221
455
Đời sống
doisong
/xahoi/doisong/
777092
Cọc tiêu bê tông cốt tre, ''sáng tạo''... bi hài trên QL18
1
Article
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
Cọc tiêu bê tông cốt tre, ''sáng tạo''... bi hài trên QL18
,

(VietNamNet) - Cách đây 2 năm, những sai phạm của PMU18 và các đơn vị thi công đã được các phương tiện thông tin đại chúng phát hiện. Chuyện lạ chỉ có ở Việt Nam, cọc tiêu đường được làm bằng bê tông, nhưng cốt bằng tre. Một ''sáng tạo'' của đơn vị thi công trong thời điểm... ''tre rẻ hơn thép''!

Soạn: AM 732499 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Chuyện chỉ có ở QL18: Bê tông cốt tre!- Ảnh: TL
 

Khi TGĐ PMU18 Bùi Tiến Dũng bị bắt, những dự án tai tiếng của PMU18 trước đó bị phanh phui, nhiều người dân ở địa bàn huyện Yên Phong (Bắc Ninh) mới nhớ lại chuyện mờ ám liên quan đến PMU18 có từ trước đó 2 năm.

Đó là chuyện ''cười ra nước mắt'' ở Quốc lộ 18 (QL18) khi bị làm gian dối để ăn cắp một cách trắng trợn. Thật may, vụ việc ''lộ sáng'' từ những đứa trẻ chăn trâu thiếu tiền, phải đập cọc tiêu lấy sắt bán... nhưng chỉ thấy cọc tre!

May có trẻ chăn trâu!

Năm 2004, sự việc bị phát hiện một cách... nực cười. Đó là, qua công tác tuần tra, kiểm soát, lực lượng công an huyện Yên Phong (Bắc Ninh) đã phát hiện và bắt quả tang một số trẻ chăn trâu đang đập vỡ cọc tiêu bê tông để lấy sắt đem bán.

Đấu tranh từ những trường hợp này, lực lượng công an còn làm rõ 22 cháu nhỏ cùng trong độ tuổi này chủ yếu ở thôn Trác Bút (Thị trấn Chò- huyện Yên Phong) đã đập phá cọc tiêu bê tông lấy sắt vụn đem bán cho đồng nát lấy tiền. Các cháu khai nhận đã đập 33 cọc tiêu bê tông.

Tuy nhiên, một điều bất ngờ từ lời khai của các cháu nhỏ này. Khi đập vỡ những cọc tiêu bê tông đầu tiên, trong lõi cọc tiêu không hề có lõi sắt mà chỉ có... cọc tre! Vì thất vọng không có sắt, lũ trẻ chăn trâu tiếp tục đập những cọc tiêu bê tông khác và cũng chỉ thấy toàn lõi tre.

Trong khi đó, theo tiêu chuẩn quy định, một cọc tiêu bê tông cao 90cm phải có 4 lõi sắt phi 10 và từ 3-4 đai sắt phi 6.

Thời điểm đó, vụ việc đã được công an huyện Yên Phong vào cuộc và một số báo đưa tin. Trưởng công an huyện Yên Phong, Trung tá Lê Đức Thanh cho biết, sau sự việc này công an huyện đã làm việc với 2 đơn vị thi công là Công ty Công trình giao thông Hải Phòng và Công ty xây dựng số 8 Thăng Long (thuộc Tổng công ty xây dựng Thăng Long) về việc mất trộm cọc tiêu bê tông 2 bên đường (đoạn từ cầu vượt Kim Lũ đến cầu vượt thị trấn Chò).

Có một điều lạ lùng là tình trạng mất trộm cọc tiêu không hề được đơn vị thi công trình báo với cơ quan công an địa phương. Họ đã trực tiếp cắm thay thế vào đó những cọc tiêu bê tông mới! Theo báo cáo của các đơn vị này, số lượng cọc tiêu bị mất phải trồng lại của mỗi đơn vị khoảng 500 chiếc.

Lý do của việc hai đơn vị thi công không trình báo tình trạng mất cọc tiêu ở đây rất dễ hiểu. Đó là do lũ trẻ chăn trâu đập phá cọc tiêu bê tông mà không hề có lõi sắt, vậy nếu đơn vị thi công mà trình báo công an hoá ra ''lạy ông tôi ở bụi này'' !?

