221
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
134859
Càng chống ngập, càng bế tắc
1
Article
null
Càng chống ngập, càng bế tắc
,

Triều cường gây úng ngập nhiều khu vực TP.HCM

Đợt triều cường từ 24 đến 28/10 không có mưa lớn và đỉnh triều thấp hơn năm ngoái nhưng rất nhiều vùng nội, ngoại thành vẫn bị ngập úng nghiêm trọng, gây ách tắc giao thông. Riêng quận Bình Thạnh có đến 1/3 đường sá bị ngập, nhiều nơi ngập sâu 0,5-1m và ngập rất lâu sau khi nước triều trên các sông đã rút cạn. Theo Chi cục Quản lý nước & Phòng chống lụt bão TP.HCM, tình trạng "không mưa vẫn ngập" do yếu kém trong quy hoạch.

Chống nơi này lại ngập nơi khác

Theo báo cáo của Công ty thoát nước đô thị TP.HCM, chương trình chống ngập nước nội thị 2001- 2003 đã giải quyết được 33/70 điểm ngập nặng toàn thành phố. Thế nhưng trên thực tế mức độ ngập úng ở
thành phố ngày càng trầm trọng hơn chứ không giảm. Chống ngập xong nơi này lại ngập ở nơi khác. Thành phố "nhạy cảm" với ngập úng đến mức chỉ cần một trận mưa khoảng 40mm là nhiều con đường biến thành sông.

Trong mùa mưa năm nay nhiều đợt ngập úng nặng đã gây thiệt hại không nhỏ về kinh tế - đời sống của người dân. Trận mưa ngày 28/9 chỉ mới có 70mm mà đã gây ngập kéo dài ở nhiều điểm, ngay cả khu vực trung tâm quận 1 và chợ Bến Thành cũng nằm ở mực nước 0,3m, mãi đến hôm sau vẫn còn nhiều nơi chưa thoát nước.

Trước đó 2 ngày mưa cũng đã gây ngập và ách tắc giao thông nhiều tuyến đường, có nơi ách tắc 3-4 giờ. Nhiều khu dân cư mới xây xong đã ngập, làm sao tính đến chuyện chống ngập lâu dài? Chỉ riêng trong đợt triều cường vừa qua, Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão thành phố đã phải hỗ trợ khẩn cấp 1,566 tỉ đồng cho các địa phương để chống ngập úng.

Nguyên nhân ngập úng triền miên

Theo Hội Nước & Môi trường TP.HCM, hệ thống thoát nước trước đây chỉ phục vụ diện tích đô thị 35km2 và 1,5 triệu người, nay thành phố đã phát triển lên 650km2 với 5 triệu người. Có đến 60km cống vòm hư hỏng do đã cũ kỹ, không được cải tạo, có nguy cơ bị sập. Sự phát triển của hệ thống thoát nước không theo kịp tốc độ đô thị hoá. Thậm chí, một số vùng nông thôn đã quy hoạch thành đô thị mà không hề tính đến chuyện thoát nước và cho đến nay có đến 30% diện tích nội thành không có hệ thống thoát nước!

Hệ thống cống thoát của các khu vực đô thị cũng mới chắp nối lẫn nhau, mạnh ai nấy làm, không có một quy hoạch tổng thể . Một số cống thoát nước vốn đã "quá tải" vì có đường kính nhỏ, nay lại bị nối thêm vào các khu dân cư  mới hình thành. Các công trình ngầm như điện, điện thoại , cấp nước, thoát nước giao cắt nhau gây hư hỏng hệ thống thoát nước. Đã vậy, việc nạo vét cống thường được thực hiện thủ công, chủ yếu chỉ gom bùn hố ga, không làm sạch cặn bùn dưới đáy cống.

