tầng ngầm chỉ dài 1,5-2m. “Cây cao được trồng lâu năm trên đường phố còn trốc gốc sau những cơn mưa, huống gì cây chỉ trồng sâu trên tầng ngầm không quá 2m” - ông Vinh nói.
Đại diện của Sở Tài nguyên Môi trường đề cập đến vấn đề xử lý đối với những ngôi mộ còn sót lại trong Công viên Lê Văn Tám khi chủ đầu tư tiến hành thi công đào sâu xuống mặt đất. Dẫn lời khuyến cáo của Sở Y tế, đại diện này nói những ngôi mộ chôn trước năm 1975 trong công viên sẽ ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường. Đặc biệt, việc đào bới này còn liên quan đến vấn đề tâm linh của một bộ phận người dân có thân nhân được chôn tại đây.
Phó Chủ tịch MTTQ VN TP.HCM Phạm Văn Hải lo ngại về khả năng thoát hiểm khi xảy ra cháy ở tầng ngầm Công viên Lê Văn Tám trong tương lai. Về vấn đề này, ông Lê Tuấn, đại diện cho chủ đầu tư cho rằng trong phương án phòng cháy, công trình ngầm Công viên Lê Văn Tám sử dụng công nghệ thoát hiểm của Anh và Singapore - những nước đã từng xây nhiều công trình ngầm lớn trên thế giới. Tuy nhiên ông Hải cho rằng: “Nếu đã xảy ra cháy, có áp dụng công nghệ gì đi nữa thì cũng là chuyện đã rồi”.
Quy hoạch công trình ngầm: Còn phải đợi!
Theo ông Lê Hiếu Đằng, Phó Chủ tịch MTTQ VN TP.HCM, cần xem xét lại vị trí xây dựng bãi đậu xe ngầm có quy mô lớn như dự án bãi đậu xe Công viên Lê Văn Tám. Thay vào đó, nên xây dựng những bãi đậu xe có quy mô vừa và nhỏ gần trung tâm thành phố phục vụ nhu cầu cấp thiết của người dân.
“Nếu chọn lựa Công viên Lê Văn Tám làm nơi triển khai dự án, không chỉ đơn giản là lật đất lên xây dựng mà phải mở rộng các đoạn đường xung quanh mới mong giải quyết được nạn kẹt xe” - ông Đằng nhận định.
Điều quan trọng hơn, theo ông Đằng, là hiện nay chưa thấy đề cập đến tính liên kết giữa dự án bãi đậu xe ngầm Công viên Lê Văn Tám và các dự án ngầm khác. Đặc biệt, hiện tại, TP.HCM chưa có quy hoạch về công trình ngầm. “Bỏ ra một số tiền lớn xây dựng rồi bỏ đó thì quả là lãng phí”- ông Đằng khuyến cáo.
Dự án bãi đậu xe ngầm Công viên Lê Văn Tám sử dụng một phần không gian ngầm dưới công viên này làm bãi đỗ xe để gia tăng diện tích giao thông tĩnh khu vực trung tâm thành phố. Diện tích công viên được sử dụng để xây dựng tầng ngầm là 29.240m2 trên tổng diện tích công viên 59.100m2. Công trình nằm cách đường Võ Thị Sáu 32,6m; cách đường Điện Biên Phủ 30,5m; cách đường Hai Bà Trưng 40m. Công trình ngầm được chia thành 2 khu vực: khu bãi đậu xe có 5 tầng hầm với diện tích bãi đỗ 72.321m2 đủ chỗ cho 2.204 xe gắn máy, 1.250 xe ô tô con, 28 xe buýt đỗ cùng lúc. Khu vực dịch vụ có 3 tầng hầm với diện tích 30.904m2 (diện tích khu bãi đỗ chiếm 70%, khu dịch vụ chiếm 30% tổng diện tích ngầm). Tổng chi phí xây dựng vào khoảng 1.200 tỷ đồng và được đầu tư theo phương thức BOT với thời gian khai thác từ 40-45 năm. Hiện nay, Công viên Lê Văn Tám là công viên thiếu nhi, nơi thư giãn, đi bộ, hoạt động thể dục, vui chơi giải trí của đông đảo người dân trong vùng. Trước kia, nơi đây đã từng được dùng làm nghĩa trang. |
-
Trần Duy