Lũ trẻ chăn trâu chỉ có chút tội do non dại và nghèo túng, nhưng chúng đã ''có công'' phát hiện ra cách làm ăn gian dối của các đơn vị thi công. Nhưng câu chuyện sẽ không dừng lại ở đó. Vấn đề đặt ra là chất lượng các hạng mục khác của dự án nâng cấp cải tạo QL18 sẽ được xem xét như thế nào? Trách nhiệm của đơn vị thi công, đơn vị giám sát kỹ thuật ra sao?

Cọc tiêu làm giả bị phát hiện may nhờ trẻ chăn trâu. Những hạng mục nằm sâu dưới lòng đường cách nào ''lộ sáng''?- Ảnh: TL

Một vài tờ báo thời điểm đó đã cảnh báo: ''Cả hàng nghìn cọc tiêu bị ăn cắp chất lượng, vấn đề tài chính của dự án cần được xem xét làm rõ. Rộng hơn nữa là chất lượng của toàn bộ gói thầu trong dự án này phải được xem xét lại một cách hết sức nghiêm túc, bởi những cọc tiêu bê tông mà được đúc bằng lõi tre là điều không thể chấp nhận được ở một công trình giao thông gắn liền với sinh mạng hàng triệu người tham gia giao thông...'' 

''Do tre rẻ hơn thép''!?

Trước sự việc ''bê tông cốt tre'' này, thời điểm đó các đơn vị liên quan đã có những thông tin giải thích với báo giới. Tuy nhiên, đó chỉ là những lý giải thiếu thuyết phục khiến dư luận càng thêm bất bình.

Đại diện Ban điều hành dự án nâng cấp QL18 đoạn Nội Bài- Bắc Ninh khi đó đã giải thích với báo giới, vào thời điểm cuối tháng 12/2003, trong giai đoạn cuối hoàn thành đoạn tuyến này để chuẩn bị cho việc thông xe kỹ thuật ngày 14/1/2004, nhà thầu đã chôn đầy đủ cọc tiêu với mật độ 20m/cọc.

Gói thầu số 1 thuộc dự án Quốc lộ 18 đoạn Nội Bài - Bắc Ninh, có giá trị 433 tỷ đồng. Quốc lộ 18 được xây dựng với vốn hỗ trợ ODA của Nhật Bản và Ngân hàng Phát triển châu Á, nối liền sân bay Nội Bài, sân bay quốc tế lớn nhất ở miền Bắc với cảng Cái Lân, cảng nước sâu lớn nhất Việt Nam và cảng nước sâu duy nhất của miền Bắc.

Theo vị đại diện Ban điều hành này, sau đó khoảng một tuần, trên một số đoạn đường này đã xảy ra hiện tượng cọc tiêu bị phá để lấy thép. Do phải trồng đi trồng lại cọc tiêu nhiều lần nên đơn vị thi công là Công ty Công trình giao thông Hải Phòng đã ''sáng kiến'' ra biện pháp dùng lõi tre... thay cho cốt thép. Lý do thay lõi tre được đưa ra: ''để nếu người nào đập ra thấy lõi tre sẽ không lấy nữa'', nhưng vẫn đảm bảo an toàn cho tuyến đường.

Thay mặt Ban điều hành dự án, vị lãnh đạo này đã khẳng định khi nào dự án được nghiệm thu bàn giao chính thức thì số cọc cốt thép ''chuẩn'' đang dự trữ sẽ được chôn lại thay cho các cọc bê tông cốt tre kia. Tuy nhiên, dư luận khi đó đã đặt ra câu hỏi, nếu không có việc mấy đứa trẻ chăn trâu phát hiện ra bê tông cốt tre thì số cọc tiêu ấy có được thay thế?

Chuyện hài hước hơn, Ban điều hành dự án khi đó đã thanh minh, việc đơn vị thi công lắp đặt cọc tiêu bằng bê tông cốt tre như một ''biện pháp tình thế''. Sự ''sáng tạo'' này đơn vị thi công không thông báo cho Ban điều hành dự án biết. Khi đó, Ban điều hành dự án đã thừa nhận không thống kê được số lượng cọc tiêu đã thay thế và không thể phân biệt được cọc bê tông cốt tre và cốt thép.