TS Lê Thành Bảo Đức, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý nước và Phòng chống lụt bão TP.HCM nhận định, đợt triều cường vừa qua một phần do thời tiết nhưng chủ yếu do con người gây ra như hệ thống đường giao thông và đê bao không đạt yêu cầu về độ cao, hệ thống thoát nước không đạt yêu cầu gây úng cục bộ nhiều nơi; san lấp lấn chiếm trong xây dựng; quy hoạch hệ thống đê, đường, cầu cống không hợp lý cản trở quá trình tiêu thoát nước.

Còn theo kỹ sư Vũ Hải (Hội Nước & Môi trường TP.HCM), hệ thống thoát nước không được tính toán một cách khoa học, nghiêm túc và bỏ qua yếu tố triều cường. Khi xây dựng đô thị, các nhà quy hoạch không tính đến sự thay đổi thảm thực vật và dòng chảy để xây dựng hệ thống thoát nước phù hợp. Kết quả là nước ngập nhanh nhưng thoát rất chậm.

Tại hội thảo về chống ngập úng do Hội Liên hiệp Khoa học kỹ thuật TP.HCM tổ chức ngày 29/10, các nhà khoa học đã đề ra nhiều giải pháp phát triển hệ thống thoát nước. Nhưng vấn đề cốt lõi không phải giải pháp kỹ thuật mà là chiến lược quản lý. TP.HCM cần đánh giá lại toàn bộ hiện trạng của hệ thống thoát nước một cách chính xác để xác lập quy hoạch chi tiết, dài hạn. Nếu không, công tác chống ngập úng cứ thực hiện theo kiểu "chữa cháy" và không đạt hiệu quả mong muốn.

Biện pháp khắc phục

Theo tính toán sơ bộ của kỹ sư Vũ Hải, chỉ cần đầu tư 165 tỷ đồng để xây 4 đập ngăn triều tại các cửa kênh, rạch: Thị Nghè, Tân Hóa - Lò Gốm, Tham Lương - Bến Cát và cửa rạch Thầy Tiêu sẽ chống ngập cho 63% diện tích nội thành TP.HCM. Công trình này có ý nghĩa kinh tế và hợp lý hơn 2 công trình kiểm soát triều cường (dự án kiểm soát nước triều Cầu Bông - Bình Lợi - rạch Lăng và rạch Văn Thánh) đang thực hiện tại quận Bình Thạnh chỉ phục vụ cho 420ha tốn 196 tỷ đồng. Ngoài ra, ông Hải cũng đề nghị lắp đặt các van ngăn triều tại các trạm bơm thoát nước cục bộ phục vụ đô thị cũ có nền quá thấp để tránh tình trạng nước triều từ các cửa cống tràn lên đường phố.

TS Trương Đình Hiển, Phân viện Vật lý TP.HCM bổ sung: với những vùng trũng thấp nhưng không có kênh rạch nên đắp đê bao. Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Điềm, khoa Xây dựng, ĐHBK TP.HCM cảnh báo: cần tính toán riêng cho từng vùng để có phương án chống ngập úng hợp lý. Các sông, rạch ở vùng bị ảnh hưởng triều cường có dạng chạy vòng nếu chỉ xây đập và van ngăn triều có thể gây ra tác hại lớn.

Quan trọng hơn hết, theo TS Lê Long, Hội cấp nước Việt Nam, TP.HCM cần có trung tâm theo dõi, ghi nhận ý kiến của các chuyên gia, kịp thời đề xuất với cấp có thẩm quyền.

Về giải quyết ngập do mưa, nhiều nhà khoa học đề xuất xây các hồ điều hoà bằng cách tận dụng các vùng trũng có sẵn và cải tạo, mở rộng các hồ hiện có.

Theo Chương trình khảo sát do tổ chức JICA (Nhật Bản), TP.HCM bị ngập lụt thường xuyên trên 35km2 vùng đô thị, 230km2 nông thôn, gây thiệt hại khoảng 845 tỉ đồng/năm.

(Theo Tiền Phong, Lao Động, Thanh Niên)

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,