Theo t
hông báo của Đài Khí tượng thuỷ văn Trung Trung bộ, hồi 7h sáng nay 16/11, vị trí tâm bão số 7 ở vào khoảng 14,2 độ vĩ Bắc – 113,9 độ kinh Đông, trên khu vực giữa biển Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 370km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 10 – 11, tức là từ 89 – 117km/h, giật trên cấp 11. Dự báo trong 24h tới, bão số 7 di chuyển theo hướng Tây – Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km và có khả năng mạnh lên. Do ảnh hưởng của hoàng lưu bão, vùng biển ngoài khơi từ Quảng Bình đến Khánh Hoà từ đêm nay gió sẽ mạnh dần lên cấp 7 – 8, ngày mai 17/11 tăng lên cấp 9 – 10, biển động rất mạnh.Tại Đà
Nẵng, nơi có huyện đảo Hoàng Sa, trước diễn biến của tình hình bão lũ, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão (PCLB) TP đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, Bộ chỉ huy quân sự, biên phòng, công an và các quận, huyện triển khai phương án PCLB đối với bão số 7; tổ chức trực ban 24/24h, theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão lũ để kịp thời có phương án phòng chống có hiệu quả. Tàu thuyền được lệnh nghiêm cấm ra khơi.Các đài phát thanh - truyền hình, bộ đội biên phòng và Đài thông tin duyên hải Đà Nẵng được chỉ đạo khẩn trương thông tin tình hình bão số 7 cho ngư dân biết để phòng tránh; tăng cường trực ban tiếp nhận và xử lý thông tin của thuyền đánh cá đang còn ở ngoài khơi. Bộ đội Biên phòng Đà Nẵng được giao thống kê số lượng tàu thuyền của TP đã trở về và chưa trở về để báo cho BCH PCLB; tổ chức bắn pháo hiệu theo quy chế báo bão lũ và sẵn sàng triển khai tìm kiếm, cứu nạn trên biển.
BCH PCLB Đà Nẵng cũng chỉ đạo các quận huyện, cảnh sát đường sông và Chi cục bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản tổ chức neo đậu tàu thuyền vào nơi quy định; triển khai ngay công tác kiểm tra, đôn đốc và tổ chức chèn chống nhà cửa của dân, nhất là tại các vùng ven biển, các nhà không kiên cố, các nhà xây dựng tạm. Sở Giao thông – Công chính, các Ban quản lý các dự án xây dựng và UBND các quận, huyện triển khai chèn chống, tăng cường an toàn cho các khu nhà tạm của các khu vực giải toả; khơi thông và chống ngập úng cho các khu dân cư.
Huyện Hoà Vang được chỉ đạo triển khai phương án PCLB cho hai hồ chứa nước Hoà Trung và Đồng Nghệ cùng các hồ thuỷ lợi khác. Các địa phương miền núi như Hoà Bắc, Hoà Phú, Hoà Ninh, Hoà Liên, Hoà Nhơn và Hoà Phong đề phòng lũ quét, sẵn sàng thực hiện các phương án phòng chống lũ quét của địa phương mình.
Tại tỉnh Bình Định, tính đến trưa 16/11, vùng đồng bằng các huyện Phù Cát, Phù Mỹ, Tuy Phước và các phường Nhơn Phú, Nhơn Bình (TP Quy Nhơn) vẫn bị ngập trong nước. Ở nhiều nơi, đồng bào vẫn chưa đi lại được. Theo BCH PCLB Bình Định, chính quyền và nhân dân các địa phương trong tỉnh đang tiếp tục các nỗ lực khắc phục hậu quả lũ lụt, đảm bảo vệ sinh môi trường, ngăn ngừa dịch bệnh, đồng thời đưa lương thực, thực phẩm, thuốc men đến cứu trợ đồng bào vùng lũ. Học sinh vùng bị ngập nước tiếp tục phải nghỉ học để đảm bảo an toàn.
Rút kinh nghiệm đợt lũ hồi tháng 10, trong đợt này người dân ở vùng bị ngập lụt đã chủ động hơn trong công tác phòng chống và khắc phục hậu qua lũ lụt. Bên cạnh đó, Bình Định cũng đã sẵn sàng đối phó với bão số 7. Ông Đàm Văn Lợi, Phó Chi cục trưởng Chi cục PCLB tỉnh Bình Định, cho biết: “Để hạn chế thiệt hại do mưa bão gây ra, Chủ tịch UBND tỉnh đã có công điện chỉ đạo các địa phương không cho tàu thuyền ra khơi, bằng mọi cách thông báo cho tàu thuyền còn ở ngoài khơi chủ động tìm nơi trú ẩn. Tổ chức di chuyển người dân và tài sản ở các khu nhà rầm ven biển, các khu vực thường xuyên bị bão lụt đe doạ về nơi an toàn. Đồng thời tổ chức chèn chống cho các trường học, bệnh viện và có kế hoạch bảo vệ bệnh nhân. Giám đốc Sở GD-ĐT được giao quyền chủ động cho học sinh nghỉ học khi có bão xảy ra"
Tại tỉnh Khánh Hoà, để giúp nhân dân khắc phục hậu quả mưa lũ và đối phó với bão số 7, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh cũng đã và đang triển khai nhiều biện pháp cụ thể. Toàn bộ cán bộ, chiến sĩ, đơn vị và nhiều phương tiện như canô, xuồng máy, áo phao... đã được Bộ chỉ huy quân sự tỉnh huy động xuống các địa bàn xung yếu như thị xã Cam Ranh, các huyện Diên Khánh, Khánh Vĩnh, Khánh Sơn để trực tiếp cứu hộ, cứu nạn.
Trong những ngày qua, không quản ngại khó khăn, nguy hiểm, cán bộ, chiến sĩ thuộc Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Khánh Hoà cùng với lực lượng dân quân tự vệ các địa phương đã cứu hộ hàng ngàn người dân và nhiều tàu thuyền, phương tiện, hàng trăm gia súc, gia cầm, gần 40.000 tấn lúa, hàng hoá, 10 tấn đạn dược... đến nơi cao ráo, an toàn.
Ngoài ra, BCH PCLB của Bộ chỉ huy quân sự tỉnh còn huy động hơn 100 cán bộ, chiến sĩ vào giúp nhân dân Ninh Thuận khắc phục hậu quả mưa lũ. Trước việc cơn bão số 7 có khả năng đổ bộ vào miền Trung, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Khánh Hoà đã chủ động có các biện pháp để ứng cứu kịp thời khi xảy ra mưa bão.
Ông Lê Văn Bình, Phó chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Khánh Hoà cho biết: "Hiện nay chúng tôi đang tổ chức quét dọn và kê kích để sẵn sàng đối phó với cơn bão số 7. Lực lượng dân quân đang tổ chức giúp dân khắc phục hậu quả mưa lũ theo chỉ đạo của các huyện. Chúng tôi cũng đang chỉ đạo cho tất cả các đơn vị bộ đội ở huyện, tỉnh tiếp tục củng cố, bổ sung lực lượng canô, xuồng máy và các phương tiện khác để khi có tình hình thời tiết phức tạp tiếp tục xảy ra thì sẽ sẵn sàng ứng cứu theo kế hoạch".
-
Thanh Hải