221
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
1037013
"Việc đẩy ngư dân ra biển như vậy rất nguy hiểm"
1
Article
null
Vụ tàu đánh cá Việt Nam bị giữ ở Indonesia:
'Việc đẩy ngư dân ra biển như vậy rất nguy hiểm'
,

 - “Tôi không hiểu tại sao phía Indonesia lại hành động như vậy?! Đó là việc nguy hiểm cho ngư dân! Cần phải cảnh báo phía Indonesia không được hành động như thế nữa!” – ông Nguyễn Ngọc Hùng, Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu bức xúc về việc 77 ngư dân Việt bị đẩy ra biển trên 4 chiếc tàu cũ, thiếu an toàn.  

Ông Nguyễn Ngọc Hùng, Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu bức xúc về việc 77 ngư dân Việt bị đẩy ra biển.

Ngày 23/2, phóng viên VietNamNet làm việc với lãnh đạo Sở Ngoại vụ tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (BR-VT) về việc ngư dân và tàu đánh cá của tỉnh BR-VT bị giam giữ ở Indonesia. Ông Nguyễn Ngọc Hùng đã tỏ ra bức xúc trước việc ngư dân Việt Nam bị hành xử không đúng với thông lệ quốc tế và thỏa thuận giữa hai nước Việt Nam – Indonesia đã cam kết trước đó.

 

Ông Hùng cho biết, ngày 22/2, Cục Lãnh sự của Bộ Ngoại giao đã thông báo cho Đại sứ quán Việt Nam ở Indonesia, yêu cầu nhắc nhở phía Indonesia về việc hành xử với ngư dân Việt Nam.

 

Vi phạm thỏa thuận (?)

 

Theo thỏa thuận giữa Việt Nam – Indonesia và thông lệ quốc tế, nếu trong trường hợp ngư dân một trong hai nước xâm phạm lãnh hải, khai thác hải sản trái phép, và bị phát hiện, nước bị xâm phạm lãnh hải có quyền bắt giữ, và thông báo việc bắt giữ cho cơ quan ngoại giao nước có công dân bị bắt biết, thông qua đại sứ quán.

 

Đối với ngư dân, cơ quan ngoại giao của nước bị xâm phạm lãnh hải thông báo cho cơ quan ngoại giao của nước có công dân vi phạm, và trao trả ngư dân đó về nước bằng đường không. Các cho phí do cơ quan ngoại giao (thông qua đại sứ quán) của nước có công dân vi phạm tạm ứng trước, và thu hồi lại từ chủ phương tiện đánh bắt vi phạm mà ngư dân làm việc trên đó.

 

Với thuyền trưởng, và máy trưởng sẽ bị bắt giữ, xử theo luật của nước bị xâm phạm lãnh hải, có thể lãnh án tù (với Indonesia, thường từ 3 – 4 năm tù giam), nhưng sau khi mãn hạn tù, cơ quan ngoại giao phải thông báo cho nước có công dân vi phạm, để tổ chức trao trả và đưa người vi phạm về nước bằng đường hàng không. Ngư lưới cụ sẽ bị thiêu hủy, và tàu vi phạm bị phát mãi.

 

Riêng trường hợp 77 ngư dân vừa được trả tự do, về trên 4 tàu bị giữ trước đó (được chủ phương tiện chuộc lại), cơ quan chức năng vẫn chưa xác định được tàu đánh cá của ta có vi phạm lãnh hải nước bạn hay không, nhưng việc đẩy ngư dân về nước bằng đường biển, thiếu an toàn; đồng thời không thông báo cho cơ quan ngoại giao (cụ thể là Đại sứ quán Việt Nam ở Indonesia), là vi phạm thỏa thuận đã được hai nước thông qua trước đó.

 

“Họ (phía Indonesia – PV) không hề thông báo cho cơ quan ngoại giao trong nước lẫn đại sứ quán của ta ở Indonesia biết. Thông qua thương lượng trả lại tàu (cho ông Nguyễn Văn Ro – PV), họ yêu cầu chủ tàu chở ngư dân bị giữ về bằng đường biển, đó là một việc nguy hiểm cho ngư dân ta!” ông Nguyễn Ngọc Hùng nói.

 

Ông Hùng cho biết thêm, nhiều vụ tàu đánh cá Việt Nam bị phía Indonesia giữ, cơ quan ngoại giao của ta không hề được phía Indonesia thông báo, mà chỉ nhận thông tin từ chủ phương tiện bị bắt giữ.

