(VietNamNet) - Sáng nay (18-2), ngay ngày đầu tiên áp dụng quyết định điều chỉnh giá bán xăng dầu của Thủ tướng, thị trường xăng dầu Hà Nội đã ổn định trở lại. Ý kiến chung của người tiêu dùng là ủng hộ việc tăng giá xăng.
Cảnh chen chúc mua xăng ở Hà Nội ngày 17/2 |
Đến chiều tối ngày 17/2, phần lớn các cửa hàng xăng tư nhân trong thành phố Hà Nội vẫn đóng cửa. Ngay trước những tấm biển ''mất điện'' hoặc ''hết hàng'', đội quân xăng chai vẫn thường xuyên túc trực, sẵn sàng phục vụ các ''thượng đế''. Chỉ sau một đêm, tất cả các cây xăng đồng loạt có điện hoặc có hàng trở lại (!?). Cảnh xếp hàng dài dằng dặc chờ xăng đã chấm dứt, thị trường trở lại bình thường.
Sáng nay, phóng viên VietNamNet có mặt tại nhiều trạm xăng trong thành phố, tìm hiểu phản ứng của người dân trước quyết định tăng giá bán lẻ mà Thủ tướng mới ban hành hôm qua (17/2).
Bác Nguyễn Văn Hùng (Quận Tây Hồ, cán bộ Bộ LĐ-TB-XH đã nghỉ hưu) cho rằng ''việc tăng giá xăng là hợp lý. Giá thế giới cao như vậy, làm sao bắt Nhà nước chịu lỗ mãi được. Với tôi, giá tăng vài trăm đồng/lít chẳng đáng kể, tôi chỉ không đồng tình với cách điều tiết của Nhà nước mấy ngày qua. Đáng ra quyết định này phải được ban hành từ 3-4 ngày trước để tránh cảnh bà con phải chen chúc khốn khổ mới mua được xăng''.
Chị Nguyễn Minh Nguyệt (Khu tập thể Nghĩa Đô): ''Mình cũng chẳng để ý xăng tăng giá bao nhiêu. Chắc là cũng chẳng đáng kể. Thà cứ tăng chút ít còn hơn là phải xếp hàng như hôm qua''.
Ông Nguyễn Văn Diệu (Quận Ba Đình, cán bộ Bộ Xây dựng): ''Giá xăng đắt quá thì mình lại dùng ít đi thôi. Nhưng tăng vài trăm đồng thì không phải là nhiều. Cái chính là đủ phục vụ nhân dân. Tôi chỉ thấy việc cấm xe téc chở xăng lưu thông trong thành phố là vô lý''.
Anh Hoàng Giang (Quận Cầu Giấy, nhân viên Công ty Goldsun): ''Tăng giá xăng dầu cho cân bằng với mặt bằng chung của thị trường thế giới là chủ trương đúng đắn của Nhà nước, tôi thì ủng hộ thôi. Với những người có thu nhập cao và trung bình như chúng tôi, tăng giá xăng vài trăm đồng không đáng là bao''.
Anh Trần Văn Quý (hành nghề xe ôm ở phố Lý Thường Kiệt): ''Quyết định này chắc chắn ảnh hưởng nhiều đến chúng tôi. Giá xăng thì tăng, nhưng chúng tôi lại không thể thu thêm tiền của khách. Tuy nhiên, đã là chủ trương đúng thì chúng tôi cũng ủng hộ. Có điều, cấm xe chở xăng vào nội thành là không được. Cấm xe hàng thì ai cũng hiểu, vì đường ngày càng hẹp, người ngày càng đông. Nhưng xe chở xăng là phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân, thiếu một ngày là không xong rồi''.
Chị Bùi Thị Liên (nhân viên Công ty Liên doanh Hà Thanh Bình): ''Lương thì chưa thấy tăng mà hàng hóa gì cũng tăng giá. Xăng mà tăng giá là kéo theo hàng loạt thứ khác cũng tăng theo đấy. Hôm qua tôi xếp hàng gần một giờ đồng hồ ở cây xăng Trần Quang Khải mới mua được. Thôi thì thà tốn thêm ít tiền còn hơn là chờ đợi như vậy. Công ty của tôi dùng nhiều xe chở hàng, tăng giá xăng như vậy là chi phí cũng tăng đáng kể đấy. Chúng tôi sẽ buộc phải tăng giá bán hàng để bù vào''.
- Anh Nguyễn Quang Anh (Khu tập thể Đại học Mỏ, sinh viên ĐH Bách Khoa): Tôi đi từ nhà đến trường cũng khá xa, tốn nhiều xăng lắm. Nhưng tăng giá vài trăm đồng thì không đáng kể, mỗi tháng chỉ tốn thêm 10.000-15.000 đồng thôi.
-
Trịnh Hằng (ghi)