(VietNamNet) – Chiều 3/2/, tức là hơn một ngày sau khi UBND.TPHCM cho phép “mở cửa” bãi rác Đông Thạnh, khu vực này đã trở nên ồn ào, tấp nập bởi liên tiếp những đoàn xe tải từ các quận, huyện trong thành phố đổ về, mong tìm được chỗ... chôn gà vịt "an toàn”. Thế nhưng công tác bảo hộ, phòng lây nhiễm cho những người bên ngoài vào chôn gia cầm tại đây lại lỏng lẻo đến không ngờ...
Số lượng tăng, quy trình chặt …
Tài xế và phụ xe đang... đẩy trứng gia cầm xuống hố chôn. |
Đúng 15g chiều, khu vực nhận gia cầm trước cổng bãi rác Đông Thạnh đón thêm 5 xe tải chở đầy ắp gà, vịt, trứng… từ quận 7 tiến vào.
Quá trình xử lý được tiến hành theo từng bước: Nhân viên thú y trình giấy xác nhận của Ban chỉ đạo phòng chống bệnh dịch của Quận, lập biên bản bàn giao số trứng, gà, vịt trên xe cho phía công trường xử lý rác Đông Thạnh. Xong khâu này là tới thủ tục cân xe, tính trọng tải… và rồi đoàn xe được phép chạy thẳng vào điểm chôn gia cầm cách đó khoảng 500m.
Theo ông Nguyễn Duy Tuấn – chỉ huy trưởng công trường xử lý rác Đông Thạnh, trong ngày 3/2 (tính đến 17g chiều) đã có tổng cộng 26.000kg gia cầm, trứng… được tiêu huỷ tại bãi rác này. Ông Tuấn nói: “Bất cứ xe chở gia cầm nào vào bãi rác cũng ưu tiên xử lý ngay. Chúng tôi đã phân công trực 24/24 giờ để trong những ngày có thể cùng thành phố “giải quyết” xong sớm số gia cầm cần tiêu huỷ”.
Tuy nhiên, ông Tuấn lưu ý: Sở dĩ quy trình kiểm tra ở khâu nhận gia cầm khá chặt vì ngại… địa phương khác lại mang gà, vịt tới! Cụ thể, đã từng có vài xe chở gia cầm đi tiêu huỷ ở Bình Dương đã chạy qua… Đông Thạnh “nhờ” chôn gà sau khi nghe tin bãi rác này mở cửa. “Chủ trương chung là ưu tiên giải quyết nhanh số lượng gia cầm của TP.HCM.” – ông Tuấn khẳng định.
Khu vực chôn gia cầm được bố trí gần kề con đường chính của bãi rác Đông Thạnh, nên các xe tải chỉ cần quay đuôi là có thể đổ trực tiếp xuống hố chôn. Có mặt tại hiện trường, bà Nguyễn Thị Hiển – phó giám đốc Xí nghiệp Xử lý chất thải TP.HCM (chủ bãi rác Đông Thạnh) cho biết: Trước mắt, phải cho đào một hố sâu 8m, chiều dài 100m và “lót ổ” bằng lớp nhựa chống thấm. Sau khi đổ gia cầm, trứng xuống tới 5m là lấp đất, phủ bạt lên trên và cho xe cơ giới nén chặt. Cứ ở mỗi lớp gia cầm (khoảng 1,5m) lại được rải vôi và bơm thuốc sát trùng một lần. Với cách xử lý này – theo bà Hiền là “có thể yên tâm, khả năng gây ô nhiễm là rất thấp”.
Tại khu vực chôn gia cầm, theo ghi nhận của VietNamNet luôn thường trực khoảng trên 10 nhân viên của Xí nghiệp Xử lý Chất thải TP.HCM. Họ tiến hành bơm tẩy trùng, hất vôi xuống hố và căng bạt…tuân thủ đúng quy trình đã đề ra. Bà Nguyễn Thị Hiển cho biết thêm: Tại khu vực này luôn thường trực 20 nhân viên của xí nghiệp, chia làm 3 ca trực, thế nhưng trong giờ cao điểm (từ 2g chiều đến 7g tối) đã xảy ra quá tải, dẫn tới khâu tiếp nhận, xử lý có chậm lại. Cụ thể, nếu vắng, chỉ 15 phút là “giải phóng” xong một xe tải, nhưng lúc này (4g30 chiều) các xe tải phải mất tới gần 30 phút mới có thể lăn bánh… về nhà. Quy trình như vậy là khá chặt chẽ, không thể lơ là bỏ qua một khâu nào cả.
