221
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
48944
Qua giám sát, Quốc hội có thể bãi nhiệm Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ
1
Article
null
Qua giám sát, Quốc hội có thể bãi nhiệm Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ
,

(VietNamNet) - Một quyền khá to của Quốc hội được Uỷ viên Đoàn Thư ký kỳ họp Quốc hội Nguyễn Văn Thuận đọc sáng nay (5/5) là ''Quốc hội căn cứ vào các kết quả giám sát, có quyền miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch nước, Phó chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Uỷ viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng viện kiểm sát nhân dân tối cao; được phê chuẩn miễn nhiệm, cách chức Phó thủ tướng Chính phủ và các thành viên khác của Chính phủ... ''.

Ngoài ra, căn cứ vào các kết quả giám sát, Quốc hội có các quyền bãi bỏ một phần hay toàn bộ văn bản quy phạm pháp luật của Chủ tịch nước, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng viện kiểm sát nhân dân tối cao, nếu trái với Hiến pháp và luật, nghị quyết của Quốc hội.

Dự Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội đã được lấy ý kiến và chỉnh sửa 3 lần từ các đại biểu Quốc hội và các cá nhân liên quan. Nội dung coi như đã được rà soát khá kỹ. Dự kiến trong tuần tới Quốc hội sẽ bàn thảo lần cuối cùng để thông qua dự án luật này.

Sáng nay, Quốc hội bắt đầu ngày làm việc thứ 2 của Kỳ họp thứ 3 bằng việc Uỷ viên Uỷ ban thường vụ Quốc hội Lê Quang Bình đọc Báo cáo về việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật hoạt động giám sát của Quốc hội; Uỷ viên Đoàn Thư ký kỳ họp Quốc hội Nguyễn Văn Thuận đọc dự thảo Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội. Thời gian còn lại của ngày hôm nay sẽ được dành cho các đại biểu thảo luận ở Hội trường về kết quả thực hiện nhiệm vụ và ngân sách nhà nước năm 2002; việc triển khai thực hiện nhiệm vụ và ngân sách nhà nước năm 2003.

Rất nhiều vấn đề cơ bản của hoạt động giám sát đã được đề cập trong 48 điều của Dự thảo luật. (Chúng tôi sẽ chuyển đến quý độc giả toàn văn Luật này vào thứ 3, ngày 20/5 - ngay khi Quốc hội thông qua dự luật này).

Hầu hết các ý kiến của công chúng cũng như đại biểu QH đều cho rằng , Luật hoạt động giám sát của QH hết sức cần thiết cho việc hoàn thiện quá trình chuyên nghiệp hoá hoạt động của Quốc hội Việt Nam. Dự luật một mặt hệ thống hoá và hoàn thiện các quy định của pháp luật về nhiệm vụ quyền hạn giám sát của Quốc hội. Đồng thời nó cũng xác định quyền và trách nhiệm của QH và các cơ quan, tổ chức và cá nhân chịu sự giám sát và các biện pháp bảo đảm cho hiệu quả của hoạt động giám sát.

Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam Phạm Hưng - thành viên Ban Sửa đổi Hiến pháp: Tại Dự thảo này, vai trò giám sát của QH  được chú ý  và đặt  đúng tầm của nó. Ví dụ, trong những buổi chất vấn, các đại biểu có thể  biết được thành viên của Chính phủ có nắm và giải quyết  được vấn đề hay không. Từ đó, các đại biểu có thể có những kiến nghị với thành  viên đó của Chính phủ. Nếu cần có thể kiến nghị bỏ phiếu tín nhiệm - Đó là nội dung  rất mới. Tiếp nữa là việc phê chuẩn thành viên Chính phủ giữa hai kỳ họp QH.  Trước đây là  thẩm quyền của UBTV Quốc hội, nay UBTVQH không có quyền phê chuẩn nữa  mà dành nhiệm vụ này cho các kỳ họp của QH, việc đó thể hiện nâng cao hơn nữa vai trò của đại biểu QH.

Đại biểu QH Phạm Quang Dự: Luật Tổ chức QH hiện hành cũng đã quy định một số điều về công tác giám sát và những chế tài kèm  theo nhưng chưa thật thoả đáng, chưa cụ thể, rõ ràng để QH và các ĐB thực thi. Vì vậy, một số ĐB muốn những quy định đó phải rõ ràng hơn.

