Những doanh nghiệp thải ra chất ô nhiễm thế này vẫn nằm trong nội thành. |
Hiện nay TP.HCM có 28.573 cơ sở sản xuất công nghiệp, trong đó 2.996 cơ sở gây ô nhiễm môi trường (260 cơ sở ô nhiễm nặng), 1.625 cơ sở phải di dời (190 cơ sở đã ngưng sản xuất, 87 cơ sở đã di dời, 41 cơ sở đã chuyển ngành nghề), 1.182 cơ sở khắc phục tại chỗ…
Ban chỉ đạo công tác di dời cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường thành phố cho biết, nguyên nhân thực hiện tiến độ di dời chậm so với kế hoạch (cơ bản hoàn thành chương trình di dời vào cuối năm 2004) là do phải xác định đối tượng phải di dời, địa điểm cho các doanh nghiệp di dời, vốn và các chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp. Trong đó khó khăn nhất vẫn là vốn và địa điểm. Ước tính sơ bộ, nếu phải di dời 1.625 doanh nghiệp thì cần đến 730 ha, trong khi chỉ còn 898 ha đất ở các KCN nhưng chưa đền bù giải toả được, đất có thể cho thuê chỉ còn 68ha (chiếm 7,5%).
Bên cạnh đó, Quyết định 78/2002/QĐ-UB quy định 14 ngành nghề không được đăng ký hoạt động sản xuất kinh doanh trong khu dân cư tập trung nhưng để xác định khái niệm “khu dân cư tập trung” ở các quận, huyện rất khó. UBND thành phố đã phân cấp cho phép quận, huyện xem xét hỗ trợ chính sách ưu đãi với số vốn đầu tư dưới 5 tỷ đồng cho các doanh nghiệp phải di dời. Thậm chí Thường trực Ban chỉ đạo đã chuyển hồ sơ một số doanh nghiệp di dời: Công ty TNHH Nam Long, Cơ sở nhôm gia dụng Lê Thị Kim Dung, cơ sở Lan Anh về cho UBND quận 6; cơ sở Ống Nhựa Thành Phát về cho UBND quận Tân Bình… để xem xét hỗ trợ. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa có trường hợp nào được giải quyết.
Cam Lu