(VietNamnet) - Theo tin từ Ban điều hành quản lý Quỹ Bảo trợ nạn nhân chất độc màu da cam TP. Đà Nẵng, từ ngày 22 đến 25/5, đoàn giáo sư và sinh viên Trường đại học Karolinska (Thụy Điển) sẽ tiến hành tại Đà Nẵng đợt nghiên cứu với chủ đề "Nhận thức của người dân địa phương về hậu quả của nhiễm chất độc màu da cam trong chiến tranh ở Việt Nam".
Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ chương trình hợp tác giữa Đại học Karolinska với Trung tâm nghiên cứu giới, gia đình và môi trường trong phát triển (CGEĐ) Việt Nam. Theo kế hoạch, trong 4 ngày ở Đà Nẵng, phái đoàn của Đại học Karolinska tổ chức 3 cuộc phỏng vấn với Chủ tịch Hội Chữ Thập đỏ thành phố, Ban giám hiệu trường Tiểu học chuyên biệt Tương lai và các bác sĩ chuyên Nhi thuộc Bệnh viện Đà Nẵng; tiến hành 4 cuộc thảo luận nhóm (gồm 2 nhóm với đối tượng là thanh niên và sinh viên sinh sau năm 1975, 1 nhóm ở lứa tuổi trung niên và 1 nhóm là người từ 60 tuổi trở lên).
Được biết, chương trình nghiên cứu của đoàn Đại học Karolinska tập trung vào hậu quả về mặt xã hội, y học và môi trường của chất độc màu da cam; được tiến hành tại 2 khu vực: Hà Nội là nơi có nhiều cựu chiến binh bị nhiễm chất độc màu da cam đang sinh sống và Đà Nẵng là nơi trước đây có nhiều cơ sở quân sự của Mỹ và việc rò rỉ chất độc màu da cam đang là một vấn đề tồn tại cho tới hiện nay.
-
Thanh Hải