- Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Bùi Bá Bổng chiều nay (19/2) khẩn cấp báo động các địa phương trong cả nước về một đợt dịch cúm gia cầm mới có thể bùng phát vào tháng 3. Gia cầm đang chết rải rác ở các tỉnh phía Bắc, còn người dân vẫn vô tư ăn thịt. Nhiều người dân phớt lờ khuyến cáo của cơ quan chức năng về việc ăn thịt gia cầm chết (Ảnh Phạm Hải)
Thêm 3 tỉnh tái phát cúm gia cầm
Tại cuộc họp của Ban chỉ đạo quốc gia Phòng chống dịch cúm gia cầm, Cục Thú y xác nhận, miền Bắc có thêm 3 tỉnh là Hải Dương, Nam Định, Tuyên Quang xuất hiện dịch cúm gia cầm.
Tại Hải Dương, hôm qua (18/2) đã phát hiện ổ dịch cúm gia cầm tại một hộ chăn nuôi gia cầm ở thôn Cụ Trì, xã Ngũ Hùng, huyện Thanh Miện. Ổ dịch đã làm chết 640 con trong tổng số 800 con gia cầm, (trong đó gà 240 con, vịt 200 con, ngan 200 con). Tất cả số gia cầm nói trên đều chưa được tiêm phòng văc-xin.
Dịch cúm cũng bùng phát tại một hộ chăn nuôi thôn Ngọc Thành, xã Cộng Hoà, huyện Vụ Bản (Nam Định) ngày 17/2. Ổ dịch đã làm chết 1.765 trong tổng số 3.450 con gia cầm 1-2 tháng tuổi, cũng chưa được tiêm phòng văc-xin.
Ngoài ra, tại Tuyên Quang, ngày 16/2 đã phát hiện ổ dịch cúm gia cầm tại hộ chăn nuôi ở xã Thái Sơn, huyện Hàm Yên. Ổ dịch đã làm chết 90 con trong tổng số 142 con gia cầm chưa tiêm phòng.
Như vậy, hiện cả nước có 7 tỉnh là Thái Nguyên, Quảng Bình, Quảng Ninh, Long An, Hải Dương, Nam Định và Tuyên Quang có dịch cúm gia cầm.
Không còn ai sợ gà dịch
Tại cuộc họp, Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) Bùi Quang Anh cho biết, ngoài 4 địa phương đang có dịch cúm là Thái Nguyên, Quảng Bình, Long An và Quảng Ninh, vài ngày qua, rất nhiều người gọi điện đến đường dây nóng của Cục phản ánh hiện tượng gia cầm chết rải rác tại các tỉnh Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Tây và Nam Định.
Vừa có chuyến đi thực tế từ miền Trung ra, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi Nguyễn Thanh Sơn cũng thông báo ở các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Nghệ An... có hiện tượng gia cầm chết, song người dân không biết rõ bệnh gì. Nhân ngày Tết, họ còn giết mổ gà chết ăn thịt luôn.
Thậm chí, tại một số tỉnh tái diễn tình trạng gom xác gia cầm vào bao tải rồi vứt xuống sông. Nhiều nơi gia cầm chết bất thường nhưng không lấy mẫu xét nghiệm, quy cho là chết rét, chỉ đến khi bệnh nhân có virus mới triển khai các biện pháp chống dịch. Chính vì vậy mà sau Tết, số bệnh nhân nhiễm H5N1 tăng cao, trong vòng 3 tuần đã có 4 trường hợp mắc.
Ông Quang Anh nói, trường hợp bệnh nhân chết do nhiễm virus H5N1 ở Ninh Bình là do mua gà ở Hoa Lư về ăn. Tại huyện này, khi Chi cục Thú y tỉnh đến kiểm tra, người dân khai có gà chết nhưng kết quả xét nghiệm lại dương tính với H5N1, có thể do gà chết từ trước đó mà người dân không biết.
Thậm chí, tại Hải Dương, ngày 5/1, xã báo lên huyện có hiện tượng gà chết nhưng huyện không hề có can thiệp gì. Sau đó, Chi cục Thú y tỉnh mới cử người xuống tiến hành khử trùng, tiêu độc.
Thứ trưởng NN-PTNT Bùi Bá Bổng lên tiếng báo động đỏ các địa phương cả nước về tình trạng một đợt gia cầm mới có thể bùng phát trong tháng 3, đặc biệt tại các tỉnh ĐBSH và ĐBSCL. Thời tiết lạnh, ẩm cộng với việc người dân không chịu khai báo gà chết; vận chuyển, ăn thịt gia cầm bệnh và số lượng gia cầm tăng sau Tết... là nguyên nhân chính khiến dịch tái phát.
Đây cũng là thời điểm giáp ranh giữa đợt tiêm phòng cũ và triển khai tiêm phòng mới năm 2008 nên số gia cầm mang virus tăng cao.
Việc tiêm phòng đợt 1 năm nay đến tháng 3 mới triển khai. Trong khi đó, lượng văc-xin còn trong kho rất ít, chỉ khoảng 40 triệu liều. Công ty NAVETCO đang gấp rút đấu thầu để mua 250 triệu liều từ Trung Quốc.
Ngoài ra, bệnh LMLM, tai xanh, tụ huyết trùng, tiêm mao trùng... đang có nguy cơ bùng phát ở đàn trâu, bò, vốn đã suy kiệt vì giá rét. Do vậy, Thứ trưởng Bổng lưu ý các địa phương cần chuẩn bị kế hoạch tiêm phòng, theo dõi và chăm sóc phục hồi cho đàn gia súc.
-
Hà Yên