- Hiện nay, tất cả những đối tượng lĩnh lương hưu trên địa bàn thành phố Hà Nội qua hệ thống máy ATM đều phải sử dụng thẻ của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn VN. Do số lượng máy chưa nhiều và chưa liên thông nên đã gây ra hàng loạt những khó khăn cho người cao tuổi như: phải đi xa, khó sử dụng, kẹt máy, kẹt tiền…
Bấm số 3 thành ra số 7
Quay trở lại lá đơn của ông Phạm Thạch Tâm gửi bà Ngô Thị Thanh Hằng - Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội. Về chủ trương trả lương hưu qua máy ATM cho những đối tượng hưu trí có nhu cầu, ông viết: “Trả qua máy ATM thì chỉ thuận lợi cho công chức tại chức thôi, họ còn trẻ còn khỏe. Đối với mấy ông bà già thì bấm số 3 thành ra số 7 nên họ rất sợ và ngại”.
Từ nhà ông Phạm Thạch Tâm phải đi gần 1km mới ra đến điểm có máy ATM. Có 2 máy , tuy nhiên một của Ngân hàng Đông Á (phải trên), một lại của Ngân hàng Incombank (phải dưới). Ảnh: C.M
Nhà ông Tâm nằm sâu trong khu tập thể
“Ở tổ 8 phường Nam Đồng này của chúng tôi cũng có 3,4 cụ có thẻ ATM để rút tiền”- ông Tâm nói tiếp - “nhưng toàn bộ các cụ phải nhờ con, cháu nó còn trẻ đi sử dụng, rút tiền hộ, chứ thực tế toàn những ông, bà đã ngoài 80 làm sao biết nút nào với nút nào mà bấm. Kể cả nhờ con cháu cũng phức tạp lắm: biết nên nhờ đứa nào, không nhờ đứa nào, chúng nó lại bảo là tin với không tin con”.
Ông Tâm chốt: “Nói chung, tôi có thể khẳng định, đại bộ phận người già chúng tôi không thích sử dụng máy ATM để rút lương hưu”.
Gia định chị Trịnh Thị Lan ở một khu vực phố phường sầm uất khác của Hà Nội là khu Giảng Võ. Mẹ ruột chị cũng là một người đăng ký sử dụng rút tiền lương hưu hằng tháng bằng máy ATM. Việc bà đăng ký là do mấy lần đi chợ thấy quanh khu này có đến 5-7 cái máy ATM khá hiện đại, lại do cậu em trai khích lệ thêm vào.
Ấy thế nhưng lần đầu tiên chị đi rút tiền cùng mẹ thì tìm đi, tìm lại chỉ thấy có máy ATM của bên Habubank, Vietcombank… mà không thấy cái máy của ngân hàng mình cần tìm đâu. Lúc đầu nào có biết, cứ tưởng máy nào cũng xài được, cứ đút thẻ vào lại bị nhả ra tưởng hỏng.
Mãi sau này tìm thấy một cái máy của Agribank ở phía đường Láng Hạ, lần đó hai ông bà nhà chị dắt díu nhau vào thì lại vướng phải cái… nhập mã pin. Lạch cạch nửa tiếng đồng hồ chẳng xong, đôi cụ già lại dắt díu nhau về mà than “dại”. Giờ tính xin ra phường rút lương, lại lo lắng đủ các loại thủ tục giấy tờ ban đầu.
Máy kẹt, báo lỗi… chuyện hằng ngày
Người cao tuổi khó thích nghi với công nghệ mới. (Ảnh minh họa: C.M)
Bà Đàm Thị Hòa, Trưởng phòng Kế hoạch Tài chính (Bảo hiểm xã hội Hà Nội) cho VietNamNet biết, vào tháng 5/2007 có khoảng 300 người tham gia thí điểm thực hiện rút tiền lương hưu qua máy ATM. Cho đến tháng 11 năm ngoái thì con số này tăng lên khoảng 11 lần: 3.337 người.
Con số mới nhất là tháng 2/2008, Bảo hiểm xã hội Hà Nội đã chi 21 tỷ, 410 triệu đồng cho 9.534 đối tượng tham gia rút lương qua máy ATM trên địa bàn của 7 quận và 1 huyện. Tổng cộng các đối tượng nằm rải rác trên 59 phường, nhiều nhất là quận Đống Đa (3.917 người/14 phường), tiếp đến là quận Hoàn Kiếm (1.815 người/9 phường), Hai Bà Trưng (1.102 người/11 phường)...
Ít nhất là thị trấn Trâu Quỳ (Gia Lâm) chỉ có 22 người đồng ý rút lương hưu từ thẻ ATM.
Như vậy, qua 10 tháng đi vào hoạt động thì số người và số phường đã tăng dần lên. Tuy nhiên những sự bất tiện như: máy báo lỗi, máy hết tiền, không rút được tiền lẻ/tổng lương, khách hàng phải đi xa để tìm máy ATM chấp nhận thẻ của mình... đã thường xuyên xảy ra. Điều này xảy ra trước hết do tính liên kết của các ngân hàng còn rất yếu.
Tính đến cuối năm ngoái, cả nước có khoảng 32 ngân hàng tham gia phát hành thẻ, 8,3 triệu thẻ được sử dụng; gần 4.300 máy ATM và gần 23.000 điểm chấp nhận thanh toán bằng thẻ (POS). Ngay cả Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam - Vietcombank chiếm khoảng 50% tài khoản thẻ trên thị trường cũng chỉ có khoảng 1.000 máy ATM. Như vậy trung bình 20.000-30.000 người mới có một máy ATM. Với công suất hoạt động của các máy ATM “nóng” như vậy thì hiện tượng máy gặp sự cố là khó tránh.
Ngay Giám đốc Bảo hiểm xã hội Hà Nội - Đào Văn Giáp cũng nhận thấy rằng phải lắp đặt ít nhất một phường từ 1-2 máy rút tiền mới đảm bảo tránh khỏi các sự cố trong chương trình thanh toán lương hưu qua thẻ. Tuy nhiên, việc lắp đặt thêm máy ATM là bài toán khó đối với các ngân hàng vì chi phí lắp đặt, vận hành cho một máy ATM lên đến hàng chục ngàn USD/năm. Thêm vào đó là nhiều điều kiện khác kèm theo: địa điểm đặt máy phải an toàn cho ngân hàng và người sử dụng, bảo đảm an ninh...
Thêm một con số khác đáng lưu tâm: cũng trong tháng 2/2008, Bảo hiểm xã hội Hà Nội đã chi 549 tỷ, 757 triệu đồng tiền mặt cho 297.130 người lĩnh lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội trên địa bàn toàn thành phố (so với 9.534 người tham gia rút tiền lương hưu bằng thẻ ATM). Như vậy tỉ lệ người già dùng thẻ chưa cao.
Có một thực tế rằng, ngay đến người trẻ sử dụng máy đôi khi còn nhầm lẫn, huống hồ là các cụ vốn tuổi cao, sức yếu, mắt mờ chân chậm…
Bài 3: Không có chuyện độc quyền trả lương hưu qua máy ATM
-
Đỗ Minh