221
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
50234
Lộ diện đường dây lừa đảo XKLĐ sang Malaysia bằng đường du lịch
1
Article
null
Lộ diện đường dây lừa đảo XKLĐ sang Malaysia bằng đường du lịch
,
 

Người lao động bị lừa đã về đến sân bay Nội Bài.

(VietNamNet) - Chuyến bay của VietNam Airlines trở về từ Kuala Lumpur, Malaysia, hạ cánh xuống sân bây Nội Bài 13h40 ngày 7/5 sẽ không có gì khác thường nếu không có 41 lao động Việt Nam bị trục xuất về nước do sang Malaysia lao động trái phép bằng đường du lịch. Những con người mà theo hầu hết thân nhân của họ có mặt tại sảnh đón B, nhà ga quốc tế Hàng không Nội Bài, cùng nhận xét thì đúng là "thân tàn ma dại".

Trong số 41 lao động trở về hôm qua có 22 người quê tại xã Đại Hưng, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên. Tất cả đều là nạn nhân của Đào Phòng Nhã, người cùng làng, thậm chí còn là họ hàng với nhau. "10 ngày nay chúng tôi không có một đồng xu trong túi, một vài anh em còn ít tiền cũng chỉ đủ để mua cho mỗi người ba chiếc bánh mì nhỏ mỗi ngày. Ba ngày trước khi về nước, nhiều người phải nhịn đói. Hàng đêm cắm lều ngủ ngay bên ngoài khuôn viên Đại sứ quán Việt Nam, không được vào bên trong. Nhiều lần chúng tôi bị kẻ xấu tấn công, cướp giật, thậm chí cả chiếc điện thoại, phương tiện duy nhất để liên lạc khi cần. Không ai đứng ra bảo vệ chúng tôi" - Anh Đào Văn Thao, SN 1977, một nạn nhân quê xã Đại Hưng bàng hoàng thuật lại.

"Đi lao động gì đâu? Thực ra bọn chúng đưa chúng tôi đi du lịch rồi tìm việc trái phép. Nếu biết trước thế này chúng tôi đã không đi. Nhã đưa chúng tôi vào các điểm tập trung, thu giấy tờ tuỳ thân, ngày nào có việc thì anh ta cho đi làm, không có thì thôi. Một vài người được Nhã cấp giấy tờ thì sau này bị bắt mới biết là giấy tờ giả", anh Nguyễn Hữu Huân buồn rầu nói... Toàn bộ số lao động này về nước trong tình trạng không còn một đồng trong túi, gia đình họ biết trước đã gửi đại diện lên đón cho anh em mỗi người 20.000 đồng để làm lộ phí về quê!

Ông An Thanh Phong, nguyên là bộ đội biên phòng nghỉ hưu, người xã Đại Hưng (bố của hai nạn nhân An Văn Thanh và An Văn Nhã) gạt nước mắt nói: "Cứ tưởng cho các cháu đi làm để cải thiện cuộc sống gia đình. Ai ngờ lại bị chúng nó lừa thế này! Hai cháu nhà tôi bị bắt, nghe nói còn bị xử tù nữa. Các cháu về nước hôm nay ở nhà phải gửi 400 USD qua Cục lãnh sự Bộ Ngoại giao để họ lo giúp. Chỉ khổ cho chúng tôi, muốn nộp tiền cho con về mà cũng không được. Gia đình tôi cũng như toàn bộ các gia đình có con em cùng hoàn cảnh chỉ có một nguyện vọng là các cơ quan chức năng tìm kiếm tung tích các cháu. Mấy tháng rồi nhà tôi không biết các cháu thế nào? Nếu có bị bắt đi tù thì xin Nhà nước can thiệp với nước bạn nhằm ân giảm cho các cháu. Ngay cả phí tổn thế nào chúng tôi cũng xin chịu. Hai vợ chồng già chúng tôi đến chết vì con cái mất thôi...".

Ông Nguyễn Chí Khương đau xót khi biết con bị lừa.

