221
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
1009764
Qui hoạch 40km sông Hồng: Có di dời nổi 17 vạn dân?
1
Article
null
Qui hoạch 40km sông Hồng: Có di dời nổi 17 vạn dân?
,

(VietNamNet) - Sau nhiều "mổ xẻ" của dư luận, ngày 27/11/2007, "đại dự án" qui hoạch đôi bờ sông Hồng (đoạn qua Hà Nội) được đưa ra lấy ý kiến các hội nghề nghiệp, cơ quan chuyên môn và nhận nhiều thái độ mừng, lo, vui, buồn lẫn lộn...

Theo GS.TS Trần Đình Hợi - Phó Viện trưởng Viện Khoa học thuỷ lợi (Bộ NN&PTNT), so với hội thảo tháng 9/2007, báo cáo tóm tắt cuối kỳ lần này đã được các chuyên gia Hàn Quốc tiếp thu nghiêm túc ý kiến nhiều cơ quan, ban, ngành nêu ra và hoàn chỉnh những ý kiến này vào dự án. Đặc biệt, về chỉnh trị sông, báo cáo tóm tắt đã có thêm các số liệu kết quả tính toán thủy lực cho các mặt cắt bề rộng sông cùng mực nước tả ngạn, hữu ngạn trên một tuyến dài gần 40km làm cơ sở hoạch định tuyến đê mới.

Bên cạnh đó, theo Phó Viện trưởng Hợi - phía Hàn Quốc cũng đã đề cập việc cần phải thí nghiệm mô hình thủy lực (vật lý) trong tính toán chỉnh trị sông và vạch tuyến đê tại giai đoạn tiếp theo, trước khi bắt tay vào thiết kế kỹ thuật sau này...

Bãi và sông Hồng - vấn đề chưa bao giờ dễ giải quyết (Ảnh: T.A.N).
Bãi và sông Hồng - vấn đề chưa bao giờ dễ giải quyết (Ảnh: T.A.N).

Phát biểu tại hội thảo, TS Phạm Sỹ Liêm - Phó Chủ tịch Tổng Hội Xây dựng Việt Nam khẳng định: "Tôi đồng tình với phạm vi dự án mở rộng ra cả đoạn sông dài 40km thuộc phạm vi Hà Nội để lập qui hoạch phát triển. Tuy nhiên, tôi cho rằng dự án nên đề cập đến hiện trạng và phương hướng phát triển các đoạn sông ở thượng lưu và hạ lưu gần kề Hà Nội, trong bối cảnh Vùng Đại thị Hà Nội đang được hình thành. Phạm vi dự án thì mở rộng nhưng trọng điểm phát triển của dự án thì vẫn là khu vực 2 và 3, ít nhất là từ nay đến 2020".

Cũng theo TS Liêm, dự án này được đặt ra vào đúng lúc việc cải tạo dân cư ngoài bãi sông Hồng đã, đang trở nên vô cùng cấp thiết. Dân ngoài bãi sẽ không chỉ đông lên nhanh chóng, rải dọc hữu ngạn mà còn "bành trướng" sang cả tả ngạn nhờ xuất hiện thêm nhiều cầu mới. Muộn triển khai chừng nào, vấn đề giải phóng mặt bằng và tái định cư sẽ phức tạp, nặng nề thêm chừng ấy (có thể không dừng lại ở con số 17 vạn dân như tính toán giờ đây mà lên vài ba chục vạn!?)...

Nhưng, "đại dự án" này có xong được vào 2020 hay không khi mà theo GS.TS Nguyễn Thế Bá - Chủ tịch Hội Qui hoạch phát triển đô thị Việt Nam: "Thực tế, chúng ta làm mỗi cái đường vành đai 3 mà 10 năm không xong, vậy giải quyết hàng chục vạn dân sẽ mất bao lâu và như thế nào?".

Nhiều phân vân quanh vấn đề "có di dời nổi không? di dời như thế nào? tái định cư ra sao?" cho một số lượng cư dân khổng lồ (từ trước đến nay chưa dự án nào tại Việt Nam "vấp" phải) cũng vừa được VietNamNet ghi nhận...

"Phương án di dời 17 vạn dân chưa khả thi về mặt xã hội" (TS Nguyễn Xuân Mai - Viện Khoa học Xã hội)

TS Nguyễn Xuân Mai (Ảnh: T.A.N).
TS Nguyễn Xuân Mai (Ảnh: T.A.N).

Người dân khu vực bãi sông Hồng đã xây dựng hàng vạn ngôi nhà kiên cố, có giá trị vật chất lớn để sống chung với lũ nhiều năm nay và họ đang lạc nghiệp. 17 vạn người này thật sự có nhu cầu, nguyện vọng thiết tha, cấp bách muốn di dời hay không? Có thật cần phải di dời hay không? Và, dự án có thể chỉ cần di chuyển một bộ phận dân cư ở khu vực nào mất an toàn nghiêm trọng nhất, mà vẫn đạt được đáng kể các mục tiêu khác được không?

