221
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
99905
Hành lang đường Hồ Chí Minh bị lấn chiếm nghiêm trọng
1
Article
null
Hành lang đường Hồ Chí Minh bị lấn chiếm nghiêm trọng
,
Thanh tra quản lý đường bộ cưỡng chế, giải tỏa các trường hợp xâm hại hành lang đường HCM

Đường Hồ Chí Minh, tuyến đường xuyên Việt thứ hai, quốc lộ tiêu biểu cho thời kỳ hiện đại hóa, công nghiệp hóa đất nước đang đứng trước nguy cơ bị biến thành ''đường làng'', ''đường phố'', nếu như không có ngay những biện pháp khẩn cấp. Dọc tuyến có tới hàng nghìn ngôi nhà, lều quán xây dựng trái phép mọc lên như nấm.

Nhà xây áp sát đường tại huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum

Đoạn qua Vụ Quang, Hương Khê (Hà Tĩnh), ba năm trước chỉ có rừng, đi nửa ngày đường mới gặp người, bây giờ, chỉ vài cây số là có một làng mới. Những nếp nhà dựng tạm lên bằng các kiểu vật liệu: Ván gỗ, vách nứa, gạch xếp... Có những nhà đang dựng, vật liệu ngổn ngang vương cả ra đường. Có những nếp nhà tranh bé nhỏ lại cách mép đường chừng 3-4 mét, thì cũng có những quán nước, quán tạp phẩm nhô lên, thậm chí có quán hàng chỉ cách mặt đường chừng 1,5m. Khi được hỏi ai cho phép làm, lý lẽ người dân đưa ra là: Xung quanh tui nhiều người cùng làm, tại sao tui lại không làm chứ!?

Đường Hồ Chí Minh đã có cả nghìn kilômet hoàn thành, nhiều đoạn chưa bàn giao cho ''chủ'', người dân dọc tuyến đã ''giáp lá cà'' để xây dựng trước tiên là nhà tạm, công trình tạm, tiến dần tới những ngôi nhà kiên cố.

Không chỉ người dân vi phạm mà ngay cả chủ tịch xã cũng... vô tư lấn đất. Đấy là trường hợp đoạn đường qua địa bàn Kontum. Ngày 20/5/2002, Đội thanh tra giao thông V.O6 thuộc Thanh tra Khu đường bộ V lập biên bản đình chỉ thi công đối với ngôi nhà cấp 4 diện tích 24m2 đang xây dựng dở dang của ông A Brai, Chủ tịch UBND xã Đak Pét, huyện Đak Glei. Công trình nằm cách tim đường 11,1m, vi phạm nghiêm trọng chỉ giới an toàn bảo vệ hành lang đường Hồ Chí Minh (phải 30m từ tim trở ra mỗi bên). Ông  A Brai khăng khăng không chịu xuất trình hồ sơ liên quan, tuy rằng sau đó cũng lặng lẽ chấp hành trong... 10 ngày. Ngày 30/5/2002, khi công trình được ''khôi phục'', cơ quan thanh tra một lần nữa lập biên bản kèm quyết định xử phạt (QĐ 06) 2 triệu đồng theo khoản a, điểm 5, điều 40 Nghị định 172/1999/NĐ-CP. Phạt cứ phạt, xây cứ xây. Bây giờ thi cùng với con đường đang chuẩn bị khánh thành, ông A Brai nghiễm nhiên thành chủ nhân của một ngôi nhà hoàn chỉnh.

không đồng bộ!

Trước và trong quá trình thi công dự án đường Hồ Chí Minh,  Chính phủ lưu ý nhiều lần với Bộ GTVT và các bộ ngành, địa phương về tính đồng bộ trong việc triển khai con đường mang tầm vóc thế kỷ. Trong đó, Bộ Xây dựng thực hiện  quy hoạch cụm, tuyến dân cư; Bộ Thương mại quy hoạch các điểm bán xăng dầu; Bộ Nông nghiệp - PTNT hỗ trợ các địa phương dọc tuyến trồng cây xanh vừa phủ xanh đất trống vừa giữ hành lang giao thông; Bộ Tài nguyên - Môi trường quản lý môi trường...