… Nhưng phòng dịch cho người lại quá lỏng
Trước khi bước vào khu… nguy hiểm (hố chôn gia cầm), các nhân viên xí nghiệp xử lý chất thải, phóng viên báo chí đều được cấp trang phục chống dịch, găng tay, kính, được trùm kín, sát trùng từ đầu tới chân.
Thế nhưng khi vào tới nơi, chúng tôi mới nhận ra rằng mình đã quá may mắn có được những trang bị bảo hộ trên người, dù nó quá chật chội, nóng bức. Bởi trước mắt là một cảnh khó tin: Khoảng 5–6 người lái xe, phụ xe đang hối hả đẩy từng xếp trứng, bao tải gà xuống hố chôn, trong khi trên người chỉ có mong manh một chiếc khẩu trang (thậm chí có người tháo khẩu trang) gọi là... để phòng dịch! Bên dưới là xác hàng nghìn con gà, vịt, trứng vỡ... đã bắt đầu bốc mùi. Thật khó tưởng tưởng nổi…
Trao đổi với chúng tôi trong lúc đang rắc vôi khử trùng xe, tài xế tải biển số 54S–4379 - anh Nguyễn Thanh Khanh chua chát nói: “Em chở thuê theo hợp đồng với Trạm Thú y quận 7, giá 400.000 đồng/chuyến xe. Biết là vô đây khả năng nhiễm bệnh cao, nhưng mình là thân làm công, phải chấp nhận thôi! May rủi mà anh! Đồ phòng hộ thì chẳng có gì cả, có cái khẩu trang đeo lấy lệ, nóng quá lại bỏ ra!”.
Một thoáng lo ngại khi chúng tôi hỏi về khả năng lây bệnh cúm, tài xế Nguyễn Hữu Tâng (xe 54T–
0279) nói: “Đáng lẽ phần việc này (chôn gà) là của mấy ông ở quận (cán bộ thú y – PV) nhưng vì bên ấy ít người nên chúng tôi tự “giải phóng” cho nhanh để còn đi chuyến khác nữa”.
Trả lời câu hỏi của chúng tôi, bà Nguyễn Thị Phương Hà, cán bộ kiểm dịch của quận 7, cho biết kế hoạch tiêu huỷ gia cầm diễn ra quá gấp nên không chuẩn bị kịp trang bị phòng dịch cho số lái xe, phụ xe, chỉ có một số găng tay, khẩu trang… nhưng lúc làm việc thấy vướng víu, họ tự ý bỏ ra?! Riêng bà Nguyễn Thị Hiển khi trực tiếp chỉ huy việc chôn gia cầm đã tỏ ý lo ngại khả năng lây nhiễm không chỉ với chính những người tài xế mà còn lan ra tới cộng đồng. Tuy vậy, ngoài việc chỉ đạo tẩy trùng cho các xe tải, bà không thể làm gì hơn ngoài việc cảnh báo với họ về nguy cơ lây nhiễm cao tại đây!
17g15, chúng tôi rời bãi rác Đông Thạnh và chứng kiến cảnh đoàn xe phía trước cổng đang xếp lượt vào đổ rác và “xả” cả nghìn con gia cầm cần phải tiêu huỷ có “địa chỉ” từ nội thành TP.HCM.
“Đêm nay, sẽ có thêm hàng nghìn con gia cầm, trứng… sẽ được mang tới đây chôn, tiêu huỷ. Lại thêm một đêm vất vả nữa đây.” – chúng tôi nhớ lại lời “dự báo” của ông Nguyễn Duy Tuấn và nhận thấy điều đó đang sắp thành hiện thực. Chỉ có điều, thêm những xe tải chở gà, vịt là thêm nỗi lo cho những người như Khanh, Tâng – tài xế mà chúng tôi đã gặp – đang phó mặc số phận mình cho sự bất cẩn đáng trách của chính họ và của một số người trong “cơn bão” cúm gà tại thành phố này.
Bài và ảnh: Hoài Nguyễn