Theo tôi, cho dù đưa ra con số 171.325 người cần di dời nhưng đến nay cơ sở tài chính, thể chế, thị trường bất động sản, khả năng tổ chức giải phóng mặt bằng, vị trí di dời, tâm lý xã hội... vẫn chưa được chuẩn bị đầy đủ cho 39.100 hộ này.

Dự án dự tính kinh phí cho di dân và tái định cư vào khoảng 1,56 tỉ USD - một con số có vẻ lớn, nhưng nếu tính bình quân thì một hộ phải dời đi chỉ được nhận khoảng 600 triệu đồng (đủ khả năng mua 1/3 hoặc một nửa căn hộ chung cư bình thường theo giá thị trường hiện tại).

Với lịch sử đất đai phức tạp ở khu vực ngoài đê, các giới hạn về xây dựng theo Luật Đê điều - chắc rằng đa số hộ dân nơi đây sẽ thuộc diện "nhà đất bất qui tắc" và chỉ được nhận mức đền bù, hỗ trợ rất thấp. Vì vậy, sẽ có một lượng đông đảo các hộ gia đình sẽ phải dời đến các khu vực "nhà đất bất qui tắc" khác, hay không đủ tiền mua một căn tái định cư. Thế là, những vấn đề mới về quản lý đô thị sẽ lại được đặt ra tại các khu vực khác của Hà Nội?!

TS Đào Ngọc Nghiêm (Ảnh: T.A.N).
TS Đào Ngọc Nghiêm (Ảnh: T.A.N).
"Việc di dân giải phóng mặt bằng chưa mang tính thực tiễn" (TS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Qui hoạch phát triển đô thị Hà Nội)

Hiện nay, một năm Hà Nội chỉ di khoảng 7.000 hộ dân mà vẫn phải bàn lên họp xuống giữa các bộ, ngành, sở, hội đồng... mà vẫn không xong! 17 vạn dân di đi đâu, rồi khi quay về lại tái định cư trong khu vực 431ha, tức bình quân 12m2 đất ở/người?

Trong các khu đô thị tại Hà Nội hiện nay, không nơi nào chỉ tiêu thấp như vậy! Qui chuẩn xây dựng Việt Nam qui định chỉ tiêu đất ở thấp nhất tại đô thị là 11m2/người, cao nhất là 50m2/người - vậy chỉ tiêu đất ở trong tương lai tại khu vực sông Hồng này sẽ thấp gần mức "bét" nhất?

Hiện nay, tại Hà Nội, chỉ tiêu đất ở bình quân tại nhiều khu cải tạo lại, khu cũ cũng khoảng 20 - 25m2/người. Theo tôi, nếu không xem xét lại vấn đề này thì coi như vậy là dự án chưa tạo ra được một môi trường sống tốt cho cư dân. Giờ đây và càng về sau, không thể chấp nhận một "đô thị nén" được!

"Không thể đồng khởi giải phóng mặt bằng!" (TS Phạm Sỹ Liêm - Phó Chủ tịch Tổng Hội Xây dựng Việt Nam)

TS Phạm Sỹ Liêm (Ảnh: T.A.N).
TS Phạm Sỹ Liêm (Ảnh: T.A.N).

Hiện nay, việc đền bù, giải phóng mặt bằng đang là thách thức lớn trong phát triển đô thị cả nước và là nguyên nhân gây bất ổn xã hội tại một số nơi. Tôi nghĩ sắp tới Nhà nước chắc sẽ phải đổi mới chính sách thu hồi đất phục vụ phát triển. Điều chú ý, việc giải phóng mặt bằng tại Hà Nội không chỉ bó gọn tại khu vực ngoài sông Hồng này - vì vậy Thành phố cần lập ra chương trình và kế hoạch thu hồi đất từ nay đến 2020 để có thể tổ chức thực hiện một cách bài bản hơn, chuyên nghiệp hơn...

Xã hội càng văn minh, đô thị càng phát triển, càng không thể "gặp đâu xử lý đấy" hoặc "đồng khởi giải phóng mặt bằng"!

Hiển nhiên, cùng một lúc Hà Nội còn nhiều dự án lớn khác cấp bách cần thực hiện. Nên khéo léo kết nối chúng lại theo một ý đồ, tạo thành khu vực phát triển liên hoàn hiện đại rộng lớn, tránh chồng chéo, rời rạc, mâu thuẫn... bởi Hà Nội còn phải đóng vai trò đô thị hạt nhân cho Vùng Đại thị Hà Nội và Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.

  • Hoàng Huy (thực hiện)

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,