Trong số các nạn nhân bị Đào Phong Nhã lừa tập trung nhiều nhất tại chính quê anh ta là xã Đại Hưng, Khoái Châu, Hưng Yên với con số 42 người. Trong đó hiện nay đã có 17 người bị chính quyền Malaysia bắt, xử tù vì tội cư trú và lao động trái phép, 3 người còn lại không rõ tung tích. Trở lại thời điểm cách nay trên hai tháng, chúng tôi nhận được thông tin từ chính gia đình các nạn nhân tại xã Đại Hưng, Khoái Châu, Hưng Yên phản ánh, khẩn thiết đề nghị các cơ quan chức năng sớm xem xét tình hình con em họ bên nước bạn. Theo lá đơn đầy nước mắt thì: "Sau khi nghe đài truyền thanh của xã thông báo tuyển lao động, các gia đình đã gặp trực tiếp anh Nhã và được giới thiệu mọi việc cứ liên lạc với anh Trung (Đào Sỹ Trung, Phó chủ tịch, Trưởng CA xã) và anh Thạch (Đào Ngọc Thạch, chuyên viên Văn phòng Uỷ ban xã) để nộp hồ sơ, nộp tiền... Nhưng chỉ sau hơn ba tháng thì có tin một số cháu bị nhà đương cục Malaysia bắt giữ. Cuộc sống bên đó rất khổ cực, đói ăn khát uống, bị đánh đập, đối xử thậm tệ. Số các cháu bị bắt tăng dần đến con số 76 người ở các tỉnh Hải Dương, Hà Tây, Thái Bình... Nhiều người không có giấy tờ tuỳ thân, hoặc có thì bị cảnh sát Malaysia cho biết là giả... Chúng tôi biết rằng không còn con đường nào để tự lo cho chồng, con mình về nước. Chỉ biết nhờ nhà nước nghiên cứu bằng mọi cách đưa con em chúng tôi về nước...".

Hai ông 'quan xã' làm "cò mồi"?

Chúng tôi có mặt tại Đại Hưng ngày 6/5. Đợt nắng nóng đầu hạ, những câu chuyện xung quanh số phận những người con xa xứ làm cho cả xã như lên cơ sốt. Câu chuyện XKLĐ mới vài tháng trước còn là chuyện vui của cả xã thì nay hễ nhắc đến ai cũng không khỏi buồn dầu. Ông Nguyễn Chí Khương, có con là Nguyễn Văn Thương đang ở Malaysia cho biết: "Khoảng tháng 4/2002, trên loa truyền thanh của xã có thông báo tuyển lao động đi làm việc ở Malaysia theo hai công ty, một của Tổng công ty Sông Đà và một của Công ty Dầu khí Hải Phòng. Sau đó, anh Đào Phong Nhã về quê thông báo đứng ra tuyển người. Anh Nhã là người địa phương thoát ly từ lâu nhưng hành năm đều vẫn về giỗ tết. Chúng tôi liên lạc với anh Nhã và được anh này cho biết mọi việc cứ làm thẳng với anh Trung và anh Thạch. Sau đó lần lượt gần 40 gia đình liên lạc với anh Thạch, anh Trung. Tại đây, chúng tôi được phổ biến là đi làm ở Malaysia với thời hạn 3 năm, lương khởi điểm 326 USD/người/tháng. Không cần học tiếng, chỉ cần tổ chức thi tay nghề là được. Một cuộc thi tay nghề thợ xây được tổ chức ngay cạnh nhà Nhã. Kết thúc, ai cũng trúng tuyển và về chuẩn bị hồ sơ, tiền bạc để đi "nước ngoài". Mức phí nộp là 25 đến 27 triệu đồng một trường hợp. Các khoản khám sức khoẻ, làm hộ chiếu hết gần 2 triệu đồng nữa. Hoàn thành những nghĩa vụ trên, toàn bộ con em chúng tôi lên đường rất nhanh chóng... Nhưng ai ngờ hôm nay lại như thế này!?

"Hầu hết các gia đình có con em bị Nhã lừa đều trong hoàn cảnh kinh tế rất khó khăn. bản thân ông Khương ở nhà cũng chỉ có hai vợ chồng già, làm ruộng mà ngóng tin con. Ông Phong cũng chỉ có hai vợ chồng, đã ngoài 60 nhưng vẫn phải làm mộc, chăn gà vịt chờ tin con. Đáng thương nhất phải kể đến gia đình ông Đào Ngọc Huấn, 60 tuổi, xóm Cửa Đình, xã Đại Hưng. Ông Huấn nguyên là cán bộ địa chính xã mới nghỉ hưu tháng 6/2002. Để đưa con là Đào Văn Đĩnh đi "nước ngoài", ông Huấn đã phải bán một nửa diện tích đất ở lấy 19 triệu đồng. Nay con bị lừa, cả nhà ông ai trông cũng vật vờ như những bóng ma. Mới trước đó vài tháng, vết thương từ hồi đi B tại chiến trường Khe Sanh, Quảng Trị đã quật ông ngã tưởng không dậy nổi. Chi phí chữa bệnh mất gần 20 triệu đồng đều đi vay nay cộng vào tiền cho con đi nước ngoài nữa thì có đến "mục thất" cũng không trả được nếu không tiếp tục bán nốt mảnh đất còn lại. "Các anh xem, trong nhà có còn cái gì đáng giá một triệu đồng không? Trả nợ xong cho con thì nhà tôi biết ở đâu bây giờ? Khổ cho thằng anh nó, sức trẻ mà chắc chắn cả đời phải lo trả nợ cho bố mẹ, cho em...", ông Huấn nói ngắt quãng qua từng cơn ho.

