- Các nhà đầu tư ví công cuộc cải tạo chung cư cũ tại Thủ đô "lừng lững" như gấu bởi số lượng dự án nhiều bậc nhất đất nước, lẽ ra đã phải rất rầm rộ, thay đổi cơ bản diện mạo đô thị - nhưng lúc này gấu vẫn đang ngủ đông...
Nhiều nhà đầu tư lắc đầu với nhau: "Hình như các vị lãnh đạo Thủ đô không muốn cải tạo chung cư cũ thì phải, bởi nếu không tại sao mỗi cái cơ chế thí điểm mà dự thảo 20 lần, đưa ra lấy ý kiến dân, trình đi trình lại mãi mà vẫn chẳng ban hành, trong khi chỉ mới là thí điểm?"...
Cái thì vội vã, cái lại quá thận trọng?!
Không hiểu phát biểu động viên hay hy vọng "phép màu" nào mà một vị lãnh đạo khi làm việc với chủ đầu tư tái thiết khu tập thể Nguyễn Công Trứ (Hà Nội) năm qua đã "chốt" thời gian khởi công dự án này vào đầu 2008. Đến lúc này, khi quí I/2008 sắp trôi qua, chủ đầu tư này cố gắng lắm cũng mới chỉ trình duyệt được qui hoạch - còn hàng loạt khâu quan trọng, nhanh cũng phải 1 năm nữa chưa chắc khởi công!
Cảnh thường thấy ở khu tập thể Nguyễn Công Trứ - thuộc khu vực khá gần trung tâm của Thủ đô (Ảnh: T.A.N). |
Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) đang vững bước tiến lên Tập đoàn, từng tiên phong trong lĩnh vực xây dựng đô thị mới - thế mà có mỗi khu P3 Phương Liệt, di dân đã ngót 3 năm, giải phóng xong mặt bằng từ lâu nhưng cũng hết vướng nọ, chậm kia... lúc này vẫn chưa khởi công xây dựng! Công ty CP xây dựng Sông Hồng động thổ khu B14 Kim Liên từ tháng 7/2007 nhưng sang đến năm nay vẫn lấn cấn với mấy hộ dân chây ì, trong khi chính quyền thì thực thi "nhỏ giọt", thiếu cương quyết: nay giải phóng 1 hộ, mai giải phóng vài hộ...
Các khu chung cư đặc biệt nguy hiểm của Thủ đô như B6 Giảng Võ (Bộ Xây dựng và UBND TP Hà Nội có tổng cộng hàng chục công văn "khẩn cấp di dời để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản nhân dân"), C1 Thành Công (lún 1,5m; nghiêng 15 độ; dân cư và dư luận kêu cứu liên miên)... lúc này vẫn "đứng yên". Những người dân ở đây cho biết họ có cảm giác bị phó mặc, chuyện quan trọng đối với cuộc sống, sinh mạng hàng trăm con người vậy mà xử sự theo kiểu "đánh trống bỏ dùi", hoặc cứ như làm phong trào, rộ lên một lúc rồi thôi! Nhìn lại, rõ ràng những thời hạn di dời được đặt ra trước đây chỉ là "nói đùa"!
Những khu chung cư thí điểm, hoặc đặc biệt nguy hiểm còn đang "ngủ đông" dài dài - hàng trăm khu khác "ngồi chơi xơi nước" triền miên. Dĩ nhiên, cứ "ngủ đông tập thể" như vậy thì thời hạn 2015 để Hà Nội "xóa" hoàn toàn chung cư "đeo ba-lô" chỉ là "giấc mơ đông" mà thôi!!!
Thời gian qua, lãnh đạo Hà Nội từng "ra" rất nhanh các quyết định ảnh hưởng lớn đến đời sống kinh tế - xã hội của đại bộ phận nhân dân, như: tăng phí trông xe, phí sử dụng vỉa hè (rồi lại ngừng); bắt phải có sổ đỏ mới được phép xây dựng; cấm bán hàng rong (rồi lại lùi)... mà chẳng cần bàn thảo nhiều, chẳng cần hỏi ý kiến nhân dân. Không thể nói cái nào quan trọng hơn cái nào - tất thảy những gì liên quan đến cuộc sống người dân đều phải coi là trọng đại.