 

“Cần phải nhắc nhở, cảnh báo phía Indonesia không được hành xử với ngư dân ta như vừa qua nữa. Nếu tình trạng này tiếp tục xảy ra sẽ rất nguy hiểm cho ngư dân Việt Nam” – ông Hùng bức xúc.

 

Bị lừa khi sang Indonesia chuộc tàu 

Ông Nguyễn Văn Ro.

Trở lại câu chuyện 4 chiếc tàu mang số hiệu BV 9082TS, BV 9091TS, BV 8290TS, BV 9028TS, đưa 77 ngư dân trở về. Số tàu này do ông Nguyễn Văn Ro (ngụ tại 57/1 Trần Phú, TP Vũng Tàu, BR-VT) làm chủ, và bị phía Indonesia bắt giữ từ đầu tháng 6/2006. Sau khi tàu phát mãi và được người Indonesia mua lại, ông Ro bôn ba sang tận đảo Natura, Indonesia để chuộc lại phương tiện.

 

Sau khi được người Indonesia đồng ý cho chuộc lại 4 chiếc tàu trên, ông đặt cọc 90.000USD và được đưa đến cơ quan công chứng nhà nước, ghi nhận việc thực hiện giao dịch. Thế nhưng, sau khi chồng tiền, ông Ro chỉ nhận được lời hứa sẽ giao tàu, nhưng đợi mãi chẳng thấy tàu của mình đâu.

 

Đến tháng 9/2007, ông Ro lại lặn lội qua Indonesia và gặp một người bản xứ, nhận làm “cò” để ông chuộc lại 4 phương tiện. Lần này, ông được “chào giá” 100.000USD cho 4 chiếc tàu đã rệu rã sau hơn 1 năm nằm phơi nắng phơi sương, và nhiều thiết bị, phụ tùng trên tàu đã bị tháo gỡ.

 

Sau 4 lần chồng tiền theo từng đợt, từ tháng 10/2007 đến tháng 2/2008, ông Ro được trả tàu, nhưng chỉ còn 2 chiếc chạy được. Và ông đã mất tổng số gần 200.000USD để “vác” về 4 xác tàu rệu rã.

 

“Trước khi nhận tàu, phía Indonesia thông báo cho tôi, phải chở mấy ngư dân Việt Nam vừa bị họ bắt về. Sau khi sửa lại tàu, họ đẩy ngư dân mình lên, nhưng chẳng cho thức ăn, nước uống gì, thấy vậy tôi phải cho người đi mua mấy tạ gạo, và đồ ăn mang lên tàu cho anh em” – ông Ro kể.

 

Một trong 4 tàu của ông Nguyễn Văn Ro.
Ông Ro cho biết thêm, hiện 4 thuyền trưởng của 4 tàu ông vừa chuộc được đang bị giam giữ ở Indonesia, từ tháng 6/2006 đến nay. Trong đó có Phạm Quang Thành (quê Vũng Tàu, thuyền trưởng tàu BV 9082TS), Trần Quang Vũ (thuyền trưởng tàu 9028), Trần Quang Phương (thuyền trưởng tàu 8290) và thuyền trưởng tàu 9091 cùng quê Hòn Đất, Kiên Giang.

 

Trong chuyến đi chuộc tàu vừa qua, ông Ro có dịp ghé thăm các thuyền trưởng của mình, ông nói, họ bị Indonesia kết án 3 năm 6 tháng tù giam. “Tôi quan sát ở đảo Natura, thấy còn có khoảng hơn 20 chiếc tàu của Việt Nam còn bị giữ ở đó!” ông Ro tiết lộ.

 

Theo thống kê của Sở Ngoại vụ tỉnh BR-VT, mỗi năm, tỉnh này có khoảng 300 trường hợp tàu đánh bắt xa bờ của địa phương bị phía Indonesia bắt giữ. Thậm chí có gia đình, như bà Lê Văn Tám, ngụ Long Hải, BR-VT, cả gia đình 135 người đi trên 4 tàu bị bắt cả vào tháng 5/2007.

 

Thế nhưng, người dân vẫn bất chấp nguy hiểm đã được cảnh báo.

 

  • Phan Công (từ Bà Rịa – Vũng Tàu)
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,
;