221
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
71134
Hà Nội có thêm nhiều địa danh mới
1
Article
null
Hà Nội có thêm nhiều địa danh mới
,

(VietNamNet) - Trong cuộc họp HĐND đang diễn ra, UBND TP.HN vừa báo cáo tình hình kinh tế- xã hội của thủ đô 6 tháng đầu năm. Theo báo cáo, tình hình kinh tế của thủ đô tiếp tục tăng trưởng cao và ổn định. Nhiều dự án phát triển cơ sở hạ tầng thủ đô đã được tiến hành trong năm nay. Đặc biệt, từ nay đến cuối năm sẽ có nhiều công trình lớn ra đời để phát triển thủ đô và phục vụ cho SEA Game 22. Trong phiên họp này, thành phố cũng bàn về việc thành lập 2 quận mới là Vạn Xuân và Long Biên.

Nhiều công trình giao thông, đô thị lớn sẽ ra đời trong thời gian tới tại HN

Hà Nội sẽ thêm nhiều địa danh mới

Tại kì họp thứ 10 khoá XII, Sở Văn hoá thông tin và các ngành có liên quan sẽ trình lên HĐND và UBND Thành phố Hà Nội việc đặt tên hai quận mới, sân vận động, quảng trường, công viên trên địa bàn Thành phố Hà Nội. Chính quyền thành phố dự kiến đặt tên cho hai quận mới (Quận Vạn Xuân và quận Long Biên) thành lập tại địa bàn huyện Gia Lâm, quận Hai Bà Trưng  và huyện Thanh Trì; đồng thời trình bày ý kiến của Ban Thể dục thể thao về viêc đặt tên sân vận động, quảng trường trong khu Liên hợp thể thao Quốc gia Từ Liêm.

Đối với các công trình công cộng, TP. Hà Nội đã xin ý kiến Ban TTVHTƯ về việc đặt tên Công viên Lê Nin tại nơi có tượng đài Lê Nin và tên Công viên Thống Nhất cho công viên hiện mang tên Lê Nin. Cụ thể, hiện nay tượng đài Lê Nin nằm trong khuôn viên của vườn hoa Chi Lăng (đối diện với Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam), vườn hoa này nằm giữa ngã ba đường Trần Phú, Hoàng Diệu và Điện Biên Phủ, ở vị trí trung tâm của quận Ba Đình, nơi tập trung nhiều cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước và Chính phủ, gần thành cổ Hà Nội và Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đặt tên Công viên Lê Nin có ý nghĩa tôn vinh kính trọng đối với người thầy vĩ đại của giai cấp vô sản trên toàn thế giới. Trong quy hoạch đô thị của Hà Nội, thành phố sẽ nghiên cứu để đặt tên Chi Lăng cho một vườn hoa xứng đáng với chiến thắng Chi Lăng lẫy lừng trong lịch sử Việt Nam.

Còn Công viên Thống Nhất (tên gọi cũ của Công viên Lê Nin hiện nay), trước đây thuộc làng Kim Liên, tổng Tả Nghiêm, huyện Thọ Xương cũ. Năm 1959-1960, hồ Bảy Mẫu được nạo vét, cải tạo cùng với phần đất xung quanh lập thành một công viên mang tên là công viên Thống Nhất. "Thống Nhất" ở đây có nhiều ý nghĩa nhưng chủ yếu là thể hiện ước mong, nguyện vọng sớm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước của đồng bào và chiến sỹ cả nước. Nhân dịp kỷ niệm 110 năm ngày sinh của V.I Lê Nin, ngày 19/4/1980 Công viên Thống Nhất đổi tên thành Công viên Lê Nin. Tuy nhiên, việc đặt tên Công viên Thống Nhất là phù hợp với khát vọng thống nhất đất nước của nhân dân Việt nam.

Một số dự án quan trọng của Hà Nội trong thời gian tới:

- Dự án xây dựng tuyến đường 5 kéo dài  (Cầu Chui - Đông Trù - Phương Trạch - Bắc Thăng Long - Nội Bài). Đây là tuyến đường trục chính cấp 1 với tổng chiều dài 13,36 km, mức đầu tư dự kiến 1.100 tỷ đồng. Tuyến đường này được xác định trong Điều chỉnh quy hoạch phát phát triển chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2020, góp phần điều chỉnh phân bố dân cư và phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng về phía Bắc sông Hồng của Thủ đô Hà Nội. Thời hạn triển khai dự án này từ năm 2002-2006.