Đại diện cho Ban quản lý các dự án PMU18 giải thích về hiện tượng ''bê tông cốt tre'' lại chính là Phạm Tiến Dũng (đã bị bắt), khi đó là Trưởng phòng triển khai dự án 6, chủ đầu tư QL18 đoạn Nội Bài- Bắc Ninh.

Phạm Tiến Dũng đã nói thẳng: ''Đây là lỗi của nhà thầu và lỗi của các cơ quan quản lý. Trước hết, chúng tôi xin nhận trách nhiệm và lỗi này. Đây là lỗi không thể chấp nhận được''.

Tuy nhiên, cách lý giải về sự cố ''cọc tiêu bê tông cốt tre'' mà vị đại diện chủ đầu tư đưa ra vẫn chỉ là ''giải pháp tình thế'' của một số đơn vị thi công! ''Do quá trình thay thế cọc tiêu mang tính nhỏ lẻ nên chưa quản lý được. Đây là việc rất đau đầu cho Ban điều hành và chủ đầu tư''- Phạm Tiến Dũng cho biết.

Theo ông Phạm Tiến Dũng, có 5 đoạn đã bị thay thế cọc và chủ đầu tư đã yêu cầu phải thay thế lại toàn bộ số cọc ở 5 đoạn này bằng cọc bê tông cốt thép chuẩn. Phạm Tiến Dũng đã từng thừa nhận không thể khẳng định được 100% cả mấy nghìn chiếc cọc tiêu không còn cái nào là cái cốt tre, nhưng ít ra là đã thay thế số cọc tiêu có sai sót trên 5 đoạn. Những đoạn còn lại được cho là không có cọc cốt tre chỉ dựa trên xác định ban đầu...

''Thật là một sự bi hài khi các cọc tiêu bê tông cốt tre chỉ được phát hiện từ những vụ lấy cắp. Liệu có cách giải thích nào đây cho kết quả của toàn bộ các khâu thi công, giám sát, nghiệm thu công trình?''- Năm 2004, một tờ báo đã bình luận như vậy.

Cọc tiêu ''sáng tạo'' của đơn vị thi công!- Ảnh: TL

Theo tìm hiểu của chúng tôi, với 3.000 cọc tiêu trên QL18 đoạn Nội Bài- Bắc Ninh khi đó, không thể biết được đâu là lõi tre, đâu là lõi thép. Phạm Tiến Dũng cũng đã từng thừa nhận không thể giám định chất lượng của toàn bộ cọc tiêu trên. Bởi vì, muốn xác định cốt thép hay cốt tre thì ngoài cách đập vỡ chỉ còn giải pháp... ''siêu âm''! Tuy nhiên, giá để siêu âm một chiếc cọc lên tới vài trăm ngàn đồng, đắt hơn rất nhiều so với giá của một chiếc cọc là 39.000 đồng.

Quy định về cọc tiêu cho QL18 đoạn Nội Bài- Bắc Ninh phải có 2,6kg thép. Trong thời điểm đầu năm 2004 giá thép tăng, thì riêng 2,6kg thép này đã có giá tới 25 ngàn đồng. Và, các đơn vị thi công đã ''sáng tạo'' khi giá tre rẻ hơn giá thép!?

Sai phạm bị lãng quên?

Vào thời điểm đó, biết được sự việc ''bê tông cốt tre'', ông Trần Chủng, Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước, Thường trực Hội đồng giám định nhà nước đã nói: ''Dù là làm tạm cũng không thể chấp nhận được, không có quy chuẩn xây dựng nào cho phép làm như vậy. Việc này cần phải xem xét nghiêm túc. Hoàn toàn có thể phải nghi ngờ đến chất lượng của cả công trình!''

Ông Nguyễn Ngọc Long, Cục trưởng Cục giám định và Quản lý chất lượng công trình giao thông (Bộ GTVT) khi biết được sự việc đã giao cho PMU18 phải có báo cáo giải trình để làm rõ bản chất vấn đề. ''Khi đó, công trình này chưa bàn giao, nếu là công trình hoàn chỉnh để nghiệm thu bàn giao mà để xảy ra tình trạng như thế thì phải kiểm điểm, kỷ luật nghiêm khắc, thậm chí phải truy tố người làm sai''- Ông Long phát biểu trước báo chí.

