(VietNamNet) - Hàng trăm mét đê bị vỡ. Hàng ngàn người thấp thỏm lo âu. Mọi nỗ lực ứng phó đều bất lực. Trước những ngọn sóng cao quá đầu người đánh sập dãy đê chắn sóng. Nam Định ngày bão ập đến trông thương đến xót xa…
Đường đi của bão số 7 vào Nam Định rút ngắn dần theo từng bản tin báo bão. Hàng trăm ngàn người ngóng mắt, ngóng tai thấp thỏm chờ bão đến. Đặc biệt, với những người trực chiến “đón” bão, nét mặt lo âu lộ rõ. Đến lúc đê vỡ, tất cả đều hốt hoảng, dù đã dự báo trước được điều đó. Chưa có tin thiệt hại về người, nhưng thiệt hại về vật chất của Nam Định đã được ước tính bằng con số hàng tỷ…
Trắng đêm đón bão
19h 26/9, “Bão số 7 vừa qua đảo Hải Nam với vận tốc 200km/giờ, vào vịnh Bắc Bộ, cách đất liền 310 km về phía Đông… Dự báo sẽ ảnh hưởng trực tiếp các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Quảng Trị…”.
Chưa bao giờ tôi phát sợ cái chất giọng ngọt ngào của cô phát thanh viên trên truyền hình sau khi đọc bản tin báo bão khẩn cấp như lần này, đầy tin dữ. Như vậy, chúng tôi sẽ nằm ở tâm bão. Vì dự kiến, tâm bão số 7 sẽ đi qua Nam Định hoặc Thanh Hóa.
Xem vieoclip diễn biến bão số 7 |
- Nam Định, Thanh Hoá, nhiều tuyến đê bị vỡ - Diễn biến bão số 7 |
20h 26/9, TP Nam Định bình yên đến lạ. Đường phố hiu hắt dưới ánh đèn đường vàng vọt. Những cành cây vẫn còn nằm ngổn ngang trên đường sau khi bị cắt tỉa để “đón” bão. Chỉ duy nhất đoạn dưới chân cầu Đò Quan, nối đường Trần Hưng Đạo, trên 200 thanh niên là nhân viên của Công ty Công trình đô thị TP Nam Định và đoàn viên của 4 phường đang cố gắng chất những bao cát, kéo dài gần 1km để bảo vệ tuyến đường huyết mạch đi về 6 huyện phía Nam của Nam Định không bị ngập nước.
21h 26/9, chiếc Hyundai 2 cầu, 4 chỗ băng trong đêm tối mù mịt, đưa chúng tôi rời TP Nam Định đến thị trấn Thịnh Long, huyện Hải Hậu. Mất hơn 2 giờ để vượt qua 60km đường ngập gió và mưa như trút vào mặt kính.
Những đoàn xe và dòng người cuối cùng sơ tán tránh bão đi ngược phía chúng tôi càng lúc càng thưa. Để lại sau lưng họ, nhưng là trước mặt chúng tôi, những mái nhà vắng bóng người, cửa cột chặt và những hàng cây bị gió đạp sóng xoài, áp sát mặt đường loang loáng nước.
00h 27/9, tất cả ủ rũ dưới mưa và gió lớn rít lên từng cơn điên dại. Lẫn trong thứ âm thanh rùng rợn đó là tiếng sóng biển, tiếng mái lợp kim loại va đập vào nhau. Bóng đèn chợt sáng, chợt tắt, lại chợt sáng, rồi tắt ngúm. Bão đang rất gần chúng tôi…
“Dự kiến 6h-8h bão sẽ ập vào, tâm bão sẽ đi qua Nam Định. Nơi anh đang ở sẽ bị “đánh” rất mạnh” - gã đồng nghiệp nheo nhéo trong tai tôi từ đầu dây điện thoại bên kia.
4h 27/9, hé cánh cửa sổ cố nhìn ra ngoài, sức gió lúc này đã vượt qua cấp 9, mang đến cho vùng đất những nỗi lo sợ sắp có thật: Vỡ đê...