- Dự án xây dựng cầu Nhật Tân:  Là một trong 5 cầu mới được xây dựng qua sông Hồng  bắt đầu từ ngã ba giao giữa đường vành đai 2 đoạn Nhật Tân - Bưởi với đường đê phía hữu ngạn sông Hồng. Chiều dài và đường dẫn của cầu này là 5.800m, kinh phí đầu tư ước 2.300 tỷ đồng, năm 2007 sẽ kết thúc dự án này.

- Đường và hai bên tuyến phố Láng Hạ - Thanh Xuân: Nằm trong tổng thể tuyến đường song song với trục đường Tôn Đức Thắng - Nguyễn Lương Bằng - Tây Sơn. Tuyến đường này có chức năng phát triển kinh tế xã hội và đô thị Thanh Xuân, phân bố giao thông, giảm ách tắc giao thông trên trục đường Tây Sơn - Nguyễn Trãi. Đồng thời tạo thành một tuyến đô thị văn minh hiện đại của thành phố Hà Nội với một số nhóm nhà cao tầng phục vụ người dân. Chiều dài tuyến đường 1.864,94 m và phát triển đô thị hai bên đường khoảng 12 ha, dự kiến kinh phí đầu tư là 530 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành cuối năm 2004.

- Tuyến đường và hai bên tuyến đường Kim Liên - Ô Chợ Dừa: Thuộc trục hành lang Đông - Tây của thành phố nhằm hoàn thiện quy hoạch giao thông thủ đô, giảm ách tắc trong khu vực nội đô và cải thiện cảnh quan đô thị. Chiều dài tuyến dường là 1.087 m, chiều rộng 50 m với dự kiến kinh phí 276 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành vào năm 2005.

- Nút giao thông Bưởi: Nằm trên đường vành đai 2 giao cắt với đường Hoàng Quốc Việt, Hoàng Hoa Thám, Thuỵ Khuê, là nút giao thông khác mức đã được xác định trong Điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2020, nhằm giảm ách tắc giao thông và tăng cường năng lực giao thông giữa khu vực phía Tây, Tây Bắc với trung tâm Thành phố. Diện tích chiếm đất của nút giao thông này  là 74.984 m2 với tổng mức đầu tư dự kiến là 606 tỷ đồng. Năm 2006 sẽ hoàn chỉnh nút giao thông khác mức này.

- Dự án xây dựng tuyến đường vành đai 1: Từ ngã tư Ô Chợ Dừa - Voi Phục là một đoạn của tuyến đường trục Đông - Tây thành phố, tuyến đường này nhằm tăng cường năng lực giao thông hướng Đông - Tây, góp phần hoàn thiện hệ thống giao thông theo quy hoạch. Chiều dài của tuyến đường là 2.700 m, bề rộng 50 m, dự kiến tổng mức đầu tư là 886 tỷ đồng. Hoàn thành công trình vào năm 2006.

- Dự án tuyến xe điện thí điểm thành phố Hà Nội: phù hợp với quy hoạch mạng lưới đường sắt đô thị của thành phố, đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân thủ đô, hỗ trợ cho phương tiện vận tải công công xe buýt đang bị quá tải, nâng cao an toàn cho người tham gia giao thông, khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông, cải thện tình trạng ô nhiễm môi tường. Dự kiến chiều dài là 15 km, khổ đường sắt 1435 mm, tổng mức đầu tư dự kiến 2.960 tỷ đồng. Năm 2007 sẽ huấn luyện chuyển giao công nghệ, chạy thử và bắt đầu khai thác.