Rời các gia đình nạn nhân, chúng tôi tới UBND xã Đại Hưng, ông Nguyễn Hữu Tăng, Bí thư đảng uỷ cho biết: Việc hai đồng chí Trung và Thạch tham gia tuyển người đi lao động chúng tôi có biết, nhưng xét đến cùng thì hai đồng chí này cũng chỉ là nạn nhân mà thôi. Để bảo vệ quan điểm này, ông Tăng cho rằng bản thân nhà ông Trung, ông Thạch đều có con em đang ở Malaysia theo sự "giúp đỡ" của Nhã. "Ngay từ khi mới thấy anh Trung, anh Thạch nhận hồ sơ, nhận tiền của người lao động, chúng tôi đã cảnh báo rằng không nên tham gia vào việc này. Nhưng hai anh này nói rằng chỉ thu tiền hộ thôi nên sau đó tôi cũng không để ý nữa", ông Nguyễn Quốc Trị, Chủ tịch UBND xã Đại Hưng cho biết.

Mảnh đất ông Huấn bán để đưa con đi lao động.

Tuy nhiên, khi biết những nhận định này của xã, dư luận nhân dân cho rằng nếu chỉ nhìn nhận theo góc độ hai "quan xã" Đào Sỹ Trung, Đào Ngọc Thạch là nạn nhân của Đào Phong Nhã thì không thoả đáng. Bản thân ông Trung, khi làm báo cáo gửi UBND và CA huyện Khoái Châu, cũng đã trình bày rằng mình nhận hồ sơ, thu tiền "hộ" 16 người với số tiền trên 350 triệu đồng. Ông Thạch nhận của 20 người là trên 400 triệu đồng. Toàn bộ số tiền đó đã được chuyển cho Nhã, hoặc qua vợ hắn là Nguyễn Thị Thuý Nga. Cả tiền nhận "hộ" cũng như giao cho Nhã đều có giấy biên nhận đầy đủ. Ngoài ra, mặc dù Nhã là cháu gọi ông Thạch bằng cậu, là bạn học của Trung nhưng không ai tin rằng hai ông Trung và Thạch chỉ "làm ơn" cho bà con trong xã. Các chân rết khác của Nhã cho các cơ quan chức năng biết rằng chúng đã tự giữ lại tổng cộng khoảng 350 USD mỗi trường hợp. Song ông Trung phản đối rằng mình không được hưởng hoa hồng 2 triệu đồng/người.

Chân dung "ông trùm" Đào Phong Nhã.

Trước khi số lao động ở xã Đại Hưng về nước đã có 3 lao động ở Thái Bình may mắn "thoát nạn" lừa lọc của Nhã. Họ về nước và những thông tin về đường dây của Nhã mới bắt đầu bị lộ. Các lao động này là Nguyễn Văn Tằng, Nguyễn Trung Thành, Đoàn Tất Phong đều ở Thái Bình. Ngay sau khi về đoạn tụ với gia đình, những lao động này gửi đơn đến công luận, tố cáo một số kẻ lừa đảo và yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền giúp đỡ những lao động bị mắc kẹt tại Malaysia sớm trở về nước. Từ thông tin của người lao động cung cấp, chúng tôi được biết, có hơn 100 lao động Việt Nam đang sống lẩn trốn trên lãnh thổ Malaysia đều là nạn nhân của lừa đảo XKLĐ. Theo Luật Malaysia, những người lao động cư trú bất hợp pháp trên lãnh thổ nước này sẽ bị đánh 6 roi, phạt tù tối đa 10 năm.

