- Tin mừng đến với hơn 400 hộ dân suốt nhiều năm "đi thì cũng dở, ở không xong" tại khu vực dự kiến qui hoạch nút giao thông Thanh Xuân: Tổng Công ty Tư vấn thiết kế GTVT (TEDI) đã hoàn tất phương án điều chỉnh nút giao này tương đối cân giữa 2 phía Hà Đông - Hà Nội.
Với phương án mới, khoảng 300 hộ dân sẽ được trụ lại nơi ăn chốn ở của mình, chấm dứt những ngày tháng trình đi, duyệt lại, rồi khiếu nại... quanh bản qui hoạch nút giao Thanh Xuân - một phần quan trọng của dự án xây dựng giai đoạn I (Mai Dịch - Pháp Vân) vành đai III Hà Nội.
Bỗng dưng "lệch to"...
Theo hồ sơ thiết kế kỹ thuật do Tổng Công ty Tư vấn thiết kế GTVT (TEDI) lập tháng 9/2001 và đã được Bộ GTVT phê duyệt một tháng sau đó (12/10/2001), nút Thanh Xuân giao giữa đường vành đai III với quốc lộ 6 gồm một cầu vượt trực thông ở giữa, chiều rộng 24m với 4 làn xe cơ giới, 2 làn hỗn hợp đi thẳng theo hướng Mai Dịch - Pháp Vân. Cầu này sẽ dài khoảng 245m, cấu thành bởi 10 nhịp dầm bản rỗng liên tục (mỗi nhịp dài 24m).
Dù ai nói ngả nói nghiêng, nút giao vẫn méo suốt nửa thập niên thế này! (Ảnh tư liệu của dự án) |
Phần nút giao bằng bên dưới cầu vượt dự kiến bố trí một đảo xuyến bán kính 32m và các đảo phân làn cho phương tiện rẽ trái từ quốc lộ 6, vành đai III đi các hướng. Đồng thời, trên tất cả các nhánh đều bố trí hướng rẽ phải theo làn riêng để giảm bớt lưu lượng giao thông vào trung tâm nút.
Theo phương án này, diện tích chiếm đất của nút giao Thanh Xuân khoảng 64,7ha - trong đó, phần cầu vượt và đường vành đai III thuộc phạm vi nút là 24,7ha; phần mặt bằng nút phía Hà Nội rộng xấp xỉ 28,5ha và phần mặt bằng nút phía Hà Đông 11,5ha.
Như vậy, phần mặt bằng nút phía Hà Nội bỗng rộng hơn gấp đôi phía Hà Đông và tạo nên một sự méo mó, lệch lạc đến kỳ dị, khó chấp nhận dù mới chỉ thể hiện trên bản vẽ. Phương án này lập tức bị phản ứng gay gắt từ gần 500 hộ dân khu vực Hà Nội, bởi nếu dự án được xây dựng theo phương án lệch này, khoảng 350 hộ dân có thể bị giải toả. Hơn nữa, nếu chỉnh phương án thành cân to (phía Hà Đông cũng bằng Hà Nội), số hộ bị giải tỏa có thể lên tới 500, còn nếu nút này cân nhỏ, ước chừng khoảng 200 hộ sẽ phải di dời!
TIN LIÊN QUAN
Khiếu kiện kéo dài nửa thập kỷ. Thanh tra vào cuộc. Ngót trăm cuộc họp lớn nhỏ từ Trung ương đến địa phương. Báo chí căng thẳng. Vô vàn câu hỏi chưa nhận được trả lời.
Cuối năm 2006, Bộ GTVT và UBND TP Hà Nội vẫn thống nhất việc giải phóng mặt bằng giai đoạn 1 theo chỉ giới đường đỏ nút Thanh Xuân lệch to về phía Hà Nội (đã được UBND TP Hà Nội xác định và quản lý từ nhiều năm trước) là hợp lý và cần thiết. TEDI được giao trách nhiệm hoàn tất nghiên cứu theo hướng trên trong tháng 1/2007.
Gần 1 năm sau, tháng 12/2007, cũng chính Bộ GTVT lại cho rằng "phương án tối ưu là thu hẹp mặt bằng nút phía Hà Nội mà vẫn đảm bảo bố trí được ga đường sắt trung chuyển để dự phòng những điều chỉnh qui hoạch có thể phát sinh trong tương lai". Tại cuộc họp 19/12/2007, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng kết luận tương tự vậy.
... rồi lại co thành "cân nhỏ"!
Thế là, TEDI lại "hối hả" điều chỉnh thiết kế mặt bằng nút giao Thanh Xuân này theo hướng cân đối 2 phần Hà Nội - Hà Đông và nghiên cứu lẽ ra đã phải hoàn thành từ tháng 1/2007 đã "dậm chân tại chỗ" mất tròn 1 năm để vừa kết thúc vào tháng 1/2008.
Theo thiết kế "mới toanh" này, nút giao Thanh Xuân sẽ trở thành nút giao khác mức 4 tầng đầu tiên của Thủ đô, đáp ứng cùng lúc cả tuyến đường sắt đô thị Hà Nội - Hà Đông (bố trí ở tầng trên cùng) và tuyến đường sắt Giáp Bát - Nam Thăng Long (bố trí ở tầng 2). Đặc biệt, hầm chui trực thông theo hướng quốc lộ 6 sẽ có mặt cắt ngang đảm bảo 4 làn xe.
Đã cân hơn (dù vẫn chỉ là tương đối) sau nửa thập kỷ "méo mó có còn hơn"! (Ảnh tư liệu của dự án) |
Cầu vượt trực thông dọc vành đai III (kể trên) được thay bằng cầu cạn của phần đường cao tốc giai đoạn II trong phương án mới. Giao cắt giữa phần đường đô thị của vành đai III với quốc lộ 6 được giữ nguyên dạng đảo xuyến tự điều chỉnh (như đã được phê duyệt trước đây), song bán kính tăng từ 32 lên thành 35m.
TEDI cho biết, trong trường hợp bất lợi nhất là tuyến đường sắt Giáp Bát - Nam Thăng Long đi trên cầu cạn, mặt bằng nút Thanh Xuân điều chỉnh này vẫn đủ để bố trí cả 2 tuyến đường sắt đô thị và nhà ga trung chuyển nối giữa 2 tuyến này với nhau. TEDI cũng đồng thời đưa ra 3 phương án thi công hầm chui và nhận định "khối lượng xây dựng bổ sung cho nút giao Thanh Xuân điều chỉnh chủ yếu tập trung ở hạng mục hầm chui theo hướng quốc lộ 6 với kinh phí ước tính riêng hạng mục hầm chui khoảng 170 tỉ đồng".
Tuy nhiên, quan trọng nhất là với hình dáng cân một cách tương đối giữa 2 phía Hà Nội, Hà Đông sau khi điều chỉnh, những vướng mắc về giải phóng mặt bằng chắc chắn sẽ được giảm thiểu nhanh chóng, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành không chỉ nút giao này mà cả tuyến đường dài hơn 10km từ Mai Dịch tới bắc hồ Linh Đàm đã trễ hẹn nhiều năm...
-
Tràng An Nguyễn