''Chưa bao giờ bãi biển Cần Giờ bị ô nhiễm nghiêm trọng như mấy ngày qua. 5 ngày sau sự cố chìm tàu dầu 600 tấn tại vịnh Gành Rái, khách tắm biển bị dính dầu. Nghiêm trọng hơn nghêu chết nổi lềnh bềnh trên mặt nước, hôi thối cả bãi biển'', anh Trịnh Minh Dưỡng, Phó ban Quản lý khu du lịch Bãi biển 30/4 Cần Giờ cho biết.
Ở xã Cần Thạnh, tình hình cũng tương tự. Ông Nguyễn Thanh Bình (ấp Phong Thạnh, xã Cần Thạnh) nuôi 150 tấn nghêu trong 9 tháng, chi phí 500 triệu. Sau sự cố tràn dầu, 10% nghêu chết thiệt hại gần 100 triệu đồng. Ông than: ''Hai ngày sau dầu tràn vào sân nghêu, 5-10% nghêu ngoi lên nằm há miệng. Lớp nghêu nằm dưới cát cũng có con chết thối. Tôi lo số nghêu chết ảnh hưởng số còn lại''. Sân nghêu gần đó của ông Trần Minh Thắng (ấp Miễu Nhì, xã Cần Thạnh) có khoảng 400ha bị ảnh hưởng nặng, chiếm 40-50%.
Theo UBND huyện Cần Giờ, dọc bờ biển Cần Giờ vẫn còn nhiều rác lẫn dầu, huyện sẽ tiếp tục chưa thu gom trong những ngày tới. Đến chiều qua (24/3), đã có 38 đơn đề nghị xem xét, hỗ trợ thiệt hại của các hộ nuôi tôm, nghêu, làm nghề đánh lưới tại các xã Thạnh An, Cần Thạnh, Long Hoà.
Cùng ngày, UBND huyện Cần Giờ, Sở KH-CNMT TP.HCM và các chuyên gia môi trường đã họp bàn biện pháp khắc phục ô nhiễm môi trường. Các bên thống nhất đốt ngoài trời (đốt ''hở'') hơn 60 tấn rác lẫn dầu đã thu gom. Trước khi thực hiện, sẽ thí điểm để đánh giá khả năng gây ô nhiễm và ảnh hướng tới khu dân cư.
Anh Nguyễn Văn Tép, một thương lái nghêu ở Cần Giờ cho biết: ''Chính quyền huyện Cần Giờ đã thông báo các chủ sân nghêu ngưng khai thác chờ kết quả xét nghiệm mức độ ô nhiễm, nhưng nhiều hộ sợ nghêu chết dần nên tiếp tục cào bán. Giá nghêu đã giảm 500-1.000 đồng/kg so với trước khi ô nhiễm, còn khoảng 3.000 đồng/kg''. Đáng lo ngại, khi thuỷ triều vừa rút, nhiều người dân kéo ra biển nhặt nghêu mới chết về ăn.
Tại hiện trường, dầu FO còn bám chặt vào bờ kè đá, số khác lẫn trong cát và khá nhiều dầu nổi trên mặt nước. Theo các chuyên gia môi trường, mất ít nhất 3-6 tháng nữa mới tẩy sạch được vết dầu đen. Công tác trục vớt hộ tàu Hồng Anh ngày càng khó khăn hơn do tàu đứt neo chìm xuống đáy khu vực cửa biển. Các hầm tàu vẫn còn chứa hơn 100 tấn dầu FO, tiếp tục rò rỉ ra môi trường. Những ngày qua, sóng, gió, triều cường... cũng gây khá nhiều bất lợi cho trục vớt.
Ông Lương Trường Phi, Phó phòng thường trực Tìm kiếm cứu nạn thuộc Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực 3 cho biết: đến trưa qua, lực lượng trục vớt đã lắp xong lưới cáp vào sà lan đắm, chiều cùng ngày, nâng thử sà lan để đánh giá tính ổn định. Nếu không gặp sự cố, đội cứu hộ sẽ nâng tàu nổi và kéo dần vào bãi cạn để bơm hút hết số dầu còn lại trong các hầm chứa. Sau đó, đưa sà lan vào ụ sửa chữa trong bờ. Hiện lực lượng ứng cứu còn 6 tàu trực ngoài hiện trường (2 tàu vây phao, 2 tàu chứa và 2 tàu trục vớt), đã khống chế được dầu loang.
Chánh văn phòng HĐND-UBND huyện Cần Giờ Nguyễn Hoàng Vũ cho biết, huyện chưa thống kê được thiệt hại do vụ dầu tràn.
(Theo Thanh Niên, Tuổi Trẻ, Lao Động)