Thế nhưng, chỉ một dự thảo "Qui chế thí điểm cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ nát, nguy hiểm" - đã sửa 18 lần suốt nhiệm kỳ của Chủ tịch Nguyễn Quốc Triệu, đã có "cái gốc" là Nghị quyết 34/NQ-CP của Chính phủ, Nghị quyết 07 của HĐND TP để căn cứ, đã có cơ sở pháp lý cao hơn nữa là Luật Nhà ở, Luật Xây dựng, Luật Kinh doanh bất động sản để chiểu theo, đã được đông đảo nhân dân đóng góp ý kiến... nay lại tiếp tục chỉnh sửa đáng kể mà chưa thể ban hành!
Chung cư C1 Thành Công lún 1,5m; nghiêng 15 độ "nổi tiếng" từ lâu nhưng các nhà chức trách không biết, thờ ơ hay bất lực? (Ảnh: T.A.N) |
Hà Nội xây dựng qui chế thí điểm mà lâu hơn và dự thảo nhiều lần hơn xây dựng cả một bộ luật. Điều đó có phải chỉ nói lên tính cẩn tắc của Hà Nội, hay chính là bằng chứng về "sức ì lớn" và sự lúng túng trong quản lý (trong khi đã có rất nhiều hướng dẫn, cơ sở để triển khai - vẫn không thể tự định ra phương hướng cụ thể cho mình)? Nếu là cẩn tắc, sao việc này lại quá thận trọng trong khi hàng loạt việc khác nóng vội đến bất ngờ?!
Phát biểu tại hội thảo ngày 17/11/2007, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cho biết: "Thành phố đang xây dựng một cơ chế để vận hành cả bộ máy của chúng ta khi cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ, nhưng tôi chưa được tham gia vào qui chế này một lần nào! Tôi nghĩ rằng qui chế này không phải chỉ dành cho nhà nước mà dành cho xã hội, đặc biệt là dành cho những người dân sống tại các chung cư - quyền và trách nhiệm ra sao... Qui chế này cần đưa ra lấy thêm ý kiến các hội, các cơ quan ban ngành nữa - thực sự khi nào chín muồi mới ban hành".
Và thế là từ đó đến nay - lại một quí nữa trôi qua, "Qui chế thí điểm cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ nát, nguy hiểm của Hà Nội" vẫn còn "xanh"... Gọi là thận trọng cũng được, nhưng nhiều người trong cuộc lại không cho sự chậm trễ này là cẩn tắc, mà nhận xét đó là một sự "né" khó, người nọ ùn người kia, chẳng ai muốn động đến cái đám chung cư cũ làm gì vì vừa "xương xẩu", vừa phức tạp!? Cứ đất trống mà đầu tư vừa "ngon ăn", vừa "khỏe re" - kệ đám chung cư cái nào sập ráng chịu!
Cải tạo chung cư thời... không cơ chế!
Không cơ chế - nhiều nhà đầu tư rất muốn tham gia cải tạo chung cư nhưng "chẳng biết thế nào mà lần", đành bó tay chờ vô thời hạn. Không cơ chế - xảy tình trạng (như ở B6 Giảng Võ hiện nay) bỗng có doanh nghiệp lạ hoắc ở đâu, không hề được TP chính thức giao nghiên cứu dự án, cũng không được chính quyền địa phương cho phép - tự động họp dân, tung những "chiêu bài" mùi mẫn: ngoài tiêu chuẩn chung tặng thêm mỗi hộ tầng trệt 1 tỉ đồng, mỗi hộ tầng hai 500 triệu... để lôi kéo, phá bĩnh dự án mà nhà đầu tư được chính thức giao đang nghiên cứu!
TIN LIÊN QUAN
Không cơ chế - dân các khu khác cùng tập thể Giảng Võ và lan sang cả B14 Kim Liên nhặt được "tờ rơi" hứa tặng tiền tỉ cho tầng 1, nửa tỉ cho tầng 2... được phát tán tại B6 Giảng Võ (kể trên) cũng ầm ầm đòi nhà đầu tư phải tặng họ tương tự, nếu không đừng hòng giải phóng mặt bằng! Đến nước ấy thì các doanh nghiệp chỉ còn biết than trời, giải thích sao đây khi... không cơ chế - dù ý thức rằng đòi hỏi như vậy là vô lối, không thể chấp nhận: Tầng 1 đã lợi đơn lại còn lợi kép, đã lấn chiếm trái phép lâu niên lại được tặng thưởng; các tầng trên không thêm mét vuông nào suốt bao năm lại chẳng được gì?!