Trước sự kiện ''bê tông cốt tre'', PMU18 đã có Công văn số 1750/PID6 do Phó TGĐ Đỗ Kim Quý ký: '' ...Do tình trạng trẻ em đập phá cọc tiêu lấy cốt thép trên tuyến diễn ra thường xuyên và nhiều lần, đơn vị thi công trực tiếp là Công ty xây dựng Hải Phòng đã đối phó bằng cách tự ý dùng bê tông cốt tre thay vào vị trí các cọc tiêu đã bị mất, đồng thời cũng chuẩn bị sẵn cọc tiêu đảm bảo thiết kế để trước khi nghiệm thu sẽ cắm lại. Mặt khác, nhà thầu đã không có phiếu báo thi công cho tư vấn giám sát, nên khi các cọc tiêu cốt tre trồng xong, tư vấn giám sát và chủ đầu tư mới phát hiện ra.

Ngày 10/4/2004, tại cuộc họp sau khi kiểm tra hiện trường bao gồm các đại diện của Cục Giám định, Cục Đường bộ VN, các đơn vị quản lý liên quan và tư vấn, nhà thầu, do phát hiện được có đơn vị thi công của nhà thầu sử dụng bê tông cốt tre làm cọc tiêu, Ban quản lý các dự án 18 đã chỉ đạo tư vấn, nhà thầu loại bỏ cọc tiêu này, thực hiện đúng thiết kế và yêu cầu kỹ thuật. Ngày 6/5/2004, nhà thầu đã nhỏ bỏ các cọc tiêu này và hiện nay đã sản xuất theo đúng thiết kế, đang chờ tư vấn giám sát kiểm tra cho chấp nhận để lắp đặt.

Ban đã kiến nghị Bộ GTVT xem xét, xử lý kỷ luật đối với lãnh đạo, các cá nhân và đơn vị trực tiếp thi công của Công ty Xây dựng Hải Phòng, các cán bộ liên quan thuộc Ban điều hành Nội Bài- Bắc Ninh.

Về chất lượng thi công các hạng mục đã nghiệm thu của gói 1 QL18 thông qua tài liệu đánh giá của cơ quan kiểm định chất lượng, đã đáp ứng các yêu cầu và thiết kế, đảm bảo chất lượng. Một số các hạng mục còn tồn tại, Ban quản lý các dự án 18 đã có thái độ kiên quyết yêu cầu tư vấn, nhà thầu thực hiện đúng yêu cầu chất lượng công trình...''

QL18, một trong những sai phạm của PMU18- Ảnh: TL

Tuy nhiên, sự khẳng định của PMU18 bằng thái độ ''kiên quyết yêu cầu tư vấn, nhà thầu thực hiện đúng yêu cầu chất lượng công trình'' được trả lời bằng hàng loạt sai phạm đoạn Nội Bài- Bắc Ninh sau đó 2 năm.

Sau khi TGĐ PMU18 bị bắt, hàng loạt sai phạm của PMU18 được báo chí phanh phui. Ngày 21/3, báo Tiền Phong đưa tin, Dự án đường Bắc Ninh-Nội Bài cũng gây thất thoát hàng chục tỷ đồng. Tại dự án này, PMU 18 đã lập hồ sơ mời thầu không sát thực tế dẫn đến việc giá trị dự toán (phê duyệt theo hồ sơ trúng thầu) tăng 22,6 tỷ đồng. Trong đó, sai khối lượng trong hồ sơ mời thầu dẫn đến giá trị dự toán tăng 13,4 tỷ đồng; Thay đổi chủng loại vật liệu nhưng chưa làm thủ tục điều chỉnh giảm giá dự toán 1,5 tỷ đồng.

Thêm nữa: ''Một trong những sai phạm nghiêm trọng của PMU 18 là lập hồ sơ “ma” và chấp thuận thay đổi vật liệu gây ra thất thoát lớn. Ví dụ, hồ sơ của PMU 18 lập có khối lượng cọc cát đường kính 40 cm là 270 ngàn mét, nhưng thực tế thi công lại chỉ có 90 ngàn mét. Với sai phạm này đã làm thiệt hại cho nhà nước 3,4 tỷ đồng''.

Những sai phạm của PMU18 sẽ tiếp tục được VietNamNet thông tin tới bạn đọc trong thời gian tới.

  • Thế Lê Vinh

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,