(VietNamNet) - Đó là ý kiến của ông Trần Quang Phượng, Phó giám đốc Sở GTCC TP HCM và cũng là ý kiến của đa số đại biểu tại buổi họp bàn về thực trạng sạt lở sông Sài Gòn -Thanh Đa và bàn biện pháp khắc phục, bảo vệ người dân trước thực trạng sói lở bờ tổ do Sở GTCC tổ chức chiều 7/7.
Ông Trần Quang Phượng khẳng định, có 2 vấn đề cần phải làm ngay là kế hoạch chống sạt lở trước mắt và vấn đề chống sạt lở lâu dài ở Thanh Đa. Việc phải làm ngay, theo ông Phượng phải hạn chế tối đa việc sạt lở để bảo vệ tài sản của người dân. Ngay trong tuần nay Khu đường sông tiến hành ký hợp đồng với một số công ty tư vấn lớn để khảo sát và cố gắng trong 1 tuần đưa ra được dự đoán mang tính tổng thể, lâu dài. Tới 15/7 có thể trình UBND thành phố một số đánh giá và giải pháp trước mắt. Trong quá trình khảo sát phải đề xuất được một số biện pháp cấp bách, giải quyết cục bộ trước. Đồng thời khảo sát cả khu bên ngoài như Quận 2, Thủ Đức… để báo động.
Ông Vũ Ngọc Luyện – Giám đốc Công ty Tư vấn xây dựng thuỷ lợi II (Bộ NN-PTNT) cho rằng, bán đảo Thanh Đa có dòng chảy ngầm, có thể đây là nguyên nhân gây nên sạt lở. Tuy nhiên nhiều đại biểu khẳng định, lý do chính là tất cả các ngôi nhà đã bị sạt lở đều lấn ra sông, cản trở dòng chảy. Theo Trung tâm nghiên cứu Chỉnh trị sông và Phòng chống thiên tai (Viện Khoa học Thuỷ lợi miền Nam), có nhiều nguyên nhân dẫn đến sạt lở: địa chất nền trong khu vực yếu, không chịu được tải trọng trên bờ do nhà cửa xây dựng lấn chiếm; lực gây trượt tăng lên do mưa lớn dài ngày làm đất bão hoà nước, lực chống trượt giảm do triều rút; dòng chảy gia tăng vận tốc xả lũ từ thượng nguồn… Trong đó, nguyên nhân chính gây sạt lở là do dòng chủ lưu có vận tốc lớn ép sát bờ của đoạn sông cong có tác dụng tổng hợp của dòng chảy lũ, dòng triều lớn hơn vận tốc cho phép không xói của đất bờ sông , thêm vào đó là sự lấn chiếm của nhà cửa và các công trình trên sông là gia tăng lưu tốc trong lòng dẫn. Đi tìm biện pháp chống sạt lở Có nhiều ý kiến khác nhau về giải pháp khắc phục tình trạng này. Ông Luyện cho rằng: “Theo kinh nghiệm của tôi qua các đợt khảo sát, có nhiều giải pháp trong đó gia cố bờ là biện pháp tốt nhất. Hiện nay trên nhiều kè chỉ ổn định tạm thời 3-5 năm. Giải pháp về lâu về dài là chỉ giới phải đảm bảo”.
Ông Lê Thành Bảo Đức – Chi Cục trưởng Chi Cục Quản lý Nhà nước và Phòng chống lụt bão (Văn phòng Ban chỉ huy phòng chống lụt bão TP.HCM) lại cho rằng, cần phải xác định rõ đường bờ ổn định thì mới xác định được đối tượng cụ thể để di dời và tìm ra được giải pháp kết cấu như thế nào cho hợp lý. Ông Đức cho biết: “Cần bảo vệ đất đai tối đa. Không nên làm từng khúc…”.
Ông Lê Mạnh Hà – Phó chủ tịch UBND quận Bình Thạnh đề nghị, các cơ quan ban ngành cần gấp rút có biện pháp để bảo vệ người dân. Nếu cần thì cho người lặn hàng ngày để nắm tình hình. Ông Hà cho biết” Phải xác định khu vực nguy hiểm để xử lý ngay và tiến hành di dời các hộ dân. Hiện chúng tôi chỉ có thể cấm người dân ngủ đêm, cấm kinh doanh, buôn bán tại khu vực nguy hiểm”. Bờ sông Sài Gòn- khu vực bán đảo Thanh Đa trong những năm gần đây là khu vực đã và đang liên tục xảy ra hiện tượng sạt lở bờ sông, gây thiệt hại nhiều nhất về người và của cải vật chất so với các khu vực khác trên sông Sài Gòn bởi vì cơ sở hạ tầng ven sông khu vực này đang có tốc độ phát triển rất mạnh hàng năm.
- Cam Lu