Nhân vật đã làm nên vụ lừa đảo XKLĐ là Đào Phong Nhã, quê xã Đại Hưng, Khoái Châu, Hưng Yên. Hiện trú tại 472B, Tổ 1, Cụm 16, phường Cống Vị, Ba Đình, Hà Nội; Chử Tuấn Long (người lao động gọi là Long "nước") - mạo danh Phó Giám đốc Công ty Du lịch Thương mại Liên Anh Thanh, Phạm Văn Phung - "cò mồi" quê Thái Bình, Trần Hồng, Nguyễn Văn Đang - nhân viên hợp đồng của Trung tâm Xúc tiến việc làm – Cục Quản lý hành chính – Bộ Quốc Phòng. Chử Tuấn Long là thiếu tá quân đội, Cục Điều tra Hình sự - Bộ Quốc Phòng sau khi biết tin này đã vào cuộc. Trần Hồng và Nguyễn Văn Đang là "mắt xích" của đường dây lừa đảo rất lớn của Đào Phong Nhã. Ngoài ra, còn có một số kẻ lừa đảo trong đường dây này là người Malaysia. Qua một số nguồn tin cho biết, sau khi lừa đưa lao động sang Malaysia, Nhã cùng Seetven (quốc tịch Malaysia) cai lao động Việt Nam tại Salangor (Malaysia). Tại đây, Nhã cùng các cai người Malaysia thầu xây dựng và một số người khác rồi thuê lao động làm.

Những ngày ở Malaysia, Nhã sử dụng hai máy điện thoại di động quốc tế: 0060.163580596 và 0060.126866255, số cầm tay tại Việt Nam 0903.3439685. Nhã cầm đầu đường dây lừa đảo này và có một mạng lưới chân rết phủ tới một số tỉnh phía Bắc (như Hà Tây, Bắc Giang, Hưng Yên, Thái Bình…). Tại quê nhà, Nhã nổi tiếng là người nhanh nhẹn trong làm ăn. Đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, Nhã đi hợp tác lao động tại Liên Xô cũ. Sau đó về nước, nhiều năm sau anh ta có đi lao động ở vài nước Đông Âu và châu Á khác. Cùng thời gian này, Nhã đã bắt đầu "chạy" cho một số người có nhu cầu đi  nước ngoài. "Nghề" chạy lao động nhanh chóng thành nghề chính của anh ta. Nhưng Nhã chỉ giỏi làm "chui" bất hợp pháp

Ông Đào Ngọc Huấn

Theo các chuyên gia Cục Quản lý LĐ với nước ngoài (Bộ LĐTBXH), sau khi Bộ LĐTBXH quyết định đưa thí điểm lao động sang Malaysia, Nhã nắm thông tin này và móc nối với một số kẻ xấu người Malayssia thực hiện các phi vụ làm ăn bất chính, đưa lao động ra nước ngoài bằng visa du lịch. Đưa thí điểm lao động sang Malaysia là vừa đưa đi vừa rút kinh nghiệm nên không tránh khỏi những sơ hở trong các văn bản quy phạm pháp luật và cung cách quản lý. Bởi vậy, thủ đoạn của Nhã là sử dụng các thông báo tuyển người của các công ty XKLĐ có uy tín rồi tuyển lao động tại các miền quê và tổ chức đưa đi bằng visa du lịch. Tại các sân bay, Nhã báo tin cho một số đối tượng người Malaysia trong đường dây của mình để tổ chức đón lao động chu đáo nhằm qua mắt an ninh sân bay. Khi sang Malaysia, Nhã cho các tên "cai" người bản địa giám sát người lao động. Hàng ngày, Nhã cho các đệ tử toả ra các bến xe, bến cảng… tìm việc. Nếu có việc thì đưa lao động đi làm (giống cửu vạn ở Việt Nam). Tiền công của người lao động, Nhã và bọn cai lấy 15%. Không có việc làm, bọn chúng giam lao động ở phòng kín và cấm ra ngoài để đối phó cảnh sát. Với cách giám sát chặt chẽ của Nhã và các tay cai, người lao động bị tước mất các quyền cơ bản, sống ngột ngạt như ở tù. Họ phải ở trong căn phòng 30m2, chật chội, bẩn thỉu... Sau khi bị đưa vào căn phòng này, người môi giới người Việt và Malaysia thu giữ visa và nhiều giấy tờ tuỳ thân quan trọng. Thường ngày, người lao động phải nhịn đói từ sáng đến tối mới có cơm…

Hiện tại các cơ quan chức năng đã vào cuộc nhằm sớm làm rõ vai trò của Đào Phong Nhã và những đối tượng có liên quan. Đường dây lừa đảo của Đào Phong Nhã được đánh giá là một đường dây lớn, có quy mô tổ chức rõ ràng. Song trước khi làm rõ vấn đề này, rất mong Cục lãnh sự, Bộ Ngoại giao và các cơ quan có liên quan xác minh thông tin về số người Việt Nam bị phía Malaysia bắt giữ, xử tù. Việc này trước mắt giải toả tâm lý cho hàng trăm thân nhân của họ đang ngày đêm mong ngóng tin con mình.

  • Ngọc Tước
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,