Địa chỉ số 2W Ung Văn Khiêm (P.25, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) là một “địa chỉ đen”. Đen ở đây không chỉ do màu đen của bụi than đá đã nhuộm lá phổi của người dân trong nhiều năm qua, mà còn cảnh báo trước nguy cơ sạt lở nghiêm trọng. Đáng tiếc, cơ quan chủ quản là Công ty Chế biến & kinh doanh than miền Nam (CBKDTMN) vẫn phớt lờ.
Đụn cát và cần cẩu nằm sát mép nước trong khu vực cảng than. |
Nằm sát bờ sông Sài Gòn, Công ty Than miền Nam sở hữu đoạn bờ sông khá dài lên đến hàng trăm mét. Nơi đây được xây dựng thành một bến cảng để nhập than đá từ các tỉnh miền Bắc đưa vào.
7 năm về trước, công ty đã ngắt một đoạn bờ sông cho cán bộ trong cơ quan thuê để kinh doanh cát. Chẳng bao lâu, địa điểm này bị sạt lở chôn vùi xuống lòng sông nhiều tài sản, đồng thời cũng nuốt mất một diện tích đất khá lớn. Tiền cho thuê làm vựa cát không đủ để khắc phục hậu quả. Chưa hết, cách đây hơn một năm, cũng tại khu vực này, 4.000 tấn than của công ty cũng đã theo chân vựa cát nằm yên dưới dòng nước...
Tháng 7/2003, Công ty dịch vụ tư vấn Đại Minh tổ chức khảo sát lại toàn bộ tuyến sông Sài Gòn và kênh Thanh Đa đã có kết luận, khu vực cảng than do tác động của thủy triều và dòng chảy xoáy mạnh, tạo thành lòng chảo cách bờ 15m, với độ sâu 5,5m. Khu vực này có nguy cơ sạt lở trầm trọng. Vì thế, UBND Q. Bình Thạnh đã liên tiếp có nhiều công văn gửi đến Công ty CBKDTMN để thông báo về nguy cơ này. Đồng thời, UBND thành phố cũng đã ra văn bản chỉ đạo di dời các cơ quan, đơn vị và hộ dân ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở cao.
Mặc cho những lời cảnh báo từ chính quyền các cấp, ngày 1/10/2003 ông Vĩnh Như - Giám đốc Công ty CBKDTMN - đã ký với Công ty TNHH Duy Đức một hợp đồng cho thuê mặt bằng sát sông Sài Gòn có chiều dài 60m, sâu 20m, để một lần nữa thành lập địa điểm chứa và kinh doanh cát khá lớn.
Trên bờ sông sát mép nước, hai đụn cát với sức nặng hàng trăm tấn nằm chễm chệ như thách thức dòng chảy của sông. Hàng đoàn xe tải lớn nhỏ nối đuôi vào lấy cát. Bên ngoài, mặt tiền đường Ung Văn Khiêm, một tấm biển ghi dòng chữ “bãi cát bán 24/24 giờ” bên cạnh tấm biển màu đỏ cảnh báo “khu vực có nguy cơ sạt lở bờ sông” như thách đố với mọi hiểm họa.
Ông Nguyễn Y Nhã, ủy viên quản lý đô thị UBND P.25, cho biết, phường đã nhiều lần đến gặp đơn vị chủ quản và ông Trần Đức Rẻn - giám đốc Công ty Duy Đức - để thông báo tình trạng này, nhưng không hiệu quả.
Trở ngại lớn nhất hiện nay là họ đã xuất trình được giấy phép số 053 ngày 7-1-2003 của Cảng vụ Đường thủy, nội địa khu vực 3, cho phép sử dụng cảng than làm nơi đậu đỗ phương tiện để bốc dỡ vật liệu xây dựng. Vì vậy, phường chỉ còn một động tác duy nhất là nhắc nhở Công ty Duy Đức, nơi tập kết cát chính là điểm sạt lở của P.25.
Trước việc trái khoáy này, ông Tạ Vĩnh Ảnh, Giám đốc Khu Đường sông cho biết dứt khoát, trên khu vực cảng than không được tạo thêm gia tải. Việc lập bãi cát tại đây sẽ làm nguy cơ sạt lở cao hơn, bởi đây là một trong 10 khu vực trọng điểm đã được cảnh báo.
Theo ông Ảnh, sau sự cố sạt lở chôn vùi 4.000 tấn than xuống nước, Khu Đường sông chỉ mới gia cố lại bờ kè để ngăn chặn sạt lở thêm. Vì vậy, khu vực này không thể chịu đựng được sức nặng nào từ bên trên vì phía dưới bờ sông đã bị khoét hàm ếch. Khu Đường sông cũng đã có công văn đề nghị UBND Bình Thạnh khẩn trương giải tỏa bãi cát trên khu vực cảng than nhằm đảm bảo an toàn trong vùng sạt lở.
Hiện nay, nhiều người đang trông chờ biện pháp tích cực từ UBND Q.Bình Thạnh cũng như các cơ quan hữu quan mà đặc biệt là Tổng công ty Than Việt Nam, đơn vị chủ quản của Công ty CBKDTMN.
(Theo Tuổi Trẻ)