Không cơ chế - với những chung cư cũ kỹ đơn thuần còn có thể từ từ, nhưng liệu "ngân nga" mãi được không với nhà nguy hiểm mà Nghị quyết 07 đã chủ trương "UBND TP cần tập trung xây dựng, triển khai kế hoạch và dự án riêng với giải pháp đặc biệt mang tính chính sách xã hội để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho nhân dân", Nghị quyết 34 cũng nhấn mạnh "ưu tiên triển khai trước đối với các chung cư bị hư hỏng nặng, môi trường sống không đảm bảo... Đối với các chung cư cũ bị hư hỏng nặng, lún nứt ở mức độ nguy hiểm, các địa phương cần có kế hoạch di dời khẩn cấp các hộ dân đang sinh sống để thực hiện việc phá dỡ, xây dựng lại"?!
Nguyên Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Đỗ Hoàng Ân - người từng chỉ đạo triển khai rất nhiều dự án cải tạo chung cư cũ nát, nguy hiểm trên địa bàn Thủ đô và nghỉ hưu khi đa phần những dự án này đang dang dở, tại cuộc hội thảo về chung cư cũ (kể trên) đã phải nhấn mạnh: "Cơ chế cho chung cư nguy hiểm khác với cơ chế chung cư cũ!".
Ý ông Ân là: cũ nát không gấp gáp bằng nguy hiểm. Thế nhưng, người dân chưa hiểu đã đành, dường như khá nhiều nhà chức trách vẫn rất mơ hồ, chưa phân biệt được 2 khái niệm "cũ nát" và "nguy hiểm", dẫn đến những cách giải quyết, định hướng chung chung, lẫn lộn cho 2 dạng này. Đành rằng, nhiều cơ chế, chính sách có thể áp dụng chung cho cả 2 dạng nhà cũ nát và nguy hiểm - nhưng rất nhiều vấn đề thực tiễn diễn ra khiến cho 2 dạng này không thể dùng chung toàn bộ các giải pháp.
Dù có thêm khoảng 40 công trình trọng điểm kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội vào 2010, Thủ đô cũng không thể đẹp trọn vẹn được nếu vẫn còn tồn tại những "tàn dư" thế này! (Ảnh: T.A.N) |
Về vấn đề này, Trưởng Ban Kinh tế-Ngân sách HĐND TP.Hà Nội Lê Văn Hoạt cũng nêu rõ: Với các chung cư cũ hiện có thể chia làm 2 loại xuống cấp nhưng chưa trong tình trạng nguy hiểm và đã đặt trong tình trạng nguy hiểm cần tháo dỡ ngay. Song, vì chưa được qui định rõ, chưa có qui chế riêng nên khi "chạm" vấn đề chung cư nguy hiểm - thực tế hiện nay là "ai muốn hiểu thế nào thì hiểu"(!).
Về "nguyên tắc ưu tiên triển khai trước" - người thì hiểu rằng Thành phố phải "xóa bỏ" hết chung cư nguy hiểm rồi mới đến lượt các chung cư cũ nát sơ sơ; người thì suy diễn rằng đó không phải nói cho toàn thành phố mà chỉ nội trong một khu, ví dụ cả khu có thể phải chờ qui hoạch kỹ càng mới cải tạo nhưng riêng chung cư nguy hiểm được "nhặt" ra xử lý không chờ gì cả! Về "di dời khẩn cấp" - người thì cho rằng khẩn cấp là ngay tắp lự; người thì nhận xét cũng chưa đến mức phải đi ngay; thực tế lại cho thấy tại nhiều nơi khẩn cấp đang là vô thời hạn!
"Sốt ruột" trước thực trạng này, ngày 26/2/2008 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam vừa ký công văn đôn đốc tất cả UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện ngay Nghị quyết 34 của Chính phủ (trong đó Hà Nội là địa phương có nhiều tập thể cũ bậc nhất đất nước). Cụ thể, các tỉnh, thành cần "căn cứ qui định của Nghị quyết để ban hành cơ chế, chính sách cụ thể về xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn phù hợp với điều kiện của địa phương; xây dựng lộ trình, chương trình và kế hoạch cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ hư hỏng, xuống cấp trên địa bàn đến 2010 và những năm tiếp theo".
Trước 10/3/2008, các địa phương phải nộp báo cáo nêu rõ lộ trình, chương trình, kế hoạch và cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư, qui hoạch, đất đai, tài chính, bồi thường, tạm cư, tái định cư khi thực hiện cải tạo, xây dựng lại chung cư hư hỏng trên địa bàn.
Với sự "rung" này, công cuộc cải tạo chung cư cũ nát, nguy hiểm của Hà Nội tiếp tục "ngủ đông" hay "bừng tỉnh"?
-
Hoàng Huy