Đáng tiếc là mọi việc không được như ý, đường cứ làm, còn phần việc của các Bộ, ngành, địa phương chỉ được xới lên rầm rộ lúc ban đầu! Việc quy hoạch xây dựng cụm dân cư, hệ thống đường gom, đường nhánh qua các địa phương lẽ ra phải công bố cho dân biết. Hỏi bất cứ người dân từ Thanh Hóa đến Kon Tum  họ đều không biết những quy định pháp luật bảo vệ đường bộ, và cũng không ai cho họ biết sẽ được dời đến những cụm dân cư mới!? 

Cho đến giờ phút này, trên toàn tuyến đường Hồ Chí Minh vẫn chưa có cây xăng nào hoạt động. Mặc dù quy hoạch hệ thống cây xăng đã được Bộ Thương mại phê duyệt từ cách đây 2 năm. Nguyên nhân chủ yếu là do khó khăn và vướng mắc trong các thủ tục về thỏa thuận địa điểm, giao đất, thuê đất, giá đến bù tài sản, hoa màu.

Ngày 21.8, Ban QLDA đường Hồ Chí Minh cho biết Bộ GTVT đã chỉ đạo cắm mốc lộ giới để xác định phạm vi quản lý, với khoảng cách quy định cụ thể: Các đoạn từ Hoà Lạc - Xóm Kho và từ Thạnh Mỹ - Ngọc Hồi thì mốc lộ giới cách tim đường 30m; đoạn Xóm Kho - Thạnh Mỹ và Ngọc Hồi - Bình Phước cách tim đường 50m. Tuy nhiên, trên chiều dài 132km qua Thanh Hóa có khoảng 500 nhà, quán dựng trong mốc lộ giới. 

Đường qua Hà Tĩnh chỉ dài 79km cũng có hơn 300 hộ xây nhà trong mốc lộ giới sau khi đã đền bù. Chỉ riêng xã Phúc Đồng của huyện Hương Khê đã có 61 hộ vi phạm Nghị định 172. Các đoạn giáp ranh thị trấn huyện Hiên, Nam Giang đường bị lấn chiếm nặng nề hơn. Ông Bùi Công Định, Trợ lý TGĐ Ban QLDA đường HCM tại Miền Trung và Tây Nguyên cho biết: "Trong tháng 8 này, chúng tôi sẽ làm việc với các tỉnh Quảng Nam, Kon Tum yêu cầu xử lý triệt để các điểm nóng vi phạm.

Tình trạng dân xây nhà tràn lan, lấn chiếm đường Hồ Chí Minh như hiện nay sẽ dẫn tới một bài toán nan giải về sau. Đền bù thì Nhà nước thất thoát vô lý, mà không thì thiệt hại tài sản của nhân dân...

* Đường Hồ Chí Minh giai đoạn 1 dài 1.351 km đi qua 10 tỉnh từ Hòa Bình đến Kon Tum sẽ chính thức đưa vào sử dụng vào dịp kỷ niệm ngày sinh lần thứ 114 Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/2004).

Đến cuối tháng 8/2003, các đơn vị thi công và Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh đã bàn giao lâm quản cho các Khu quản lý đường bộ khoảng 2/3 chiều dài từ Khe Cò (Hà Tĩnh) đến Ngọc Hồi (Kon Tum). Đoạn Nghệ An - Thanh Hóa dài 258 km đang gấp rút thi công để hoàn thành vào cuối năm nay. Toàn tuyến có 286 cầu, đã lao lắp xong dầm 259 cầu, thông xe kỹ thuật 245 cầu; đã giải ngân 4.929 tỷ đồng/sản lượng thực hiện khoảng 6.000 tỷ đồng. Tính đến 21/8, còn có khoảng 2.000 hộ dân có nhà cửa, hàng quán nằm trong hành lang đường Hồ Chí Minh chưa giải tỏa được.

* Đường Hồ Chí Minh giai đoạn 2, điểm đầu Pác Bó (Cao Bằng); điểm cuối : Mũi Năm Căn (Cà Mau); chiều dài toàn tuyến : 2.500 km; đi qua 35 tỉnh; vốn dự kiến đầu tư 11.700 tỷ đồng; giai đoạn 2 dự kiến được triển khai ngay vào dịp kết thúc giai đoạn 1 (ngày 19/5/2004). Hơn 40 triệu dân sẽ được hưởng lại từ đường Hồ Chí Minh.

Nguồn: Bộ GTVT

(Theo Lao Động)

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,