- Dự án khu tái định cư Nam Trung Yên: góp phần hoàn chỉnh quy hoạch đô thị của Hà Nội nhằm phát triển quỹ nhà ở phục vụ tái định cư, di dân, giải phóng mặt bằng  phục vụ xây dựng các công trình giao thông đô thị Hà Nội, góp phần thực hiện chiến lược quốc gia về nhà ở và chương trình phát triển nhà ở của Hà Nội từ nay đến năm 2010. Phạm vi chiếm đất của dự án này là 56,4 ha, thiết kế theo Quy chuẩn xây dựng Việt Nam. Tổng mức đầu tư dự kiến 404.992 triệu đồng.

Nhiều dự án tập trung cho SEA Game 22

Hiện nay thành phố Hà Nội đang chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị và tổ chức tốt Sea Game 22, Hội nghị ANMC 21 và Liên hoan Du lịch quốc tế 2003 ở Thủ đô.

Thành phố Hà Nội xác định tập trung đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng các dự án đầu tư trên địa bàn Hà Nội (ưu tiên bố trí vốn, nhân lực...), nhất là các dự án thuộc 9 cụm công trình trọng điểm của thành phố. Ngoài ra, việc phát triển cơ sở hạ tầng và giao thông công cộng (đường sắt trên cao, các tuyến đường vành đai và nút giao thông ngã tư Vọng, ngã tư Sở, Kim Liên, nút giao thông Bưởi, giao thông công cộng bằng xe buýt...) để phục vụ cho nhu cầu đi lại của nhân dân thủ đo và phục vụ cho SEA Game 22 cũng được quan tâm chặt chẽ.

Hà Nội mở văn phòng đại diện tại Nhật Bản và Mỹ

Để đạt được mục tiêu kinh tế xã hội 6 tháng cuối năm, thành phố đưa ra một số giải pháp thực hiện để tăng cường huy động vốn đầu tư  phát triển: vay kho bạc Nhà nước, hỗ trợ doanh nghiệp vay ngân hàng thương mại, chỉ đạo chặt chẽ thu - chi ngân sách và đẩy nhanh tiến độ các dự án đấu giá quyền sử dụng đất, rà soát các dự án chậm triển khai để điều chuyển vốn...

Bên cạnh đó, việc tập trung phát triển mạnh thị trường nội địa kết hợp với đẩy mạnh tìm kiếm thị trường xuất khẩu cũng sẽ được triển khai. Hà Nội sẽ mở văn phòng đại diện của thành phố tại Hoa Kỳ, Nhật Bản; tích cực triển khai công tác hội nhập kinh tế quốc tế tuyên truyền cung cấp thông tin cho người dân, các doanh nghiệp, các tổ chức về những cơ hội, thách thức và lộ trình hội nhập; triển khai quyết liệt và đồng bộ các biện pháp tạo việc làm, đẩy mạnh xuất khẩu lao động, đầu tư cơ sở hạn tầng cho các vùng nghèo, xóm nghèo, khu nghèo  để giảm mạnh tỷ lệ hộ nghèo ở thành phố, giảm 50% số hộ nghèo Sóc Sơn, Đông Anh.

Những thành quả đã đạt được của thành phố Hà Nội trong 6 tháng đầu năm:

Trong 6 tháng đầu năm 2003, kinh tế thủ đô tiếp tục tăng trưởng cao, ổn định, nhiều chỉ tiêu tăng cao so cùng kì (GDP ước tăng 10,3%; GTSX công nghệp mở rộng ước tăng 29,4%trong đó riêng công nghiệp tăng 31,5%, GTSX các ngành dịch vụ tăng 8,2%; GTSX nông - lâm - thuỷ sản tăng 1,9%; kim ngạch xuất khẩu tăng 16,8%; thu ngân sách trên địa bàn tăng 10,6%; chi ngân sách địa phương tăng 17,9%; tổng đầu tư xã hội trên địa bàn ước tăng 10,4%; đầu tư xây dưng cơ bản thực hiện ước tăng 23,6%; giải ngân 6 tháng ước tăng 21,1%; cấp phép mới và cấp bổ sung tăng vốn cho 38 dự án FDI tăng 22% với tổng số vốn đăng kí 75,3 triệu USD; có 2800 doanh nghiệp được thành lập với số vốn đăng lí khoảng 4.800 tỷ đồng.

  • Kiều Minh

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,