“Bão đã gần đất liền lắm! Sức gió tại Thịnh Long đã lên cấp 12. Nhiều cây dương liễu, thông đã bị bật gốc. Nhiều nhà bị tốc mái. Sóng biển cao khoảng 3,5 mét…” Những dòng tin đầu tiên về bão số 7 bắt đầu đổ bộ vào đất liền được chúng tôi báo về tòa sọan từ lúc 6h 27/9.
2 giờ sau đó, chúng tôi gần như phải bò ra ngoài, khi muốn di chuyển ra hướng biển để ghi hình. Hàng loạt cây dương liễu chắn gió đã “thất thủ”, bật gốc phơi xác trên đê.
Nỗ lực trong bất lực
Lúc này, sức gió đã lên cấp 12, giật cấp 13. Sóng biển đánh vào đê, làm tung bọt nước, bay lẫn vào trong mưa tạt vào sâu trong đất liền hàng chục mét.
Quân đội và thanh niên địa phương được điều động và bằng mọi cách hộ đê, ngăn vỡ đê, nhưng bất thành. Chỉ 1 giờ sau khi bão ập đến, nhiều điểm đê xung yếu không đủ khả năng chắn sóng. Ngược lại đê bị sóng biển đánh tơi tả.
“Dù biết không thể cứu đê được nữa, nhưng chúng ta không thể ngồi chờ nước biển tràn qua. Còn có thể làm được gì thì cứ làm! Giờ cần điều động khẩn cấp một trung đoàn của Sư 80, một trung đoàn cơ động và lực lượng tại chỗ hiện có của cơ sở đến hộ ngay đê Thịnh Long!”
Lời ông Nguyễn Thanh Hiền, Phó Chủ tịch UBND huyện Hải Hậu, kiêm Chỉ huy trưởng Cung Phòng chống lụt bão thị trấn Thịnh Long, phát rất cương quyết ngay trên bàn ăn trưa, nhưng không giấu được nét lo âu trên đôi mắt mệt mỏi qua mấy ngày mất ngủ.
40 phút sau khi “lệnh” được phát ra, tin vỡ đê đầu tiên ở tuyến đê Thịnh Long báo về. Tất cả thất thần.
“Phải di tản khẩn cấp! Tất cả nhân lực cần tập trung vào bảo vệ những người dân đang bám trụ lại hộ đê. Cần đưa tất cả dân, lính, phương tiện đến điểm cao an toàn”.
“Lệnh” lần này không phải phát ra từ vị Phó tịch huyện. Chúng tôi chẳng thể nhìn để xác định ai vừa nói. Nhưng tất cả đều cuống cuồng dọn dẹp đồ trong trụ sở của Trung tâm thu sóng tỉnh (nơi được trưng dụng làm trung tâm chỉ huy ứng phó bão số 7 của thị trấn) để tháo chạy.
11h45’ 27/9, qua điện thoại, ông Hiền báo: 20 mét đê Thịnh Long Long đã vỡ, nước đang tràn vào rất nhanh, mọi người đang khẩn trương sơ tán đến điểm cao để tiếp tục bám giữ địa bàn. Đến 17h cùng ngày, Thịnh Long đã có thêm 250m đê chắn sóng bị vỡ.
Vào thời điểm này, nhà nghỉ Công Đoàn cách bờ biển 200 mét, nơi chúng tôi vừa ở 30 phút trước, đã bị cô lập bởi biển nước. Cả nhóm thở phào, vì đã giải cứu được chiếc ôtô trước khi nó bị nuốt chửng vào lòng nước.
Chúng tôi rời Thịnh Long, Hải Hậu như những kẻ thất trận tháo chạy trước khi bị bắt. Để lại sau lưng một biển nước, nơi mà trước vài chục phút, những vết chân nặng trĩu vì mưa và gió vừa in trên nền đất. Nhưng tự nhủ, đã không có thiệt hại về người xảy ra ở đây, đó đã là một điều kỳ diệu, một thành công quá lớn trong công tác phòng chóng bão tại địa phương này, nơi tâm bão đi qua. Vì vậy, chúng tôi sẽ trở lại Hải Hậu khi bão tan, để chứng kiến người dân Hải Hậu vực dậy sau bão như thế nào?!
-
Phan Công - Phạm Hải (từ Nam Định)