221
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
105186
Kêu trời, trời chẳng thấu...
1
Article
null
Kêu trời, trời chẳng thấu...
,

(VietNamNet) - Vào hồi 7h30 phút tối hôm qua (3/9), 20 lao động Việt Nam bị lừa sang làm việc tại Malaysia đã trở về nước sau nhiều ngày bị giam giữ trong các khu nhà giam và sống vạ vật tại các trại tị nạn. Về đến sân bay Nội Bài nhiều người lao động không có nổi đôi dép, bộ quần áo lành lặn...

Trở về trong vòng tay gia đình.

''Chỉ mong con được nguyên vẹn!''

Những người lao động trở về từ Malaysia tối qua hầu hết đều là nạn nhân của ''trùm lừa đảo XKLĐ'' Đào Phong Nhã.

20 con người khi ra đi thì tươi tắn, bảnh bao và tràn đầy hy vọng mang về những đồng lương từ nơi đất khách, nhưng ngày trở về lại không một xu dính túi, quần áo, đầu tóc tả tơi, lem luốc, và món nợ hàng chục triệu đồng đang chờ đón họ ở quê nhà. Hầu hết người lao động trở về lần này là những nông dân chân lấm tay bùn ở các vùng quê Bắc bộ...

''Chỉ mong con được nguyên vẹn!''- đó là câu cửa miệng mà nhiều bố mẹ lặn lội từ các vùng quê Khoái Châu (Hưng Yên), Trực Ninh (Nam Định), Bắc Giang... đến sân bay quốc tế Nội Bài đón con, đã nói.

Chị Phạm Thị Tịnh (Phúc Lâm, Mỹ Đức, Hà Tây) đã không cầm được nước mắt khi nhìn thấy mặt con và thấy con vẫn còn lành lặn trở về, mặc dù gầy yếu và già hơn. Sau khi tốt nghiệp PTTH và không đậu đại học, Trần Văn Hưng (sinh năm 1984) muốn được đi XKLĐ giúp gia đình, nhưng không ngờ lại sa vào đường dây lừa đảo của Đào Phong Nhã, để rồi tù tội, đói rách nơi xứ người.

Trong cảnh chen chúc làm thủ tục khai báo xuất nhập cảnh với cơ quan chức năng, ông Đỗ Văn Toàn (Trực Hùng, Trực Ninh, Nam Định) bó gối ngồi lặng lẽ một góc. Con trai ông sau khi tốt nghiệp PTTH đã quyết định đi xuất khẩu lao động với hy vọng ''xoá đói giảm nghèo'' cho gia đình. Không như những gia đình khác chỉ phải ''chấp nhận'' một trung gian, gia đình ông Toàn phải qua tới 3 trung gian, nên tổng chi phí lên đến gần 40 triệu đồng. Ông Toàn nhớ lại, những kẻ trung gian ngon ngọt bảo rằng sang Malaysia làm việc mỗi tháng được 300-400 USD. Sang được mấy tháng, con trai ông gửi về gần 1.000 USD, nhưng từ đó không thấy tiền mà cũng chả thấy tin tức gì. Khi ở nhà biết tin, thì bên Malaysia con ông đã bị cảnh sát bắt giam vì tội lao động bất hợp pháp.

Tù tội xứ người...

Anh Tăng Văn Dũng (Lục Nam- Bắc Giang) kể lại, anh sang Malaysia từ 16/12/2002, làm việc ở công trường xây dựng tại Kuala Lumpur được mấy tháng. Ngày 24/3 cả nhóm lao động Việt Nam bị cảnh sát ập đến kiểm tra giấy tờ và bắt giam vì tội lao động không giấy phép. Người lao động bị mất hết hộ chiếu, tiền bạc, quần áo và cả danh dự khi bị đối xử như một tên tù. Anh Dũng cho biết, Malaysia giam chung những người lao động bất hợp pháp với những tội phạm nguy hiểm có án tù dài hạn. Một khối nhà giam nhỏ chứa đến 500 tù nhân nhiều quốc gia khác nhau. Hầu hết lao động Việt Nam bị nhốt đều mắc bệnh ngoài da vì cảnh hỗn độn, đông đúc. Sau 80 ngày trời sống khổ cực, đói rách trong tù, nhiều lao động Việt Nam đã được đưa sang trại tỵ nạn chờ về nước.

Chờ người thân làm thủ tục xuất nhập cảnh.

Anh Nguyễn Văn Quang, một lao động về nước đợt này cho biết, rất may các anh đã được thân nhân ở Việt Nam và ông An Thanh Phong (Đại Hưng, Khoái Châu, Hưng Yên) tích cực gửi đơn nhờ Đại sứ quán Việt Nam, Cục lãnh sự (Bộ Ngoại giao) tại Malaysia giúp đỡ. Trước khi về Việt Nam, mỗi gia đình đã phải gửi 250 USD sang Malaysia cho người lao động lấy tiền mua vé. Ông An Thanh Phong đã đại diện cho các gia đình nạn nhân thu tiền và chuyển qua Cục lãnh sự để mua vé cho người lao động.

Trong 20 lao động Việt Nam làm việc bất hợp pháp ở Malaysia mới về nước tối qua, đáng thương nhất là tình cảnh của anh Nguyễn Văn Tuyến (xã Trực Cường, huyện Trực Ninh, Nam Định). Nghe theo lời khuyên và ''tư vấn'' của tên Đào Phong Nhã, cả hai vợ chồng bàn nhau bán nhà, vay tiền ngân hàng để đi xuất khẩu lao động. Lúc đầu chị Vũ Thị Xuyến (vợ anh Tuyến) định đi Đài Loan, nhưng tên Nhã ''khuyên'' nên đi Malaysia sẽ được lương cao hơn. Hai vợ chồng gửi con cho ông bà ngoại giữ rồi cùng nhau sang Malaysia làm việc. Anh Tuyến khi mới sang được làm tại công trường xây dựng, chị Xuyến được nhận nấu cơm cho công trường. Được hai tháng, chị bị cảnh sát bắt đưa vào blốc vì tội lao động bất hợp pháp, sau đó được về nước cách đây 2 tháng. Còn anh Tuyến bị giam giữ, đưa vào trại tỵ nạn chờ vợ vay tiền gửi sang để về đoàn tụ, dù ''tay trắng làm nên một đống bạc nợ''. Gặp nhau, hai vợ chồng cứ ôm nhau khóc: ''Về được là may lắm rồi...!''

  • Thế Lê Vinh

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,