Đại biểu Đàm Quân Thụy: Để quyền giám sát của QH và ĐB tốt hơn nữa, chúng ta phải xây dựng cơ chế, có chế tài cụ thể . Muốn vậy, thứ nhất, phải có những văn bản pháp lý cao, có chế tài cần thiết thì QH mới có thể đi sâu vào những lĩnh vực cần giám sát. Thứ hai, chất lượng các ĐBQH cũng phải nâng cao hơn nữa để có đủ năng lực giám sát và  phát hiện vấn đề . Đồng thời các ĐB phải được cung cấp những thông tin kịp thời những vấn đề cần giám sát. Thứ ba, khi có cơ chế, có năng lực có thông tin cần thiết thì đòi hỏi ĐB phải kiên trì giám sát đến cùng những vấn đề mình đang theo dõi thì mới có kết quả tốt. Ví dụ, nếu các cơ quan chức năng liên quan không trả lời lần thứ nhất, lần thứ hai, thứ ba thì phải có những biện pháp xử lý cụ thể.

ĐB Nguyễn Đức Hoan (Quảng Trị): "Dù rằng, công tác giám sát của QH ngày càng có tiến bộ, nhưng theo tôi, từ các UB đến từng ĐB thực hiện chức trách này vẫn chưa có hiệu quả. Về nguyên nhân, một mặt, dù  ngay từ đầu khoá đã đề cập nhưng đến nay vẫn chưa thông qua được Luật Giám sát. Mặt khác, khi chưa có Luật Giám sát thì  chúng ta cũng chưa có những quy định cụ thể để có cơ chế  hoạt động tốt hơn. Do đó mới có tình trạng làm cũng được, không làm cũng được. Ngay cả khi chất vấn ở QH, có một số vị  cũng không trả lời thẳng vào câu hỏi và nếu có hứa hẹn thì việc thực hiện cũng chưa nghiêm túc. Để giám sát có hiệu quả hơn, tôi  kiến nghị một số nội dung: Thứ nhất, phải có cách nào đó để các tài liệu muốn giám sát đến tay các ĐB một cách đầy đủ nhất; thứ hai, khi đã có kết luận giám sát thì  phải có sự tiếp thu nghiêm túc của cơ quan chức năng được giám sát; thứ ba, với những bức xúc của dân phải có chương trình làm việc cụ thể và khi các ĐBQH đưa đến những nội dung đó thì các cơ quan liên quan phải trả lời rõ ràng, cụ thể; thứ tư, khi UBTVQH lựa chọn nội dung đưa ra chất vấn nên thông báo trước với các ĐBQH và đến lúc chất  vấn chỉ nên xoáy vào những câu hỏi  đó, tránh hỏi tuỳ hứng, quá rộng hoặc quá cụ thể. Đồng thời, cũng cần có những quy định cho cả người chất vấn lẫn người trả lời để hiệu quả chất vấn đạt cao nhất".

ĐB Lê Thị Nga (Thanh Hoá): "Công tác giám sát của QH chưa đáp ứng được yêu cầu, theo tôi, nguyên nhân cơ bản nhất là pháp luật hiện hành chưa quy định rõ hậu quả pháp lý của hoạt động giám sát. Cụ thể, khi kết thúc giám sát những người giám sát có quyền được đưa ra những quyết định gì, quyết định đó có giá trị pháp lý như thế nào với cơ quan được giám sát. Nếu họ không thực hiện những kết luận này thì có chế tài gì không? Những câu hỏi này tôi đặt ra vì thực tế không ít các cơ quan không thực hiện những kết luận này, nhưng các cơ quan dân  cử cũng đành... chịu. Vì vậy, hiệu quả giám sát không thể cao. Để nâng cao hiệu quả giám sát cần sớm xây dựng Luật Giám sát và luật này phải xác định rõ: Hậu quả pháp lý của hoạt động giám sát QH là gì? Nếu không làm rõ được nội dung này thì dù có cố gắng đến đâu, công tác giám sát vẫn khó đạt hiệu quả".

ĐB Nguyễn Viết Xê (Gia Lai): "Trong chất vấn, một số ĐBQH còn nặng về những câu hỏi quá cụ thể của địa phương mà thực tế, thành viên chính phủ khó lòng nắm bắt được. Về phía trả lời chất vấn vẫn còn tình trạng trả lời rất chung chung, chưa làm rõ được những vấn đề quan trọng, cấp bách  mà cử tri cả nước và QH quan tâm. Về nguyên nhân, hầu hết các ĐBQH của chúng ta là kiêm nhiệm, chế độ cung cấp thông tin cho ĐBQH chưa rõ ràng. Vì vậy, kể cả trong góp ý xây dựng luật lẫn đặt câu hỏi chất vấn chưa đúng với tầm của một ĐBQH".

  • Hồng Phúc - Từ Hội trường Ba Đình.

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,