Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa thông qua Nghị quyết về bồi thường thiệt hại cho người bị oan do hoạt động tố tụng hình sự, trong đó xác định mức bồi thường cụ thể cho thiệt hại vật chất lẫn tinh thần.
Đối tượng nhận bồi thường là người bị tạm giữ (hoặc tạm giam) có quyết định của cơ quan có thẩm quyền huỷ bỏ quyết định tạm giữ hoặc tạm giam vì người đó không thực hiện hành vi vi phạm pháp luật; người đã hoặc đang chấp hành hình phạt tù, chịu án tử hình mà có bản án, quyết định của toà án có thẩm quyền xác định không phạm tội; người bị khởi tố, truy tố, xét xử, thi hành án có bản án, quyết định của cơ quan có thẩm quyền nêu không phạm tội.
Theo điều 5 nghị quyết, nếu người bị oan chết thì thân nhân, người trực tiếp nuôi dưỡng người đó sẽ nhận khoản bù đắp tinh thần bằng 360 tháng tiền lương (theo mức tối thiểu Nhà nước quy định tại thời điểm bồi thường). Mỗi ngày bị tạm giam, tạm giữ, chấp hành hình phạt tù, đối tượng được đền bù 3 ngày lương tối thiểu... và khoản thu nhập ổn định bị mất do tạm giam, tạm giữ; thanh toán khoản chi phí cứu chữa, phục hồi sức khoẻ. Cơ quan ra quyết định khởi tố, lệnh tạm giam, tạm giữ oan có trách nhiệm bồi thường một lần và chậm nhất 10 ngày (từ khi có quyết định xác nhận oan sai).
Ngoài ra, các cơ quan có trách nhiệm bồi thường phải xin lỗi, cải chính công khai tại nơi cư trú, làm việc của người bị oan và đăng trên một tờ báo Trung ương, một báo địa phương 3 số liên tiếp.
Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ 1/7/1996 (trùng ngày Bộ luật Dân sự có hiệu lực với điều khoản cho phép người oan sai kiện đòi bồi thường thiệt hại).
Tại phiên họp thứ 7 Ủy ban Thường vụ Quốc hội hôm qua, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An đánh giá: ''Nghị quyết là bước quan trọng tiến tới xây dựng Luật Bồi thường Nhà nước để trình Quốc hội xem xét trong những năm tới''.
Cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng thông qua Pháp lệnh phòng chống mại dâm. Pháp lệnh có hiệu lực từ ngày 1/7/2003 gồm 6 chương, 41 điều trong đó có nhiều quy định mới tăng cường phòng, chống mại dâm...
(Theo Thanh Niên)